Cho dù Barca có thua trong trận chung kết đi chăng nữa thì họ vẫn xứng đáng được ngợi ca. Bởi một một đội bóng vừa trải qua 2 mùa giải trắng tay mà giành được cú đúp ở các giải quốc nội cũng đã là chiến công hiển hách lắm rồi. Trong thời buổi mà lịch thi đấu trở nên dày đặc như hiện nay, việc một đội bóng giành cú ăn ba lịch sử thực sự là điều khó tưởng tượng nổi.
Cuối tuần này, Barca sẽ chơi trận cuối cùng của mùa giải trong khuôn khổ vòng 38 Liga, và đó sẽ là trận đấu thứ 62 của họ trên mọi mặt trận kể từ tháng 8/2008 (38 Liga, 15 Champions League, 9 Cúp Nhà Vua, đấy là chưa kể gần như cả đội thường xuyên phải chơi cho quốc gia). Nhưng ở bất cứ mặt trận nào thì họ cũng đi tới trận chung kết và đều giành được những chiến thắng cực kỳ thuyết phục. Cũng có thể coi trận thắng Real Madrid 6-2 là chung kết của Liga. Ở chung kết Cúp Nhà Vua, họ đè bẹp Bilbao 4-1 trước khi hạ gục M.U 2-0 trong trận chung kết Champions League.
Vậy phép màu gì đã giúp một đội bóng đa phần là các cầu thủ nhỏ con lại có thể làm được điều khó tin đến vậy? Câu trả lời là chẳng có phép màu gì cả. bởi nếu có thì Guardiola đã chẳng mất tới 3 trụ cột ở hàng thủ do chấn thương và thẻ phạt trong trận chung kết (Dani Alves, Abidal, Marquez), còn Iniesta và Henry đều phải dưỡng thương ít nhất 2 tuần trước khi đặt chân đến Roma. Càng về cuối giải, các cầu thủ Barca đều đã có dấu hiệu mệt mỏi mà điển hình là Eto’o. Tiền đạo người Cameroon gần như đã mất Chiếc giày Vàng châu Âu vì lý do ấy.
Cả châu Âu dưới chân Barcelona
Tuy nhiên, trong trận đấu quan trọng nhất của mùa giải, đội bóng ấy vẫn là đội chơi hay hơn và giành chiến thắng một cách xứng đáng. Đừng nói là M.U còn mệt hơn Barca (ngoài 3 giải đấu chính thì họ còn phải chơi ở cả Cúp Carling lẫn Cúp thế giới các CLB, chưa kể các trận Siêu Cúp) bởi ai cũng đã phải thừa nhận Sir Alex xoay tua giỏi hơn nhiều so với Pep. Trong chiến thắng của Barca trước M.U thì thể lực chỉ đóng vai trò thứ yếu (thậm chí công bằng mà nói thì các cầu thủ M.U chạy khỏe hơn Barca).
Chiến thắng của Pep cùng các học trò được xác lập dựa trên sự hợp lý trong lối chơi, trên một nền tảng chiến lược, chiến thuật mang tính đúng đắn và nhất quán, cộng thêm tinh thần thi đấu tuyệt vời cùng với sự xuất sắc của từng cá nhân. Nó cũng là sự tiếp nối tự nhiên từ chiến thắng của đội tuyển Tây Ban Nha ở EURO 2008, bởi những nhân tố chủ chốt làm nên lịch sử ở Vienna cũng chính là những nhân tố quyết định thành công ở Roma.
Cũng không thể không nhắc tới yếu tố may mắn, bởi nếu không có nó, Barca có thể đã dừng bước ở bán kết trước Chelsea. Song trong bóng đá, liệu có chiến công hiển hách nào mà lại không cần tới sự may mắn, và cái may mắn của Barca ở bán kết chỉ càng tô điểm cho chức vô địch của họ trở nên lung linh, pha trộn thêm chất huyền thoại hơn mà thôi. Đó là tiền đề để tạo dựng nên một Dream Team đích thực, một đế chế bền vững trong tương lai.
Lật đổ sự thống trị của bóng đá Anh
Không chỉ có các CĐV Barca ăn mừng sau trận chung kết, mà có lẽ, cả châu Âu cũng chia sẻ chiến công này với thầy trò Pep Guardiola. Bởi họ đã làm nên một điều kỳ diệu là lật đổ sự thống trị của bóng đá Anh ở đấu trường châu lục, như Milan đã từng làm được trong năm 2007. Sẽ thật nhàm chán nếu như năm nào trận chung kết Champions League cũng là vòng 39 của Premier League.
Thực tế, sức mạnh và sự vượt trội về mọi mặt của bóng đá Anh là điều không thể phủ nhận. Chỉ 1 tiếng trước trận chung kết, lại một CLB Anh được chuyển giao cho chủ sở hữu người A rập, một bằng chứng nữa cho thấy việc đầu tư vào Premier League là điều hấp dẫn đến thế nào. Toàn cầu hóa trong bóng đá là một xu thế tất yếu, song cũng chính vì thế mà chiến thắng của Barca lại càng trở nên kỳ vĩ hơn, vì đó là sự khẳng định của cái gọi là bản sắc, của các giá trị truyền thống.
Dĩ nhiên, lò La Masia của Barca cũng là một ví dụ của sự toàn cầu hóa và nên nhớ, Messi, một sản phẩm ưu tú xuất thân từ đó là người Argentina chứ không phải là người Catalan. Nhưng cái quan trọng là “hồn cốt” của đội bóng vẫn được giữ nguyên. Ngọn lửa không chỉ được tiếp nối mà còn bùng cháy mạnh mẽ hơn. Nếu như trong chiến công đoạt Cúp C1 lần đầu năm 1992 chỉ có 2 “cây nhà lá vườn” được góp mặt trong trận chung kết là Ferrer và Pep Guardiola thì con số đó ở trận đấu này là 7, thậm chí là 8 nếu tính cả cầu thủ vào thay người Pedrito!
Bóng đá cần tiền để phát triển, song cũng cần giữ được giá trị truyền thống để nuôi dưỡng niềm đam mê. Do đó, việc Barca vượt qua muôn trùng vây của các đội bóng Anh để lên ngôi lại càng đáng được ngợi ca. Hơn nữa, nếu như năm 2007, khi lập nên kỳ tích tương tự thì đó cũng là lúc Milan đã đi hết một chu kỳ thành công. Còn với Barca lần này, đấy mới chỉ là sự khởi đầu, từ thành phố vĩnh hằng…
Hoàng Nhật
12 Đây là chiếc Cúp C1/Champions League thứ 12 của Tây Ban Nha, đưa nền bóng đá này vượt qua Anh (11) và Italia (11) để trở thành ông vua của lục địa già. Xếp sau 3 ông lớn này là Đức, Hà Lan (cùng 6), BĐN (4). Scotland, Pháp, Romania và Nam Tư, mỗi nước có 1 Cup.
Eto’o nối bước Raul
Với bàn mở tỷ số trong trận chung kết, Eto’o đã tiếp bước Raul trở thành cầu thủ thứ hai trong lịch sử Champions League (từ 1993) ghi được bàn thắng trong 2 trận chung kết. Năm 2006 thì anh cũng đã góp 1 bàn trong chiến thắng 2-1 trước Arsenal ở Paris. Trong khi đó, Raul đã 2 lần ghi bàn cho Real Madrid trong các trận chung kết năm 2000 (Valencia 3-0) và 2002 (Leverkusen 2-1).
Ngoài ra, còn có 4 cầu thủ khác ghi được 2 bàn trong các trận chung kết là Danielle Massaro, Fillipo Inzaghi, Hernan Crespo (Milan) và Karl Heinz Riedle (Dortmund), song đấy đều là những cú đúp trong một trận đấu. Trong lịch sử 17 năm của Champions League thì đã có 37 cầu thủ ghi được bàn trong trận chung kết, khởi đầu từ Basile Boli ghi bàn cho Marseille trong trận thắng Milan 1-0 năm 1993.
Nếu tính trong lịch sử cả Cúp C1/Champions League thì có tổng cộng 13 cầu thủ đã ghi được bàn thắng trong 2 trận chung kết trở lên. Dẫn đầu là huyền thoại Alfedo Di Stefano của Real Madrid. Ông đã ghi được 7 bàn trong 5 trận chung kết (từ 1956 đến 1960)!
Messi: Giày vàng và Bóng vàng?
Với bàn thắng ghi được trong trận chung kết, coi như Messi đã giành chiến thắng trước Cristiano Ronaldo trong cuộc đua tới Quả bóng Vàng 2009. Nhưng trước khi nhận được giải thưởng cao quý đó thì ngôi sao người Argentina cũng đã trở thành Vua phá lưới Champions League với 9 bàn thắng. Năm ngoái, danh hiệu này thuộc về chính Ronaldo với 8 bàn, trong đó cũng có 1 bàn được ghi trong trận chung kết. Mùa này, Messi đã ghi được tổng cộng 38 bàn trên mọi mặt trận, trong đó có 23 bàn ở Liga và 6 ỏ Cúp Nhà Vua.
Một chi tiết đáng lưu ý nữa, sau ghi bàn ấn định chiến thắng thì Messi đã tháo giày cầm trên tay để ăn mừng. Thật ra, bàn đó được anh ghi bằng đánh đầu, nên hành động tháo giày có thể được hiểu là nhằm quảng cáo cho mẫu giày mới mà hãng Adidas thiết kế riêng cho anh, mang thương hiệu Messi và sẽ được bán rộng rãi từ tháng tới.
|