“Vũ khí” của ĐTVN: Lại là tinh thần

11/09/2010 11:23 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Nói về AFF Cup 2008 không riêng HLV Calisto mà tất cả các nhà chuyên môn đều cho rằng tinh thần là sức mạnh lớn nhất của ĐTVN. Căn cứ vào phong độ, thể lực của các tuyển thủ, và nhìn từ những buổi tập thì có vẻ như ông Calisto tiếp tục hun đắp cho các học trò thứ “vũ khí” quen thuộc này.

“Bài tủ” phòng ngự - phản công

ĐTVN dưới tay HLV Calisto không phải là đội bóng ưa tấn công. Nhìn suốt từ AFF Cup 2008 tới nay thì có thể coi ĐTVN là đội bóng đặt sự chắc chắn lên hàng đầu và rình rập ghi bàn. Dĩ nhiên, chiến thuật của ĐTVN không cứng nhắc, đội cũng có thể chơi tấn công tùy thuộc vào đối thủ và tình thế trên sân.
Tinh thần thi đấu quyết liệt tiếp tục sẽ là thứ vũ khí quen thuộc của ĐTVN. Ảnh: VSI
Ở AFF Cup 2008, các học trò của ông Calisto đã ghi 4 bàn vào lưới Lào, đã thắng 3-2 trước Malaysia ở vòng loại. Đó đều là những trận đấu mà ông Calisto thúc giục các học trò tấn công. Malaysia là đối thủ vừa tầm, Lào ở thấp hơn một chút, nhưng với những đối thủ trên cơ (Thái Lan) hoặc khó chơi (Singapore) thì phòng ngự phản công (chìa khóa để đánh bại cả 2 đối thủ này) là sự lựa chọn của ông thầy người Bồ Đào Nha.

Ưa dùng sơ đồ 4-5-1, ông Calisto chỉ xây dựng hàng tấn công với một trung phong duy nhất (ở AFF Cup 2008 và có thể là cả ở tương lai gần), Việt Thắng sắm vai trò này. 7 trận đấu ở AFF Cup 2008, Thắng “bế” chỉ có một bàn thắng (vào lưới Lào), nhưng anh vẫn là một trong những cầu thủ chơi nổi bật nhất.

Việc Thắng “bế” chỉ nổ súng một lần duy nhất không phải là điều lạ, bởi nhiệm vụ chính của anh là thu hút hậu vệ, tạo khoảng trống và làm tường mồi bóng để những mũi khoan từ 2 cánh (Công Vinh, Vũ Phong hay Tấn Tài) lao lên chiếm lĩnh khoảng trống để ghi bàn. Không (thể) áp đặt thế trận với Thái Lan hay Singapore, vì thế chuyện ĐTVN chọn phương án rình rập tấn công là hợp lý.

Sự lựa chọn của HLV Calisto được đánh giá là khôn ngoan, bởi chiến thuận đó phù hợp với những cầu thủ mà ông đang có. Cũng có đánh giá cho rằng, chiến thuật mà ông Calisto áp dụng là tất yếu, bởi trước đó, ĐTVN dưới thời Alfred Riedl đã chơi tấn công với 2 tiền đạo và luôn thất bại ở những thời điểm quyết định.

“Không tắm 2 lần trên một dòng sông”, nhưng 2 năm sau AFF Cup 2008, có vẻ như HLV Calisto vẫn sẽ dùng “bài tủ” phòng ngự - phản công. Gọi tới 4 tiền đạo, nhưng ở các buổi tập gần đây ông Calisto vẫn duy trì sơ đồ tấn công với 1 người đá cắm và 2 tiền đạo cánh giống như AFF Cup 2008.

Nếu Văn Quyến kịp thời bình phục và lấy lại phong độ để tham dự AFF Cup 2010, ông Calisto cũng có thể phá cách với ý đồ biến Quyến “béo” thành tiền đạo ảo. Khi ấy, sơ đồ của ĐTVN sẽ là 4-3-2-1. Với biến thể này, về cơ bản ĐTVN vẫn trung thành với lối chơi phòng ngự - phản công đặc trưng.

Phải chiến đấu!

Cho dù chiến thuật mà ông Calisto áp dụng ở AFF Cup là phù hợp, là tất yếu, thì không thể phủ nhận tinh thần là chìa khóa cho thành công của lối đá này. Trước AFF Cup 2008 dưới thời HLV Riedl, ở các pha tranh chấp tay đôi, ĐTVN thường lép vế trước thể hình của người Singapore hay sự khôn ngoan của người Thái.

Nhưng ở AFF Cup 2008 mọi chuyện đã khác. Hình ảnh Tấn Tài, Minh Châu chỉ cao hơn 1m6 nhưng vẫn khiến những cầu thủ cao to của Singapore phải chùn chân vì sự lỳ lợm, hàng thủ của Phước Tứ, Như Thành hay thậm chí là cả những tiền đạo như Công Vinh, Việt Thắng lăn xả vào mũi giầy của đối thủ chính là “sản phẩm” của tinh thần chiến đấu cao độ.

Trong những buổi tập vừa qua, rất ít dấu ấn chiến thuật được ông Calisto đưa ra. Vẫn là bài chia đôi hoặc ba đội hình thi đấu đối kháng, nhưng ông thầy người Bồ vẫn luôn miệng nhắc nhở các cầu thủ phải lăn xả, phải tận tụy, hết mình trong mỗi pha bóng. Và ý chí, tinh thần thi đấu của ĐTVN sẽ được hun đắp, được duy trì từ phương pháp ấy?!

Khang Niên



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm