27/12/2015 07:21 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - “Bảo người ta từ bỏ niềm khoái lạc đối với sắc đẹp cũng giống như bảo họ hãy thôi thưởng thức đồ ăn ngon, tình dục, điều mới lạ hay tình yêu vậy” - tác giả Nancy Etcoff viết trong cuốn sách Survival Of The Prettiest (Sự sống sót của những người tuyệt sắc).
Đi kèm mùa thi sắc đẹp năm nay là những ý kiến râm ran về sự rẻ rúng của các cuộc thi nhan sắc. Đến khi màn trao nhầm vương miện tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015 diễn ra, công chúng vỡ òa trong vô vàn suy nghĩ. Người thua bẽ mặt, người thắng kém vui. Tân hoa hậu người Philippines còn bị la ó ngay tại khán phòng vì khán giả cho rằng Á hậu người Colombia xứng đáng hơn.
“Hãy tỉnh lại đi các cô gái, các cuộc tranh giành danh hiệu sắc đẹp này là như vậy đấy” - những người thông thái nói. Họ có ý tốt, và họ nói đúng.
Thế nhưng, các cuộc thi dạng này sẽ còn sống rất khỏe.
Một phần nhờ tiền. Hàng trăm ngãn hàng chen chân nhau tài trợ cho các cuộc thi lớn như Hoa hậu Hoàn vũ. Phần thưởng cho tân hoa hậu, người đã chịu đựng sự la ó, là rất nhiều mối lợi về vật chất, học bổng diễn xuất tại Mỹ, giấy mời tới dự các sự kiện hội tụ những ngôi sao hạng A Hollywood, được chăm sóc sắc đẹp miễn phí trong 1 năm (bảo sao mỗi cô hoa hậu sau khi đăng quang lại càng đẹp hơn)…
Phần thưởng hậu hĩnh đến vậy, đối diện với nguy cơ bị bẽ mặt hay bị la ó cũng đáng mà, phải không?
Nhưng bên cạnh nguyên nhân về các mối lợi, sắc đẹp sẽ sống sót vì nó luôn là một điều huyền bí. Cho dù, khi các thí sinh hoa hậu diễn catwalk trên sân khấu trong bộ bikini phô diễn hình thể nhất có thể, độ huyền bí xung quanh họ có giảm đi đôi chút, nhưng toàn bộ sự tôn thờ của nhân loại dành cho sắc đẹp nói chung vẫn là một điều huyền bí.
Nếu không có các cuộc thi hoa hậu để ngắm nghía những người tuyệt sắc, hàng ngày chúng ta vẫn dành sự ngưỡng mộ cho các diễn viên, ca sĩ có vẻ ngoài đẹp đẽ nhất. Giữa họ cũng là cả một cuộc ganh đua không ngơi nghỉ, không chỉ về nhan sắc, nhưng nhan sắc vẫn là một phần quan trọng (các mỹ nhân Hollywood điên cuồng tiêm botox để làm gì?).
Survival Of The Prettiest, tên cuốn sách xuất bản năm 1999 của Nancy Etcoff (nhà thần kinh học ở Đại học Harvard), vẫn là chân lý.
Các cuộc thi sắc đẹp đầu tiên của thế giới được tổ chức vào nửa đầu thế kỷ 19 (ghi nhận cổ xưa nhất là năm 1839), nhưng công cuộc ganh đua về sắc đẹp đã có từ khi chàng Paris trong thần thoại Hy Lạp quyết định đưa quả táo cho “Nữ thần đẹp nhất” là Aphrodite, thay vì Athena hay Hera.
Về sau, có hàng triệu triệu chàng Paris hàng năm vẫn trao hàng đống quả táo, dưới hình dạng chiếc vương miện kèm theo nhiều lợi ích vật chất khác, cho những nữ thần “Aphrodite” mới. Cứ mỗi Aphrodite là lại đi kèm vài Athena và Hera, vẫn hụt hẫng và giận dữ nhưng môi vẫn nở nụ cười tươi chuyên nghiệp tập luyện hàng năm trời. Y như Hoa hậu Colombia đã cười trong lúc bị tước vương miện để trao cho Hoa hậu Philippines vậy.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất