03/10/2023 20:44 GMT+7 | Văn hoá
Thành phố Hạ Long từ lâu được ví như thiên đường du lịch, giải trí với nhiều hoạt động sôi động, phong phú, thu hút đông khách du lịch trong nước và quốc tế.
Với những lợi thế sẵn có và sức bật mạnh mẽ, những năm gần đây, TP Hạ Long được đầu tư đồng bộ và hiện đại về hạ tầng du lịch. Nhờ đó, từng bước khẳng định thương hiệu, với nhiều sản phẩm độc đáo, vươn tầm đẳng cấp quốc tế của du lịch Hạ Long.
Khoảng 70 năm trước, du lịch Hạ Long tập trung chủ yếu là tham quan Vịnh Hạ Long. Du khách muốn đến Hạ Long phải đi tàu hỏa từ Hà Nội xuống Hải Phòng sau đó đi tàu thuỷ, hoặc ô tô sang Hòn Gai. Ngay từ ngày ấy, người Pháp đã ca ngợi Hạ Long là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Các chuyến tham quan Vịnh Hạ Long thường được người Pháp tổ chức quy mô vào các dịp lễ, tết và được quảng cáo trên báo chí ở Hà Nội, Hải Phòng. Du khách tham quan theo đoàn có thể báo trước 48 giờ cho hãng du lịch. Mỗi hành trình tối thiểu là 2 ngày, nhiều là 4 ngày.
Ngày nay, dịch vụ du lịch trên địa bàn TP Hạ Long không ngừng được mở rộng về quy mô và số lượng, trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực. Đến nay, thành phố có 5 tuyến du lịch trên bờ và 5 tuyến du lịch trên vịnh, với 37 điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận. Các điểm đến luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ; kết nối giữa các điểm trong tuyến tham quan. Thành phố cũng quan tâm đến hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch, lắp đặt 123 điểm wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch và địa bàn các xã; phối hợp với các đơn vị viễn thông đẩy mạnh đầu tư lắp đặt trạm BTS. Trên địa bàn thành phố hiện có 670 cơ sở lưu trú du lịch các loại; 5 bãi tắm đạt tiêu chuẩn đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.
Ngoài ra, tỉnh và thành phố tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông thiết yếu, như: Cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, động lực, để tăng tính kết nối vùng, liên vùng. Cùng với đó, nâng cao công tác quản lý nhà nước gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý, xử phạt các đơn vị, cơ sở vi phạm hoạt động kinh doanh du lịch; triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Bộ quy tắc ứng xử “Văn minh du lịch”, Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”.
Hiện TP Hạ Long cũng đưa nhiều sản phẩm du lịch mới vào khai thác, tạo những ấn tượng tích cực trong lòng du khách. Có thể kể đến như sản phẩm "Phố đêm du thuyền" tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long của Tập đoàn Sun Group; các tàu nhà hàng đẳng cấp 5 sao (Sea Octopus, Ambassador Cruise; Paradise Delight); sân golf Tuần Châu; đồi Mặt trời, show “Đêm nhạc trên thông”... Thành phố cũng đang nghiên cứu tổ chức các show ca nhạc trên du thuyền, tàu nhà hàng hạng sang. Dịch vụ khai thác tài nguyên thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hoá vùng cao, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm tại thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng); khu vực thôn Đồng Đặng (xã Sơn Dương); vườn hoa Hạ Long (phường Việt Hưng)... cũng đang được đầu tư, mang đến trải nghiệm đa dạng cho du khách.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tổng khách du lịch đến Hạ Long từ tháng 6/2020 đến hết quý III/2023 đạt 18,53 triệu lượt, nhất là sau khi mở cửa dịch vụ, du lịch trở lại (từ 15/3/2022), khách du lịch nội địa đến thành phố tăng nhanh; trong đó khách quốc tế là 1,4 triệu lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 36.356 tỷ đồng. Sức chi tiêu của du khách trung bình đạt 2,1 triệu đồng/người.
Ông Manoranjan Sahu (du khách Ấn Độ) cho biết: Tôi biết đến Hạ Long thông qua các trang mạng xã hội. Vẻ đẹp của nơi đây đã thu hút tôi, vì vậy, tôi đã tự tìm kiếm thông tin về điểm đến, đơn vị cung cấp dịch vụ tại Hạ Long trên Internet và chọn tour ban ngày tham quan Vịnh Hạ Long kéo dài 6 giờ trên du thuyền 5 sao Ambassador. Không chỉ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của vịnh, mà tôi còn rất ấn tượng với sự thân thiện, mến khách của người Quảng Ninh, cũng như chất lượng dịch vụ, cơ sở lưu trú tại đây. Chắc chắn thời gian tới tôi sẽ cùng bạn bè quay lại Hạ Long.
Mới đây Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 72/QĐ-TTg (ngày 10/2/2023). Theo Quy hoạch chung, TP Hạ Long sẽ xây dựng phát triển trở thành đô thị du lịch, dịch vụ, văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH hiện đại và đồng bộ, gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. TP Hạ Long phát triển theo hướng bền vững phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố.
Để thực hiện những mục tiêu này, thành phố hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung đô thị; triển khai phát triển đô thị xanh gắn với mô hình đô thị thông minh; hoàn thiện các tuyến giao thông và nút giao thông đấu nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Tình Yêu, cầu Cửa Lục 3 và đường vành đai ven Vịnh Cửa Lục; các dự án hạ tầng du lịch đang triển khai tại các khu vực: Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu. Cùng với đó, phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven biển, hoàn thiện các tuyến đường ven biển, không gian công cộng và du lịch công cộng ven biển.
TP Hạ Long cũng đã triển khai Đề án phát triển du lịch TP Hạ Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đặt mục tiêu phấn đấu năm 2025 đón 17 triệu lượt khách, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Theo đó, thành phố tiếp tục mở rộng không gian du lịch về phía Đông (trọng tâm tại các phường Hồng Gai, Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà). Đồng thời, khai thác những lợi thế về thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hoá, thiết chế văn hoá có sẵn, như: Bãi tắm Hòn Gai, hồ Hải Thịnh, đường bao biển Trần Quốc Nghiễn; mở lại hoạt động leo núi Bài Thơ, thiết kế xây dựng một số điểm chụp ảnh... nhằm khai thác hiệu quả tuyến tham quan số 1 trên địa bàn.
Ngoài ra, thành phố cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh để xem xét, cấp vùng hoạt động một số sản phẩm du lịch mới gắn với Vịnh Hạ Long, như: Chèo thuyền kayak, chèo SUP, đua thuyền buồm, mô tô nước, dù bay; nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án phát triển kinh tế đêm tại các phường Tuần Châu, Bãi Cháy; tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng một số dịch vụ kinh tế đêm.
Không chỉ quan tâm đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thành phố còn tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá Hạ Long - Điểm đến thân thiện - an toàn - mến khách; danh hiệu Hạ Long - Thành phố du lịch sạch ASEAN; Vịnh Hạ Long - Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á thông qua việc tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn. Nhiều sự kiện đã tạo nên thương hiệu của du lịch Hạ Long, như: Carnaval Hạ Long mùa hè, Carnaval mùa đông; tổ chức thành công các môn thi đấu SEA Games 31, Đại hội thể thao toàn quốc...
Thành phố cũng đã ban hành cuốn cẩm nang du lịch; clip quảng bá du lịch Hạ Long được tích hợp trên ứng dụng Smart Hạ Long và nền tảng mạng xã hội. Cùng với đó, tích cực tham gia các hội thảo, tọa đàm du lịch do tỉnh, các địa phương trong nước và quốc tế tổ chức; chủ động kết nối, hợp tác trong phát triển du lịch với những địa phương có thế mạnh và tiềm năng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất