08/05/2011 11:02 GMT+7 | Giáo dục
(TT&VH) - LTS: Năm nào cũng vậy, cuộc đua vào lớp 1 lại đè nặng lên các em nhỏ và các bậc phụ huynh. Năm nay, mặc dù Sở GD&ĐT Hà Nội vừa mới có văn bản hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 1 nhưng cơn sốt chọn trường “điểm” đã rục rịch từ hàng tháng trước. Có nhất thiết phải như vậy không? Vì ai và vì sao mà các em nhỏ lại phải lao vào cuộc đua marathon khi vừa mới chập chững rời mẫu giáo?
Trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Minh An, GĐ điều hành Trường Tiểu học Dream House đã đưa ra một cách nhìn sâu sắc về vấn đề này.
Chị Minh An tâm sự: “Tôi cũng đã từng giống như nhiều ông bố bà mẹ khác, luôn có những đòi hỏi rất khắt khe đối với con mình, cho đến khi tôi được tiếp cận với học thuyết 8 loại hình thông minh của GS Howard Gardner. Tôi đã ngộ ra được khía cạnh rất nhân văn trong học thuyết của ông, khi ông nhìn nhận rằng mọi đứa trẻ đều thông minh theo cách của riêng mình. Điều này đã làm thay đổi bản thân tôi trong việc dạy dỗ con cái.
Phạm Thị Minh An, GĐ điều hành Trường Tiểu học Dream House |
Đừng để trẻ em thấy sợ
Đa phần trẻ em khi chuẩn bị vào lớp 1 đều có những nỗi lo sợ đối với trường học. Theo tôi, nỗi sợ này phần lớn bắt nguồn từ chính bố mẹ. Khi cho con đi học mẫu giáo, chúng ta đều dỗ dành con rằng đi học rất là vui, con sẽ được gặp các bạn, con được học bài hát, con được chơi đồ chơi... Chúng ta cũng rất dễ dãi trong việc cho con được ngủ dậy muộn hoặc nghỉ học vào những ngày mưa rét. Để rồi khi con chuẩn bị vào lớp 1, cũng chính chúng ta là người đột ngột chuyển con từ một môi trường vui chơi thoải mái sang một môi trường kỷ luật nghiêm ngặt: con phải dậy sớm, con phải đi học đúng giờ, con phải viết chữ đẹp, con phải được nhiều điểm 10... Việc chuyển đổi từ được sang phải là một bước chuyển mà trẻ em cảm thấy rất sợ. Thậm chí, nhiều bố mẹ còn dạy chữ cho con và cho con đi học thêm từ năm 4 tuổi. Chính những áp lực đó từ người lớn đã châm ngòi cho sự sợ hãi nơi con trẻ.
Để xóa bỏ nỗi sợ hãi của trẻ, bố mẹ cần phải vượt qua chính mình, vượt qua sự mong đợi quá nhiều của bản thân để không tạo áp lực cho con ngay từ buổi đầu tiên đến trường. Việc dồn ép quá nhiều mong muốn vào một đứa trẻ sẽ là một gánh nặng khủng khiếp đối với nó, mà đôi khi nó sẽ mang theo bên mình trong suốt những năm tháng của tuổi học trò. Để con không cảm thấy sợ đến trường, thì bố mẹ nên nói với con rằng có rất nhiều điều thú vị chờ con ở lớp học: con sẽ được làm người lớn giống như bố mẹ, con sẽ được nhận nhiệm vụ, con được thể hiện mình, con được phát biểu ý kiến... Chỉ cần thay đổi cách diễn đạt là bố mẹ hoàn toàn có thể tạo sự hứng khởi cho con, giúp con tránh được những áp lực không cần thiết. Bên cạnh đó, việc đề ra cho trẻ những nguyên tắc ngay từ bé và hướng trẻ thực hiện chúng một cách tự nguyện cũng sẽ khiến trẻ có được sự tự tin khi chuyển đổi từ giai đoạn mầm non sang tiểu học.
Phần nào Dream House đã “bị ảnh hưởng” bởi mô hình trường học của Tốt-tô-chan |
Chuỗi hội thảo Con đi học lớp 1 do Trường tiểu học Dream House tổ chức là hoạt động tiếp nối chương trình thực tế cho các bé Mầm non tham quan, trải nghiệm môi trường tiểu học. Hội thảo là nơi gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ băn khoăn lo lắng của các bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1.
Phần nào các bạn có thể nói, Dream House đã “bị ảnh hưởng” bởi mô hình trường học của Tốt-tô-chan, ngôi trường tuổi thơ lấp lánh sắc màu và những toa tàu chở ước mơ trong cuốn tự truyện Tốt -tô - chan, cô bé bên cửa sổ (đây là cuốn sách nổi tiếng của Tetsuko Kuroyanagi - nữ diễn viên truyền hình Nhật Bản, từng được bổ nhiệm làm sứ giả thiện chí của UNICEF). Thực ra trước đây, tôi cũng giống như nhiều ông bố bà mẹ khác, luôn đòi hỏi con mình phải đạt thành tích cao ở tất cả các môn học. Nhưng rồi học thuyết Trí thông minh đa dạng của Howard Gardner đã thay đổi cách nhìn nhận của tôi về con người và cuộc sống, từ đó áp dụng vào việc dạy dỗ con cái rất hiệu quả. Sự thay đổi câu hỏi “Bạn có thông minh không?” thành “Bạn thông minh như thế nào” thực sự là rất nhân văn. Nó đã khiến tôi hiểu ra rằng mọi đứa trẻ đều thông minh theo cách của riêng mình, và nếu ta tìm được chìa khóa để mở cánh cửa thông minh ấy, thì mọi đứa trẻ đều có cơ hội để thành công.
Mong ước đầu tiên không phải là điểm 10
Mô hình giáo dục của Dream House được chúng tôi xây dựng dựa trên học thuyết này ngay từ cấp Mầm non. Chúng tôi yêu cầu các giáo viên và nhân viên không đánh giá học sinh dựa trên quan điểm bạn này giỏi, bạn kia dốt, mà phải trả lời được câu hỏi là học sinh của mình thông minh về lĩnh vực gì. Và tôi mong rằng mọi phụ huynh đều có thể nhìn ra được điều đó ở con mình.
“Thiên tài nghĩa là 1% năng khiếu và 99% khổ luyện. Nhiều bố mẹ cho rằng nếu không tạo áp lực cho trẻ ngay từ những ngày đầu tiên thì sau này chúng sẽ không thể thành công. Tôi nghĩ, đôi lúc thì áp lực cũng là điều cần thiết. Nhưng áp lực vào giai đoạn nào và như thế nào là đủ lại là điều chúng ta phải bàn tới. Tôi cho rằng ở giai đoạn tiểu học, bố mẹ chỉ cần giúp trẻ xây dựng ý thức hoàn thành tốt các công việc, nhiệm vụ được giao, tuân thủ đúng các nguyên tắc đã được đề ra. Nếu từ cấp tiểu học, trẻ được dạy dỗ để trở thành một người có trách nhiệm, có nguyên tắc, biết yêu thương, biết chia sẻ, biết tôn trọng, biết lễ phép... thì khi lên những cấp học cao hơn, những thói quen đấy sẽ giúp trẻ thành công trong việc học hành và giao tiếp.
Lịch hội thảo: Tháng 5: 9h sáng thứ 7, ngày 14/5/2011 Tháng 6: 9h sáng thứ 7, ngày 11/6/2011 www.dreamhouse.edu.vn
Cái mong ước đầu tiên của tôi đối với học sinh và chính con cái mình không phải là điểm 10 và những thành tích cao ở trên lớp, mà trước tiên các con phải là người có trách nhiệm với công việc của mình, có được sự tự trọng đối với chính bản thân mình. Trước khi trẻ trở thành thiên tài thì chúng phải là một người bình thường, là một công dân tốt đã” - chị Minh An kết luận.
Hoa Quỳnh (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất