18/11/2015 07:07 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm vì những gì chưa làm được so với kỳ vọng. Và trách nhiệm này sẽ được truyền lại cho Bộ trưởng kế tiếp”. Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh tại Quốc hội chiều 17/11 được đón nhận giữa những tiếng cười. Bản thân Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng cười, giải thích thêm: “Thời gian không còn nữa, biết làm sao được”.
Tất nhiên, sẽ rất dễ để những người đang nóng ruột với du lịch Việt Nam cảm thấy chưa hài lòng ở thông tin nhận về từ Bộ trưởng. Thế nhưng, nếu nhìn vào những nhận xét tiêu cực mà du khách quốc tế từng đưa ra về du lịch Việt Nam, thì đáng buồn, đó lại là một câu trả lời ít nhiều… hợp logic.
Bởi, dù là ô nhiễm môi trường, thiếu an toàn thực phẩm hay nạn chặt chém, chèo kéo du khách... việc tạo dựng vị thế cao cho du lịch vẫn là những bài toán liên quan tới quá nhiều lĩnh vực và ngành nghề. Và xa hơn, dù là của một cá nhân hay của một địa phương, đó vẫn là câu chuyện về tầm nhìn, cũng như tư duy để phát triển du lịch một cách thực chất và bền vững.
Đơn cử, chỉ với việc ngừng mở rộng các nhà máy xi măng và nhiệt điện gần Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cũng đã mất rất nhiều thời gian để giải quyết - cho dù Di sản Thế giới này hiện vẫn đang được UNESCO xếp vào danh sách khuyến nghị và yêu cầu giải trình đều đặn về nạn ô nhiễm môi trường. Và theo kế hoạch dự kiến, cũng phải tới năm 2030, các nhà máy này mới có thể được di dời sang nơi khác.
Đơn cử, chỉ riêng với nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như “chặt chém” khách tại các nhà hàng, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kể rằng: ông đã đi hàng loạt cơ sở để kiểm tra và yêu cầu niêm yết giá công khai, cũng như giữ vệ sinh, nhưng kết quả không thay đổi được bao nhiêu. “Mình ông bộ trưởng nói hoài, còn vai trò của các tỉnh thành ở đâu? Bởi, vệ sinh an toàn thực phẩm là câu chuyện cần toàn dân tham gia…” – ông nói.
Một câu chuyện khác: từ tháng 7/2015, việc miễn visa du lịch vào Việt Nam cho du khách đến từ 5 nước Tây Âu ( Đức, Anh, Pháp…) được đưa ra như một biện pháp quạn trọng thể tháo gỡ “nút thắt” mà du lịch Việt Nam đang gặp phải. Dù vậy, thông tin này không được các hãng lữ hành đón nhận một cách quá mặn mà, nếu xét tới việc Thái Lan, Malaysia, Singapore… đã áp dụng cơ chế này từ hàng chục năm trước.
Cười, nhưng để cảnh “mình ông bộ trưởng nói hoài”, thì đúng là du lịch Việt Nam khó càng thêm khó.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất