Đường tới Olympic của Thể thao Việt Nam: Gian nan đến khi nào?

01/03/2024 05:48 GMT+7 | Thể thao

Việt Nam vừa được chấp thuận đăng cai giải vô địch Taekwondo châu Á 2024 sẽ diễn ra vào tháng 5 tại Cung thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng. Đây là lần thứ 4 Việt Nam tổ chức sự kiện này, sau các năm 1998, 2012 và 2018.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Taekwondo Việt Nam vẫn chưa có vé dự Olympic Paris 2024. Cơ hội duy nhất sẽ nằm ở vòng loại Olympic sẽ tổ chức trong tháng 3 này và sáng giá nhất là nữ võ sỹ Trương Thị Kim Tuyền, người từng giành HCV châu Á khi chúng ta đăng cai giải đấu trên sân nhà năm 2018 và từng có vé dự Olympic Tokyo 2020.

1. Trương Thị Kim Tuyền được xem là "độc cô cầu bại" của Taekwondo Việt Nam khi có đủ bộ sưu tập huy chương từ châu Á đến khu vực và trong nước. Cô gái quê Vĩnh Long thi đấu ở hạng 49kg này từng đoạt HCV SEA Games năm 2015 khi chỉ mới 18 tuổi.

Năm nay đã 27 tuổi, nữ võ sỹ của chúng ta vẫn không có đối thủ trong nước, nhưng hiện chỉ đứng hạng 18 thế giới và hạng 29 theo xếp hạng của vòng loại Olympic khu vực châu Á. "Cửa" dự Paris 2024 vẫn còn với Kim Tuyền và Taekwondo Việt Nam nhưng đúng là rất gian nan vì chỉ có 2 người đứng đầu mỗi hạng cân tại vòng loại sắp tới mới có vé.

Như đã biết, Taekwondo chính là môn thi đấu đầu tiên giúp thể thao Việt Nam có huy chương tại Olympic với kỳ tích của nữ võ sỹ Trần Hiếu Ngân ở năm Sydney 2000. Đây cũng là môn đã đem về HCV Asiad đầu tiên hồi năm 1994 nhờ công Trần Quang Hạ.

Taekwondo thi đấu theo hạng cân, lại có gốc gác châu Á, nên về lý thuyết là cơ hội lớn cho những nền thể thao vốn chịu thua thiệt hình thể của châu Á. Chúng ta cũng thường xuyên có HCV ở các giải châu lục, cũng nằm trong Top 3 đoàn mạnh nhất ở các kỳ SEA Games, nhưng câu chuyện tại Olympic thì hoàn toàn khác.

Ở Olympic Tokyo 2020, Trương Thị Kim Tuyền vào đến vòng 1/8 nhưng để thua Panipak Wongpattanakit của Thái Lan, người sau đó lên ngôi vô địch ở hạng cân 49kg nữ. Đó là chiếc HCV đầu tiên của Taekwondo Thái Lan tại Thế vận hội và cũng là chiếc HCV duy nhất của đoàn Thái Lan ở Tokyo 2020.

Thời điểm thực hiện điều đó, Panipak Wongpattanakit chỉ mới 24 tuổi nhưng đã thâu tóm toàn bộ HCV ở mọi cuộc tranh tài từ thế giới đến châu Á. Xét về độ tuổi, sức mạnh của Taekwondo của Thái Lan tại khu vực Đông Nam Á, thì có thể thấy việc Panipak Wongpattanakit đoạt HCV là kết quả của một quá trình dài lâu như thế nào. Rất khó khăn, rất gian nan.

Nếu xét về truyền thống của các môn võ tại Việt Nam, thì có thể thấy bản chất của việc Taekwondo không thể phát triển ở tầm thế giới nằm ở khâu đầu tư. Từ lúc Trương Thị Kim Tuyền đoạt HCV châu Á năm 2018 đến nay, cô vẫn là người duy nhất có khả năng giành vé dự Olympic kể cả khi tuổi tác cũng đã nhiều.

Với các môn võ, thì yếu tố quan trọng nhất là con người. Vậy thì tuyến kế cận của Taekwondo ở đâu và chúng ta đầu tư cho khâu đào tạo, phát hiện tại năng ở môn trong những môn trọng điểm, có triển vọng huy chương tại Olympic ra sao?

ĐƯỜNG TỚI OLYMPIC CỦA THỂ THAO VIỆT NAM: Gian nan đến khi nào? - Ảnh 1.

Kim Tuyền (trái) là hy vọng lớn nhất của taekwondo Việt Nam trong nỗ lực giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Ảnh: Hoàng Linh

2. Mục tiêu của thể thao Việt Nam (TTVN) tại Olympic 2024 chỉ từ 10-12 tấm vé tham dự. Đó là con số khiêm tốn nhưng không dễ để đạt được nếu không nói đến thời điểm này thì rất khó hoàn thành. Con số hiện tại chỉ mới có 4, trong khi Thái Lan hiện có 17 vé ở 7 môn khác nhau và phần lớn đều đến từ các môn thế mạnh của họ như Boxing, Sailing, Taekwondo, bắn súng …

Hãy trở lại với câu chuyện của Taekwondo. Đây là môn mà khoản đầu tư quan trọng nhất là vào con người, vậy nhưng chúng ta cũng đã thấy khó khăn đến mức nào trên con đường tìm vé dự Olympic. Vậy thì  những môn có yêu cầu cao hơn về yếu tố thể chất VĐV, đầu tư trang thiết bị, cơ sở tập luyện, chế độ dinh dưỡng, công nghệ… thì còn khó khăn đến mức nào.

Nói như vậy không phải là chúng ta buông bỏ tham vọng vươn tầm thế giới, mà là để thấy mức độ đầu tư, khối lượng công việc lớn ra sao để có sự phân bổ, định hướng, chọn lọc… để tránh tình trạng cố gắng có vé dự Olympic nhưng đôi khi có cũng chẳng để làm gì, chỉ khiến phân tán nguồn lực vốn hạn hẹp.

Hồi Olympic London 2012, chúng ta có vé dự ở môn thể dục dụng cụ. Sang đến nơi mới biết là các thiết bị thi đấu đều mới so với những gì mà VĐV đã tập luyện. Thế là phải mất thời gian làm quen và cũng chẳng thể thi đấu tốt  trong điều kiện như vậy. Đó là một trong những ví dụ cho thấy để đến và chơi được tại Olympic không thể xuất phát từ mục đích "làm đẹp" báo cáo theo kiểu đếm số lượng. Môn nào đầu tư được, có nguồn lực con người sẵn, dự trù được nguồn tài chính dài hạn thì mới có nhiều triển vọng chiến thắng…

3. Trong công cuộc tìm vé dự Olympic Paris 2024, có một điểm đáng chú ý đó là số lượng vé đã có cũng như các suất kỳ vọng, lại không có quá nhiều sự liền mạch đối với các tấm huy chương của TTVN tại Asiad 19 mới đây.

Ví dụ như nhà vô địch Phạm Quang Huy ở môn bắn súng hiện chưa có vé. Có một độ vênh nhất định giữa thành tích Asiad và khả năng đến Olympic. Trong khi đó, hồi Trần Hiếu Ngân đoạt HCB Olympic thì đó là giai đoạn mà Taekwondo cũng đạt thành tích tốt ở Asiad.

Đó mới là điều hợp lý. Olympic  là sự kiện 4 năm mới diễn ra một lần nên trở thành sàn diễn của các nhà vô địch. Đó là lý do mà chiếc huy chương của Thế vận hội mới danh giá đến vậy. Để chiến thắng tại đó, các VĐV cũng đã phải chiến thắng hàng chục giải đấu quốc tế suốt nhiều năm trước và duy trì sự ổn định ở mức cao nhất.

Vì vậy mà khi TTVN vẫn đang gian nan trong các cuộc thi vòng loại để tìm vé, thì chúng ta cũng không khó hình dung màn thể hiện của các VĐV tại Paris 2024 sẽ như thế nào. Cũng vì vậy, việc tham gia các cuộc thi vòng loại như thế này, cho dù được đầu tư tập trung trong vài tháng thì chưa chắc đem lại hiệu quả cao, bởi nói cho cùng "phong độ là nhất thời…".

Olympic 2024 đang trên đường đánh dấu một chặng đường sa sút lớn của TTVN kể từ sau Asiad 2018. Điều đó không nằm ngoài dự báo và thực tế thì nếu chúng ta thất bại về số lượng vé đến Paris 2024 thì cũng là cơ hội để thay đổi cách đánh giá, chiến lược dành riêng cho đấu trường quá lớn này.

Hãy nhìn đến sự sa sút của điền kinh và khoảng trống trước mắt để có những tính toán khoa học hơn thay vì dồn nhiều nguồn lực để phải hồi hộp đếm số vé dự Olympic.

Sau chuyến tập huấn tại Hàn Quốc và thi đấu tại Canada, Mỹ kéo dài hơn 1 tháng, đội tuyển Taekwondo Việt Nam đã trở về Việt Nam để tiếp tục chuẩn bị cho hành trình "săn" vé dự Olympic Paris 2024.

Các võ sĩ của Việt Nam cũng "mở hàng" cho năm 2024 bằng những kết quả rất thuận lợi với hai tấm HCB tại hai giải đấu quốc tế lần lượt là giải Taekwondo Canada mở rộng 2024 của Bạc Thị Khiêm ở hạng 67kg nữ và giải Taekwondo Mỹ mở rộng 2024 của Trương Thị Kim Tuyền ở hạng 49kg nữ. Thành tích này giúp các võ sĩ Việt Nam tích lũy điểm, nâng cao thứ hạng trước thềm giải đấu vòng loại Olympic.

So với những môn thể thao khác, thể thức cạnh tranh suất dự Olympic ở môn Taekwondo có phần "khắc nghiệt" hơn. Cụ thể, ngoài 6 VĐV hàng đầu thế giới sẽ được vào thẳng VCK, các châu lục sẽ chọn ra 2 VĐV đứng nhất, nhì ở mỗi hạng cân vòng loại. Mỗi quốc gia sẽ được tham dự tối đa 4 VĐV gồm 2 nam, 2 nữ trong tổng số 4 hạng cân nam/nữ tại vòng loại.

Vòng loại Olympic Paris 2024 khu vực châu Á, diễn ra từ ngày 15/3 đến ngày 16/3, tại Trung Quốc. Đây là giai đoạn quyết định trực tiếp của việc tranh vé tới Thế vận hội ở Pháp mùa hè năm nay. Được biết, trước ngày lên đường, Ban huấn luyện đội tuyển Taekwondo Việt Nam sẽ chốt danh sách các VĐV tham dự.


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm