Ông Falko Goetz sợ ai nhất?

24/11/2011 10:32 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Không phải những ông chủ ở VFF, chẳng là cộng đồng người Việt ở Đức, những người đã tiến cử mình, thật lạ lùng khi HLV Falko Goetz lại ngại chính những trợ lý, thậm chí là học trò của mình. Sợ nên lúc nào cũng đề phòng. Đó là biểu hiện của sự tự ti. Mà đã tự ti thì khó thể thoát ra được, khó thể phát triển và thành công được.

Trong số những trợ lý của HLV Goetz ở U23 VN, xếp theo thứ tự (cấp bậc), số một là HLV Phan Thanh Hùng, kế đến HLV Nguyễn Văn Sỹ và HLV Phùng Thanh Phương. Trong những vai trò cụ thể, là trợ lý ngôn ngữ và HLV thủ môn có sự quan trọng nhất định. Rất cẩn thận, HLV Goetz đã giao trực tiếp các công việc cho trợ lý, rồi ghi chép một cách tỉ mỉ.

“Chúng tôi biết ông Goetz sẽ không bao giờ nghe mình cả. Tiếng nói của những trợ lý số 2, số 3 như tôi, chỉ có tác động rất thấp. Nghe thì để đó thôi. Nhưng tôi biết, HLV người Đức ngại ai. Đó là trợ lý số một Phan Thanh Hùng”, trợ lý HLV Nguyễn Văn Sỹ cho biết. Văn Sỹ là người thẳng tính. Thế nên, những điều anh nói ra không phải không có cơ sở.


Thầy Goetz thiếu tự tin ở chính vị trí của mình. Ảnh: Quốc Khánh

Sau trận thắng đầy may mắn trước U23 Philippines trong ngày ra quân, HLV Goetz thở phào nhẹ nhõm. Dù ông Goetz đã ghi dấu ấn của mình bằng những thay đổi về nhân sự trong hiệp nhì, nhưng đó là chiến thắng của rất nhiều may mắn. Nó bắt đầu bằng bàn đá phản lưới nhà của thủ quân U23 Philippines, giúp U23 VN trở lại vạch xuất phát trận đấu.

Cho đến cuộc đối đầu với U23 Myanmar, trận đấu mà chúng ta đã bất lực trong việc tìm đường vào mành lưới đối thủ; rồi 20 phút đầu trận gặp U23 Timor Leste, trước khi đội bạn bị đuổi người, HLV Goetz gần như không để lại dấu ấn gì về chuyên môn. Những chỉ đạo của ông thầy người Đức nhanh chóng phá sản, bởi sự thiếu hợp lý.

Đây là lúc các trợ lý người Việt phải đưa ra chính kiến. Ở hiệp 2 trận đấu với U23 Timor Leste, trợ lý số một Phan Thanh Hùng đã chủ động điều binh khiển tướng. Kết quả, chúng ta giành chiến thắng 2-0. Đêm đó về lại KS Sultan, và trong một buổi họp BHL, HLV Goetz đã hứa, ông sẽ bớt nói lại và sẽ lắng nghe lời trợ lý cũng như cầu thủ.

Tại sao khi các trợ lý chỉ đạo trận đấu, học trò lại đá tốt và hiệu quả hơn so với trước đó?! Dường như thế là từ đó HLV Goetz bắt đầu nảy sinh tâm lý lo lắng và thiếu tự tin với chính những cánh tay nối dài của mình. Ông không còn tin vào chính mình nữa, khi cho rằng cầu thủ của mình không nghe lời, hoặc cố làm sai chỉ đạo, là bắt đầu từ các trợ lý người Việt. Nói một cách khác, ông Goetz sợ ông Hùng.

Cũng kể từ trận thắng 2-0 trước U23 Timor Leste, U23 VN đã không còn chơi thứ bóng đá của HLV Goetz nữa. Và một ngày trước trận bán kết với chủ nhà U23 Indonesia, thuyền trưởng người Đức đã được đề nghị nói rất cả những điều ông muốn trong buổi họp toàn đội. Vì người ta tin rằng, ông Goetz sẽ không còn cơ hội nữa.

Với những người như Phan Thanh Hùng, Nguyễn Văn Sỹ, Phùng Thanh Phương, Nguyễn Văn Phụng và cả trợ lý ngôn ngữ Phạm Trường Minh, không ai tin rằng họ có thể qua mặt HLV trưởng. Đó là những trợ lý của công việc, của cái chung, của mối quan hệ rất con người với nhau. Họ đã tôn trọng, thậm chí là đỡ rất nhiều tình huống cho thuyền trưởng của mình…

Có cay đắng không khi các trợ lý bảo rằng, những học hỏi của họ từ một ông thầy ngoại là chưa đầy 2 trang sổ tay (bằng bàn tay) những ghi chép qua cả một quá trình làm việc cùng nhau và nữa là học cách thất bại của một ông thầy ngoại?! “Biết nhưng không thể làm gì được, không thể thay đổi, đó là nỗi khổ với HLV”, HLV Phan Thanh Hùng chua chát!

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm