ĐT Việt Nam: Giới hạn nào cho giấc mơ?

15/10/2012 08:31 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH)- Trong bức tranh có rất nhiều sắc màu u ám của bóng đá Việt Nam hiện tại, ĐT Việt Nam có vẻ như đang là một ốc đảo tươi mát hiếm hoi, bởi kể từ ngày tập trung để chuẩn bị cho AFF Cup 2012 tới giờ, công việc của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng ở ĐT Việt Nam diễn ra khá thuận lợi (bất bại trong 2 trận giao hữu liên tiếp trên sân khách trước những đối thủ mạnh, vừa hoàn tất đợt huấn luyện thể lực tại Nha Trang với kết quả tự nhận xét là “mỹ mãn”), và người trong cuộc luôn dùng những lời lẽ có cánh để nói về nhau mỗi khi phát biểu trên báo.

Nếu sự thực đúng như thế thì đây quả là điều rất đáng mừng, bởi trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang gặp vô số khó khăn như hiện tại, nếu ĐT Việt Nam duy trì được trạng thái tâm lý hưng phấn và thoải mái như vậy cho tới khi AFF Cup 2012 chính thức khai màn vào cuối tháng sau thì chúng ta sẽ có cơ hội không nhỏ để làm được một điều gì đấy. Bởi vậy, 4 trận đấu sắp tới của ĐT Việt Nam trong tháng này, bao gồm trận giao hữu với ĐT Indonesia vào ngày mai (16/10/2012) và 3 trận ở VFF Cup 2012, rất được chờ đợi, vì qua loạt trận này, diện mạo của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012 sẽ phần nào được phác hoạ, và chúng ta cũng có thể nhận định được ít nhiều về khả năng chiến thắng của đội bóng áo đỏ.

Tuy nhiên, với việc ĐT Việt Nam vừa kết thúc đợt tập huấn nâng cao thể lực tại Nha Trang, những ai am hiểu chuyên môn đều rõ khó có thể hy vọng ĐT Việt Nam sẽ đạt được phong độ tốt nhất ở chuỗi 4 trận đấu liên tiếp trong tháng 10, vì rằng các tuyển thủ vẫn đang trong giai đoạn nhả khối lượng nên chưa thể lấy lại sự nhanh nhẹn, thanh thoát cần thiết.



ĐT Việt Nam đang là đốm sáng hiếm hoi của BĐVN thời điểm hiện tại. Ảnh: V.S.I

Trước đây, mỗi lần chuẩn bị cho các giải đấu khu vực, xác định điểm rơi phong độ luôn là vấn đề có ý nghĩa sống còn với ĐT Việt Nam, vì ngoại trừ HLV Henrique Calisto, các ông thầy ngoại khác dường như không thể thành công với nhiệm vụ đặt điểm rơi phong độ cho các tuyển thủ đúng vào thời điểm giải đấu chính thức diễn ra. Nhưng sự “kỳ diệu” của HLV Calisto cũng chỉ thể hiện được đúng ở AFF Cup 2008, còn 2 năm sau đó, ông thầy người Bồ Đào Nha như trở thành một vị phù thuỷ mất hết phép thuật.

Nếu căn cứ vào những gì làm được trong mấy năm qua ở CLB cũng như cấp độ ĐTQG, HLV Phan Thanh Hùng xứng đáng được xem là HLV nội số một Việt Nam hiện tại, nhưng giữa việc đảm nhận cương vị HLV tạm quyền so với lúc chính thức ngồi vào ghế nóng vẫn có một khoảng cách khá xa, và lịch sử tham dự giải vô địch bóng đá Đông Nam Á của ĐT Việt Nam chưa từng ghi nhận sự thành công của bất cứ ông thầy nội nào.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là chỉ có thầy ngoại mới có thể giúp ĐT Việt Nam hoàn tất giấc mơ vàng ở sân chơi khu vực, song rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các ĐTQG trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung vẫn đều dành sự ưu tiên cho các HLV nước ngoài, ngay cả với ĐT Nhật Bản, đội bóng được đánh giá là số một châu Á hiện tại.

Việc VFF chuyển sang sử dụng HLV nội cho ĐTQG thực ra không phải là kết quả của một quá trình nghiên cứu nghiêm túc và bài bản như Malaysia, quốc gia đang gặt hái quả ngọt ở sân chơi khu vực suốt mấy năm nay với những ông thầy nội thuần tuý, mà lại có phần giống như một giải pháp tình thế, và dám chắc không có ĐTQG nào tham dự AFF Cup 2012 với một HLV trưởng vẫn còn kiêm nhiệm thêm cả công việc ở CLB như ĐT Việt Nam.

Thành công mà bóng đá Malaysia có được ở SEA Games và AFF Cup mấy năm qua không chỉ đơn thuần là việc bổ nhiệm một HLV nội cho ĐTQG rồi ung dung chờ nhận kết quả, nhưng có vẻ như không phải ai cũng nhận thức được một cách đầy đủ về vấn đề này, và thậm chí có những người lạc quan tới mức đã nói về khả năng lặp lại một kỳ giải thành công như AFF Cup 2008 của ĐT Việt Nam.

Vẫn biết chẳng ai đánh thuế ước mơ nên không thể đưa ra bất cứ giới hạn nào cho kỳ vọng hay mơ ước của người hâm mộ, nhưng khi ĐT Việt Nam chưa chính thức xung trận tại AFF Cup 2012 thì có lẽ chưa nên dự đoán hay khẳng định bất cứ điều gì, bởi ngay ở kỳ giải năm 2008 lịch sử cách đây 4 năm, chẳng phải ĐT Việt Nam cũng đã chơi rất vất vả ở vòng bảng và phải tới vòng loại trực tiếp mới đạt được phong độ tốt nhất đấy sao?

Xuân Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm