ĐTVN sau thất bại trước Malaysia: Mới chỉ “tiqui” chứ chưa “taqua”

27/12/2010 06:50 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH cuối tuần) - Đã từng có lúc tin tưởng rằng nền tảng là hệ thống chiến thuật, lối chơi của đội tuyển VN sẽ chiến thắng những hạn chế mang tính cá nhân là sự vắng mặt của một số trụ cột vì chấn thương, nhưng hóa ra không phải.

Lỗi hệ thống

Nói như thế không phải là tôn vinh quá cao những cá nhân vắng mặt theo triết lý “con cá trượt là con cá to” mà cụ thể ở đây là Công Vinh và Việt Thắng. Họ chưa đạt tới tầm mức quyết định được số phận của cả trận đấu hay lôi kéo cả một tập thể đi lên.

ĐTVN thất bại vì hệ thống chiến thuật, lối chơi của ông Calisto xây dựng cho đội tuyển hóa ra mới chỉ giống như việc xây cất một ngôi nhà, xong phần thô còn đang chờ phần hoàn thiện.

Hai năm trước, đội tuyển VN đã tạo nên bước đột phá rất lớn, làm cả ĐNA ngỡ ngàng vì chưa từng có một đội bóng lại chơi kỹ thuật với những đường chuyền ngắn, di chuyển linh hoạt như thế ở khu vực. Đối thủ, và chính chúng ta so sánh đội tuyển với Arsenal.

Giờ, khi Arsenal trồi sụt, và Barca tạo nên quá nhiều cảm xúc thăng hoa, thì có người gọi là “Việt Nam đá theo kiểu Barca”.

Gọi như thế cũng được, nếu xét trên phương diện triết lý của lối chơi là trường phái Latin, nhưng xét về tính hiệu quả, độ hoàn chỉnh, chứ chưa nói tới đẳng cấp, thì đó là một sự so sánh kệch cỡm (kể cả với Arsenal nói trên).

Hệ thống mà ông Calisto tạo ra cho tới thời điểm này là lối đá nhỏ ở khu vực giữa sân, tuyệt đối không có những đường chuyền vượt tuyến từ các hậu vệ, nhưng khi tiếp cận khung thành đối phương thì chỉ có tạt cánh và đánh đầu.

Hoàn toàn không có hay nói đúng hơn là không biết đá trung lộ, không biết đột phá, không biết bật tường theo nhóm để di chuyển không bóng mà xâm nhập thẳng vào vòng cấm của đối thủ.

Thành công năm 2008 có công lớn của ông Calisto, và thất bại năm 2010 có lỗi rất lớn của chính ông. Ảnh: VSI

Lối chơi Latin, tiqui-taqua và hệ thống sơ đồ chiến thuật 4-5-1 mà ông Calisto ngưỡng mộ (ông dè bỉu các CLB ở V-League đa phần chỉ biết chơi 4-4-2) chúng ta được chiêm ngưỡng đâu đó từ các đội bóng ở thế giới là nhiều khi không cần tiền đạo, bởi các tiền vệ sẽ nhô lên, phá bẫy việt vị và kết liễu đối thủ. Điều đó rõ ràng là chưa xuất hiện trong hệ thống của ông Calisto.

Đó là còn chưa nói tới việc chính bản thân ông thầy người Bồ cũng ngộ nhận về sự ưu việt của hệ thống mà ông tạo dựng. Ông đã quên, để lãng phí khi Malaysia đá ở Mỹ Đình chỉ với 1 cầu thủ đá cắm, mà ông vẫn giữ tới 4 hậu vệ, còn ở phía trên, khi các đường tạt bổng từ 2 cánh rất cần có thêm tiền đạo ở phía trong tạo ra các điểm cắt khác, thì vẫn chỉ có 1 tiền đạo. Và chính sự ngộ nhận hệ thống ấy ưu việt hơn, nên đội bóng của ông Calisto đã thua 2-0 ở Bukit Jalil, một tỉ số mà nhiều người tin là không thể lật ngược thế cờ.

Tiếp tục, nhưng phải nâng cấp

Như đã nói ở trên, công trình của ông Calisto vẫn còn đang chờ hoàn thiện để hệ thống chiến thuật và lối chơi ấy phát huy sức mạnh trong mọi hoàn cảnh (đối phương tử thủ hay đã biết rõ cách chơi của ta…). Nghĩa là đặt ra yêu cầu sa thải ông Calisto không phải là sự lựa chọn hợp lý, và nếu chính bản thân ông thầy người Bồ tự tay xóa bỏ hệ thống ấy cũng sẽ không phải quyết định chuẩn xác.

Sự trở lại của ông Calisto với đội tuyển năm 2008 đã mang về cho chúng ta chiếc cúp vàng lịch sử, và trên hết là lối chơi Việt Nam mà chúng ta mòn mỏi chờ đợi từ suốt quá trình tái hội nhập với bóng đá khu vực. Nó phù hợp với thể trạng và những thói quen của các cầu thủ Việt Nam, chúng ta vẫn nói và giờ có thể vẫn tin như thế.

Ông Calisto mới chỉ sắp đi hết năm đầu tiên của hợp đồng có thời hạn 3 năm với liên đoàn sau khi 2 bên tái ký hồi đầu năm 2010, và phía trước của BĐVN sẽ là 4 nhiệm vụ: vòng loại World Cup 2014, AFF Cup 2012 cho đội tuyển, và vòng loại Olympic London 2012 và SEA Games 2011 cho U23 VN.

Nhưng ông buộc phải nâng cấp và hoàn thiện hệ thống chiến thuật và lối chơi ấy, bắt đầu từ chính ông và sau đó mới tới các cầu thủ.

Thật ngạc nhiên là người ta lại đang kêu đội tuyển đã già cỗi, trong khi không có cầu thủ nào (tính theo khai sinh) vượt quá 30 tuổi, và cũng chỉ có 3 cầu thủ được tính là trụ cột sinh năm 1980 là Như Thành, Minh Phương, Việt Thắng, còn số khác chỉ sinh năm 82 hay 85 (Tài Em, Phước Tứ, Tấn Tài, Vũ Phong)… và có cả những cầu thủ sinh năm 87-88 (Thành Lương, Trọng Hoàng). Già cỗi thì phải nói tới Singapore và Thái Lan khi 2 đội bóng này có cả những người đã 35 hay 40 tuổi như Chaiman và Duric.

Nếu giải quyết được vấn đề về tinh thần và trên hết là nâng cao tư duy chiến thuật và cả xây dựng các mảng miếng mới, thì tập thể ấy vẫn có thể tiếp tục đi cùng với ông Calisto nốt chặng đường còn lại, và sự thay thế, làm mới chỉ cần với một vài vị trí.

Chúng ta đã nhiều năm rồi phải trả giá cho sự ngộ nhận và ngủ quên trên chiến thắng. Chúng ta cũng nhiều lần phải miễn cưỡng chịu sự an ủi theo tinh thần A.Q, là thất bại này là tốt, để nhìn ra cái này cái kia.

Hy vọng là ông Calisto dù đã bị Việt hóa khá nhiều giờ sẽ trở lại với một ưu điểm của người châu Âu là biết nhìn thẳng vào thất bại và cả hạn chế của chính mình để đứng lên.

Phạm Tấn

Phải tới giữa năm 2011, AFC mới bốc thăm, công bố lịch thi đấu vòng loại World Cup 2014. Ở vòng loại Olympic London 2012, Việt Nam không phải đá vòng sơ loại 1 nên cũng phải tới giữa năm 2011 mới đá sơ loại 2 (12 cặp đấu đá lượt đi lượt về). Nhưng nếu cả nửa năm đầu của 2011, cả 2 đội tuyển và U23 không hoạt động, thì sự chuẩn bị và công cuộc nâng cấp đội tuyển với các mục tiêu cụ thể đặt ra có thể sẽ thất bại.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm