Hàng công Đức và Italia: Hai phương trời cách biệt

28/06/2012 13:08 GMT+7

(TTVH) - Đức – Italia là một trong những cặp đấu đáng chờ đợi. Đơn giản, hàng công của hai bên, nơi thể hiện sự tương phản rõ ràng nhất, có dịp đọ tài cao thấp của mình.

Hàng công Đức: Hướng đến sự chuẩn mực.

ĐT Đức dưới thời Joachim Loew có thể đã chơi giàu sức tấn công hơn, mang hình bóng của một “cỗ xe tăng đời mới”. Nhưng hàng công của Die Mannschaft vẫn không có nhiều sự thay đổi trong suốt những năm qua.


Cùng tên là Mario, nhưng Balotelli và Gomez là hai cá tính trái ngược (Ảnh Getty)

ĐT Đức vẫn ưa chuộng những mẫu cầu thủ có tầm vóc cao lớn, từ Bierhoff giai đoạn EURO 1996, cho đến hiện tại là Miroslav Klose và Mario Gomez. Có thể kĩ năng dứt điểm bằng chân không phải ai trong số những cầu thủ này cũng thể hiện tốt, nhưng kỹ năng đánh đầu là vũ khí không thể xem thường. Cả Mario Gomez lẫn Miroslav Klose đều đã sử dụng vũ khí này để chọc thủng mành lưới đối phương trong hành trình đã qua của Đức tính đến thời điểm này.

Nhưng chỉ đề cập đến điều đó không thôi là chưa đủ. Những bàn thắng mà các chân sút Đức ghi được ở EURO này có thể không quá đẹp mắt, không phải là những kiệt tác điêu luyện về nghệ thuật. Song điều quan trọng hơn cả là nó thể hiện được khả năng đánh hơi cơ hội tuyệt vời. Sự lạnh lùng và phương thức xử lý thực dụng trước khung thành là điều mà hàng công Đức có thể khiến bất kì bức tường phòng ngự vững chắc nào phải lo sợ.

Hàng công Italia: Show diễn của những cá tính

Trái ngược hẳn với phong cách thực dụng và mang tính chuẩn mực của Đức, Italia lại đem đến EURO 2012 một hàng công với Cassano – Balotelli, những cầu thủ được coi là “không ngoan”, “có cá tính rất mạnh”. Việc sử dụng họ thế nào là một bài toán cực kỳ đau đầu với các huấn luyện viên.

Với Cassano, quả là không có hình tượng nào xác đáng hơn nhân vật Peter Pan trong thế giới hoạt hình của Walt Disney. Fantantonio đang ở độ tuổi 29, giai đoạn để chiếm lĩnh những đỉnh cao vinh quang, nhưng tính cách thì giống như một đứa trẻ lên năm lên ba. Anh luôn gây không ít rắc rối bởi “cái mồm không biết kiềm chế của mình”. Chính điều đó đã khiến sự nghiệp của Cassano như một gã du mục, khó có thể dừng chân tại một đội bóng nào quá lâu. Tuy vậy, điều khiến anh vẫn còn được trọng dụng là khả năng bùng nổ ở những thời khắc quan trọng. Còn nhớ, anh là người đã ghi bàn ở trận đấu cuối vòng bảng ở EURO 2004 gặp ĐT Bulgaria, và chỉ có màn “bắt tay” của Đan Mạch và Thụy Điển mới làm ĐT Italia bị loại, còn Cassano phải rơi lệ.

Balotelli thậm chí còn phức tạp hơn Cassano. Sẽ cần cả một cuốn sách để có thể kể ra bao nhiêu rắc rối mà Balotelli đã gây ra ở Inter Milan hay Man City. Không ai trong thế giới bóng đá này giống anh, và anh luôn biết chứng minh câu nói “Why always me” (Tại sao luôn là tôi) trong mọi hoàn cảnh. Anh là mẫu cầu thủ khó đoán cho đối thủ, và cho cả…chính các đồng đội. Trong một ngày đẹp trời, Super Mario có thể tung ra những “quả đấm thép” khiến các thủ môn đối phương bó tay. Thậm chí đó có thể là những siêu phẩm như cú ngả bàn đèn trong trận gặp CH Ireland vừa qua. Nhưng khi không ghi bàn, “quả đấm thép” của anh có thể lại đem đến tác dụng ngược với những tình huống vô duyên chỉ có riêng Balotelli mới dám làm.

Những sự đối lập rõ ràng như thế sẽ khiến cho trận cầu Đức – Italia trở nên đáng xem hơn bao giờ hết. Tiếng nói nào sẽ lên ngôi, sự chuẩn mực hay phá cách?

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm