Đừng bỏ quên những con tàu cổ

22/01/2019 06:55 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc triển lãm Báu vật dưới đáy đại dương vừa khai mạc tại Hà Nội. Một lượng lớn người xem đã lập tức đổ về đây để chiêm những những món cổ vật có niên đại khoảng 500 năm được trưng bày.

Chiêm ngưỡng những cổ vật Việt 500 tuổi được vớt từ đáy biển

Chiêm ngưỡng những cổ vật Việt 500 tuổi được vớt từ đáy biển

Cuộc trưng bày “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ”  đã diễn ra vào sáng nay 18/1 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) với hơn 500 cổ vật được vớt từ đáy biển

Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta được xem những cổ vật (đa phần là đồ gốm sứ) như thế. Nhưng, có một điều đặc biệt: tất cả những cổ vật ấy đều vớt lên từ… đáy biển Việt Nam

Cụ thể, số vật này được lựa chọn từ hàng trăm ngàn cổ vật mà chúng ta thu được, khi khai quật và trục vớt 6 con tàu cổ trong khoảng 30 năm qua. Trong đó, con tàu đầu tiên được vớt tại Hòn Cau (Vũng Tàu) năm 1990.

Đó chưa phải là tất cả những con tàu cổ tại Việt Nam. Hiện, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đang chuẩn bị tiến hành khai quật con tàu thứ 7 tại Bình Sơn (Quảng Ngãi) – trong khi thống kê tạm thời cho thấy những năm qua, chúng ta từng phát hiện cả chục tàu cổ trên toàn quốc.

Chú thích ảnh
Bình hoa lam vẽ thiên nga (Bảo vật quốc gia); Tượng nữ quý tộc; Đĩa men trắng, vẽ lam (Gốm, thế kỷ XV), khai quật Tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam 1997- 2000. Nguồn: Báo An ninh Thủ đô

Lý do những con tàu chở cổ vật ấy xuất hiện tại Việt Nam rất đơn giản: trong quá khứ, trục đường biển khu vực Đà Nẵng - mũi Cà Mau vốn là tuyến hàng hải khá sôi động của giao thương Đông - Tây. Và, do đặc thù chạy bằng buồm gió (không có động cơ), các đội tàu này luôn phải giữ một cự ly khá gần với bờ biển để thuận tiện cho việc định hướng, cũng như tiếp tế lương thực, nước ngọt.

Vào năm 2017, một doanh nghiệp nước ngoài có tên Seabed Exploration từng công bố: đơn vị này đã xác định được hơn 40 điểm chắc chắn có tàu cổ bị đắm tại Việt Nam. Còn theo giới khảo cổ, số tàu đắm có thể cao hơn con số 40 này rất nhiều. Bởi, lịch sử giao thương cho thấy: mỗi chuyến tàu hàng quốc tế vượt biển thường có số lượng lớn, có thể lên tới 200 chiếc mỗi đội tàu. Để rồi, khi gặp bão, rất nhiều tàu hàng trong đó có thể bị chìm.

Chẳng có gì lạ, khi lượng cổ vật (đa phần có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản) từ những con tàu đang chìm ấy là một hấp lực đặc biệt với chúng ta, cũng như thế giới. Đơn cử, chỉ riêng tàu cổ Cù Lao Chàm (trục vớt từ năm 1997) đã mang theo nó 240.000 món cổ vật.

***

Chỉ có điều đáng tiếc: ở tất cả những đợt trục vớt ấy, ngành bảo tàng Việt Nam chỉ được hưởng khoảng 30 % tổng lượng cổ vật. Bởi, phía “bỏ vốn” chính, đồng thời đầu tư những trang thiết bị hiện đại cho việc trục vớt – đều là các đối tác quốc tế (hiếm hoi, có cả nhà đầu tư nội địa) theo mô hình xã hội hóa. Đó là hệ quả tất yếu từ sự non yếu của ngành khảo cổ học dưới nước tại Việt Nam – điều đã được nói tới rất nhiều trong các hội thảo.

Nhưng, đó không phải là tất cả sự tiếc nuối. Một vấn đề khác rất đáng lưu tâm: với toàn bộ các con tàu cổ từng trục vớt, chúng ta chỉ lấy được phần cổ vật chở kèm, mà không phục chế nổi xác tàu.

Nếu số đồ gốm, sứ được trục vớt ấy có thể quy ra “tiền tươi” trên thị trường cổ vật quốc tế, thì những xác tàu đắm ấy lại có một giá trị bền vững và rất quan trọng về giáo dục, du lịch, văn hóa và cả về khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Vậy nhưng, cũng từ những hạn chế đang có, mà những xác tàu ấy lại không thể được phục chế để trưng bày.

Đơn cử, 6 năm trước, khi trục vớt tàu cổ Bình Châu, giới nghiên cứu cũng rất mong phục chế chiếc tàu cổ có niên đại này. Để rồi, đi vào thảo luận cụ thể, đó lại là điều rất khó khả thi, khi Việt Nam hoàn toàn chưa có kinh nghiệm bảo tồn những tàu cổ có niên đại 500 – 700 năm.

Cụ thể, như lời TS Nguyễn Đình Chiến, theo chuẩn quốc tế, tàu phải được hút nước, thổi cát và lắp một hệ thống vỏ phao để “đẩy”lên mặt nước. Tiếp đó là việc quay phim mọi góc độ và phân tích để lập bản vẽ chi tiết – trước khi… gỡ từng kết cấu ra,khử mặn và chống khô nứt rồi ghép lại.

Đó là những công đoạn một loạt những công đoạn vô cùng phức tạp và đòi hỏi một ưcông nghệ vô cùng hiện đại. Chỉ ở riêng ở khâu xử lý hóa chất và làm khô vỏ tàu, Viện Nghiên cứu Di sản biển Quốc gia tại Hàn Quốc đã mất tròn 10 năm trời khi phục chế tàu cổ Sina nổi tiếng, với những bể dung dịch khổng lồ, đóng mở bằng cần cẩu để bảo ngâm phần vỏ tàu.

Còn về kinh phí, để so sánh, nhiều năm trước đó,Viện Khảo cổ Việt Nam cũng phát hiện một thuyền cổ có chiều dài 10m, rộng 1,5m tại Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, ý tưởng phục chế, bảo tồn thuyền cổ nhỏ (và là thuyền chạy sông) này cũng sớm… “phá sản”, khi các chuyên gia Việt Nam được đối tác nước ngoài báo giá 1 triệu USD để thực hiện.

Như thế, câu chuyện lại vẫn quay về một bài toán cũ: chừng nào chúng ta chưa có sự đầu tư, và chưa có cơ chế hợp lý, để phát triển ngành khảo cổ dưới nước, những chiếc tàu cổ của Việt Nam vẫn bị lãng phí dưới biển sâu.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm