31/05/2018 07:03 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có thư xin lỗi đến du khách Lynne Ryan, người Australia, về bức xúc của cô này với dịch vụ nghỉ đêm không đúng như quảng cáo trên tàu du lịch vịnh Hạ Long. Lời xin lỗi ấy kèm theo lời mời Lynne Ryan quay lại Việt Nam một lần nữa, để trải nghiệm du lịch miễn phí tại vịnh Hạ Long trong tương lai gần.
Vì nhiều lý do, lời xin lỗi chính thức xuất hiện sau gần một tháng xảy ra sự việc. Dù hơi muộn màng, nhưng nhìn nhận sòng phẳng thì đây là một động thái tích cực, rất đáng hoan nghênh. Chắc chắn, nó sẽ tạo được hiệu ứng tích cực, khi cho thấy nỗ lực của chúng ta trong việc lấy lại thiện cảm từ du khách.
Câu chuyện này cũng giống với trường hợp của một du khách Ai Cập tại TP.HCM trong năm 2016. Khi ấy, vào ngày 16/3, đại diện Sở Du lịch TP.HCM và các cơ quan ban ngành có liên quan đã đến tận nơi lưu trú của nữ du khách Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh (người Ai Cập) để xin lỗi vì cô này bị cướp giật mấy ngày trước đó. Kèm theo lời xin lỗi ấy cũng là một lời đề nghị đưa Alaa đi du lịch xuyên Việt miễn phí.
Trước động thái này, chia sẻ với báo giới, nữ du khách nói rằng khi về nước, cô sẽ dành dụm tiền để quay trở lại Việt Nam lần nữa. Lời hứa này chưa biết bao giờ mới thành hiện thực, nhưng để có được một thiện cảm như vậy là không hề đơn giản.
Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ vì những lời xin lỗi mà tự bằng lòng với mình.
Cần nhắc lại, lượng khách du lịch đến Việt Nam rồi có ý quay trở lại lần nữa còn khá ít. Tổng kết năm 2017, Tổng cục Du Lịch Việt Nam cho biết, 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại. Nếu so sánh với các quốc gia khác, 82% lượng khách du lịch quay trở Thái Lan và 89% lượng khách du lịch quay lại Singapore.
Có nghĩa, bên cạnh những yếu tố nhân cảm như những lời xin lỗi nói trên, tự thân ngành du lịch cũng phải nỗ lực tăng giá trí sản phẩm, dịch vụ, nỗ lực sửa sai và xin lỗi, để tạo cho được không khí thân thiện, văn minh và hữu ích hơn. Khi ấy du khách mới có thêm hứng thú để quay trở lại.
Du lịch vốn dễ rút kinh nghiệm, vì những người hoạt động trong ngành này thường có cơ hội đi nhiều nước, việc quan sát, học hỏi điều hay lẽ phải sẽ thuận tiện hơn. Vấn đề còn lại là làm sao để vượt qua tâm lý “ăn xổi ở thì”, vượt qua hành động “chặt chém”, và quan trọng hơn, vượt qua suy nghĩ rằng các di sản/tài sản du lịch là “thứ bất biến”, “xài hoài không hết”… thì lúc ấy mới du lịch mới thực sự có đẳng cấp.
***
Chiều qua, 30/5, người viết vào Google gõ cụm từ “Việt Nam xin lỗi khách du lịch” thì có đến 33 triệu kết quả, cụm từ “Việt Nam chào đón khách du lịch” có khoảng 26 triệu kết quả, “dịch vụ du lịch ở Việt Nam” có khoảng 5,5 triệu kết quả, “sự hấp dẫn của du lịch ở Việt Nam” có khoảng 4,1 triệu kết quả.
Hơi buồn, vì đáng lý thì kết quả phải ngược lại. Làm sao để du lịch không cần có lời xin lỗi, mà chỉ cần nụ cười, sự thoải mái và lời cảm ơn… mới là lý tưởng.
Chỉ khi nào đa phần người làm du lịch biết trân quý công việc mà mình đang làm, khi ấy đa phần du khách mới có cảm nhận được giá trị mà công việc ấy mang lại. Chắc chắn lúc ấy lời xin lỗi sẽ trở nên… khan hiếm, thậm chí không cần thiết.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất