09/09/2022 09:59 GMT+7 | Văn hoá
Đại sứ Italia tại Việt Nam, ông Antonio Alessandro cho rằng, đưa áo dài Việt thành sản phẩm mang tính toàn cầu không phải điều dễ dàng, đó là một thử thách đòi hỏi sự đam mê, sáng tạo và hợp tác của nhà thiết kế từ hai nước Việt Nam - Italia.
Để tăng cường hợp tác văn hóa giữa Việt Nam - Italia và hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023), Golden Heritage phối hợp cùng Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, Đại sứ quán Việt Nam tại Rome và Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM) tổ chức dự án Áo dài Heritage - The Culture of tình thương (Di sản Áo dài - Giá trị văn hóa của tình thương).
Đây là một dự án mang ý nghĩa giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Italia dựa trên giá trị cốt lõi và lợi thế vượt trội của mỗi nước. Một mặt là đưa di sản áo dài Việt Nam vào đời sống thời trang quốc tế và ngược lại là đưa tinh hoa công nghệ quốc tế của Ý vào tà áo dài truyền thống Việt Nam, từ đó hình thành giá trị mới dựa trên giá trị dân tộc và sức mạnh của thời đại.
Dự án nhằm thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Italia trong ngành thiết kế thời trang thông qua sự hợp tác của các Nhà thiết kế thời trang Italia và Việt Nam. Mục tiêu của dự án là tạo ra được một bộ sưu tập 60 tác phẩm áo dài được thiết kế bởi sự hợp tác của các nhà thiết kế thời trang của Việt Nam và Italia.
Dự kiến sẽ có 2 cuộc trình diễn mỗi năm trong suốt 5 năm và các buổi trình diễn sẽ được tổ chức tại các thành phố vốn có giá trị văn hoá và di sản nổi tiếng.
Tại buổi họp báo giới thiệu dự án chiều 8/9 tại Hà Nội, Đại sứ Italia tại Việt Nam, ông Antonio Alessandro chia sẻ: “Đại sứ quán Italia tại Việt Nam luôn muốn đồng hành hỗ trợ những nỗ lực sáng tạo văn hóa để đưa đến sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Italia. Áo dài là trang phục rất đẹp của phụ nữ Việt Nam, là biểu trưng biểu tượng cho người dân Việt Nam về hình ảnh nhận diện trên trường quốc tế.
Tôi rất tự hào là một phần hỗ trợ quảng bá một biểu tượng đặc trưng của Việt Nam ra thế giới. Điều tôi thích nhất ở dự án này là sự hợp nhất giữa hai nền văn hóa, chúng tôi luôn ủng hộ quá trình giao thoa văn hóa giữa hai nước”.
“Ở Italia, thời trang không chỉ là ngành công nghiệp mà còn gắn liền với đời sống của người dân là điều không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Ngành thời trang cũng là ngành hợp tác chiến lược giữa hai nước Italia và Việt Nam từ năm 2013, năm tới 2023 kỷ niệm 10 năm ký hợp tác chiến lược về thời trang giữa hai nước. Và dự án này có thể hỗ trợ nhiều cho cộng đồng các nhà thiết kế, thúc đẩy họ sáng tạo giao thoa văn hóa giữa hai nước.
Đưa áo dài thành sản phẩm mang tính toàn cầu không phải điều dễ dàng chút nào, đó là một thách thức, đòi hỏi sự đam mê, sáng tạo và hợp tác của nhà thiết kế từ hai nước. Sản xuất áo dài ở Italia không phải vấn đề quá lớn đối với chúng tôi nhưng làm thế nào để những người đàn ông và phụ nữ Italia có thể chấp nhận di sản áo dài Việt Nam?
Chắc chắn phải tìm được điểm cân bằng, để vừa bảo tồn yếu tố truyền thống của di sản áo dài, vừa làm mới để áo dài phù hợp và được chấp nhận bởi thị trường phương Tây” - ông Antonio Alessandro chia sẻ thêm.
Cùng với đó, BTC đã giới thiệu về sự sáng tạo của nhà thiết kế người Ý - Maria Elena Di Terlizzi và nhà thiết kế Việt Nam - Quang Hòa, những tác phẩm nghệ thuật sẽ tạo nên một bộ sưu tập Áo dài độc đáo được thiết kế với chất liệu và mẫu mã đúc rút từ những trải nghiệm quý báu của họ.
NTK Italia - bà Maria Elena Di Terlizzi chia sẻ sự hào hứng khi nhận lời mời tham gia dự án lần này. “Khi ở Italia, tôi đã đọc nhiều tài liệu, xem phim để tìm hiểu về nền văn hóa Việt Nam. Đến đây, tôi rất ngạc nhiên vì Việt Nam là một đất nước hiếu khách, thân thiện.
Đặt chân đến đây, tôi có ngạc nhiên khi thấy người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài trên đường hoặc trong khi làm việc các lễ kỷ niệm quan trọng, bởi tôi vốn nghĩ, áo dài ít được mặc trong cuộc sống thường ngày. Và tôi thấy rất ngưỡng mộ, tôn trọng nét văn hóa này của các bạn”.
“Tôi mong muốn nâng cấp áo dài trở thành một phiên bản quốc tế, để áo dài Việt được biết đến trên toàn cầu. Tôi cũng rất mong muốn có cơ hội đưa tà áo dài Việt Nam tới đất nước của tôi và các nước châu Âu để phụ nữ ở đó có cơ hội mặc áo dài và hiểu hơn văn hóa truyền thống Việt Nam.
Chiếc áo dài cũng chính là cầu nối đưa tôi đến với đất nước Việt Nam xinh đẹp, cùng lời mời của ông Hà Huy Thanh, tôi đã có những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời, đáng yêu ở đất nước hình chữ S” - NTK Italia bày tỏ.
NTK Quang Hòa vinh dự khi đại diện cho Huế, Việt Nam tham gia dự án áo dài di sản rất thú vị và đáng tự hào có ý nghĩa giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Italia, đồng thời lan tỏa áo dài Việt Nam đến với các nước trên thế giới.
Theo chia sẻ của NTK Quang Hòa, BST áo dài đặc việt này được chia thành 3 phần khác nhau, với 20 thiết kế giữ những nét truyền thống Việt Nam làm từ chất liệu của Italia, 20 thiết kế là những dấu ấn của đời sống, công việc thường ngày và 20 thiết kế sẽ sáng tạo theo phong cách đương đại, hiện đại hơn, phù hợp sự lựa chọn của các bạn trẻ.
“Áo dài Việt Nam cần được giữ gìn, phát huy phù hợp với cuộc sống đương đại chứ không thể đóng khung mãi. Chúng ta cần có sự tiếp nối, lan tỏa rộng, để người nước ngoài hiểu hơn ngoài những giá trị truyền thống di sản thì áo dài Việt sẽ được vươn tầm ra thế giới nhờ phong cách mới, chất liệu mới mẻ hơn” - NTK Quang Hòa bày tỏ.
Chủ đề của dự án mang tên “tình thương” được Chủ tịch Golden Heritage Group - Hà Huy Thanh lý giải thêm, tình thương được hiệu là sự “thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp”, đây cũng là giá trị cốt lõi của niềm tin chúng ta, đó là tình yêu mà chúng ta chia sẻ với tư cách là con người.
Tình thương đã là chiếc la bàn đạo đức dẫn đường cho cuộc sống của người Việt Nam trong suốt nhiều thế kỷ. Chúng ta sẽ tiếp tục kế thừa và truyền bá tất cả giá trị của nó cho thế hệ sau. Tình thương không chỉ dành cho người Việt Nam, mà là một món quà của cuộc sống cần được trao gửi cho tất cả những sinh vật trên thế giới này. Và BTC muốn dự án sẽ cùng chia sẻ đúng nghĩa “tình thương” thông qua cầu nối hai đất nước Việt - Italia.
Tiểu Phong. Ảnh: BTC
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất