(TT&VH) - Nhân loại đang đứng trước những nguy cơ thảm họa khí hậu khủng khiếp do Trái đất nóng dần lên. Nhà khoa học người Mỹ Alan Robock cho rằng có thể dễ dàng chống lại điều đó bằng cách đơn giản là mỗi ngày chỉ cần đưa một số máy bay lên tầng bình lưu và phóng vào đó hàng nghìn tấn lưu huỳnh là có thể che bớt ánh Mặt trời chiếu vào Trái đất.
Một ý tưởng viển vông? Không hề! Giáo sư Alan Robock, thuộc của ĐHTH New Jersey (Mỹ), thậm chí cho rằng đây là biện pháp giầu tính khả thi nhất với chi phí cực thấp so với những khoản tiến khổng lồ mà nhân loại đang bỏ ra để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.
Bắt chước thiên nhiên
Những khẩu pháo cao xạ “gây mưa” ở Trung Quốc cũng có thể dùng để phóng ô xít lưu huỳnh vào tầng bình lưu. |
Theo GS Alan Robock, thật ra phương án sử dụng lưu huỳnh (chính xác hơn ôxít lưu huỳnh) để “che bớt” mặt trời của ông chẳng qua là một kiểu “bắt chước thiên nhiên”: Năm 1991, núi lửa Pinatubo ở Philippines hoạt động trở lại, phun ra 20 triệu tấn khói bụi và tạo ra một đám khói bụi cao tới 20km. Lớp bụi này đã lan tỏa trong tầng bình lưu và khiến cho nhiệt độ trung bình trên Trái đất giảm 0,5 độ C.
Theo tính toán của GS Alan Robock, mỗi năm nhân loại chỉ cần phun vào tầng bình lưu của khí quyển chừng 1 triệu tấn ôxít lưu huỳnh là có thể giảm bớt được vài phần trăm cường độ ánh sáng Mặt trời chiếu vào Trái đất, một con số ít ỏi nhưng cũng đã đủ nhiệt độ khí hậu Trái đất giảm xuống dới mức nguy hiểm. Để làm điều đó, người ta có thể dùng pháo cao xạ, khinh khí cầu hoặc máy bay đưa bụi lưu huỳnh lên tầng bình lưu. Trong đó xem ra dùng máy bay là rẻ hơn cả.
Nếu dùng khinh khí cầu hoặc pháp cao xạ, mỗi năm nhân loại phải bỏ ra khoảng 30 tỷ USD, trong khi đó nếu dùng máy bay, chỉ phải chi cùng lắm 800 triệu USD, thậm chí chỉ 40 triệu USD, tùy thuộc vào việc sử dụng loại máy bay nào.
* Loại máy bay tiếp dầu KC-135 chở được 91 tấn ôxít lưu huỳnh trong một lần “xuất kích” và người ta chỉ cần 15 chiếc KC-135 cất cánh 3 lần mỗi ngày và 250 ngày trong một năm là có thể hoàn tất công việc. Đây quả là một con số ít ỏi, nếu ta biết rằng Không quân Mỹ hiện có tới 481 chiếc KC-135.
Máy bay tiêm kích F-15C Eagle thích hợp cho việc phun
ôxít lưu huỳnh ở tầng bình lưu tại khu vực nhiệt đới.
* Với máy bay tiếp dầu KC-10 có công suất cao hơn, thậm chí chỉ cần sử dụng mỗi ngày 9 chiếc trong khi Không quân Mỹ có tới 59 chiếc loại này. Tuy nhiên máy bay tiếp dầu chỉ “leo” lên đến độ cao tối đa 12-15km, vì thế chỉ có thể sử dụng chúng để phun ôxít lưu huỳnh ở hai cực của Trái đất vì ở đó, tầng bình lưu ở đây bắt đầu ở độ cao 8km.
* Tại vùng xích đạo nơi tầng bình lưu bắt đầu ở độ cao tới 20km, GS Alan Robock đề xuất sử dụng loại máy bay tiêm kích F-15, có trọng tải chỉ 8 tấn. Nếu chỉ sử dụng loại máy bay này, mỗi ngày cần phải dùng tới 167 chiếc với chi phí hoạt động trong cả năm khoảng 768 triệu USD, đắt hơn nhiều so với KC-135 (69 triệu USD) và KC-10 (41 triệu USD).
Nhưng cũng chỉ là “giải pháp tình thế”
Song, nhà khoa học David Keith của Đại học Calgary cho rằng phun ôxít lưu huỳnh không phải là giải pháp tối ưu để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu mà chỉ là “giải pháp tình thế”. Ngoài ra, việc phun ôxít lưu huỳnh vào tầng bình lưu có thể mang lại nhiều hậu quả tai hại, trong đó có những cơn mưa axít từng hủy hoại vô số cánh rừng ở nhiều nơi trên thế giới.
Núi lửa Pinatubo bùng phát trong năm 1991, tạo ra một cột khói cao tới 20 km lan khắp đi khắp nơi, khiến cho nhiệt độ trên toàn thế giới giảm tới 0,5 độ C. |
Bất chấp những lo ngại trên, ông James Hansen thuộc Viện nghiên cứu không gian Goddard, nhà nghiên cứu khí hậu hàng đầu ở Mỹ, cũng không loại trừ các “giải pháp tình thế” như vậy. Bởi những phương án như trồng rừng và sử dụng nhiên liệu sinh học tuy “giầu tính bền vững”, nhưng đòi hỏi cần phải có một thời gian thực hiện rất lâu dài. Ông James Hansen khẳng định nếu các chính trị gia trên thế giới vẫn còn do dự trong việc chống lại tình trạng biến đổi khí hậu và “khi lớp băng vĩnh cửu ở hai cực có nguy cơ bị rã hoàn toàn, nhân loại sẽ buộc phải áp dụng những giải pháp tình thế như phương án phun ôxít lưu huỳnh vào tầng bình lưu” của GS Alan Robock.
Khi ấy người ta sẽ thấy cảnh tượng mỗi ngày 3 lần có hàng đàn máy bay tiêm kích “tấn công” tầng bình lưu bởi hàng nghìn tấn bụi ôxít lưu huỳnh để qua đó có thể làm lạnh trái đất đi một chút. Công việc này dĩ nhiên không chỉ kéo dài trong nhiều ngày hay nhiều năm, mà là trong nhiều thập kỷ, nếu nhân loại vẫn còn tiếp tục đối xử với hành tinh xanh của chúng ta một cách thiếu trách nhiệm như hiện nay.
Minh Bích