U23 Việt Nam: Tại sao phải đánh giãn biên?

28/10/2011 11:36 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - “Tại sao chúng ta phải đánh giãn biên, mà không là trung lộ?”, câu hỏi của chuyên gia bóng đá - “Cầu thủ vàng của bóng đá Việt Nam” (danh hiệu do AFC trao tặng) trong một buổi họp của VFF, thời ông Lê Thế Thọ còn là đương kim Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn.

Cả khán phòng im phăng phắc sau câu hỏi đầy hàm ý của ông Thọ. Rất khoan thai, vị Phó Chủ tịch chuyên môn VFF nói tiếp: “Vì đối thủ đã bịt kín trung lộ rồi, thì chúng ta phải chuyển ra đánh biên, để tìm kiếm cơ hội. Thế thôi” !

Tưởng như đánh trung lộ, kiểu vỗ mặt, là con đường ngắn và nhanh nhất để tiếp cận cầu môn đối phương, nhưng đúng là khi đối thủ phòng ngự chủ động với số đông trước khu vực 16m50, đội tấn công rất dễ lâm vào bế tắc. Đó là chưa nói đến mối hiểm họa “hồi mã thương” khi đối phương cướp được bóng.


Đánh giãn biên có thể là một gợi ý cho U23 VN

Lịch sử bóng đá từng chứng kiến sự lên ngôi, rồi thoái trào của rất nhiều thể loại sơ đồ - chiến thuật. Nhưng, duy chỉ tỷ lệ các bàn thắng đến từ các pha đánh giãn biên lên tới hơn 70% là gần như bất biến. Những người yêu thích các con số đã thống kê như vậy và có lẽ không cần phải bàn cãi nhiều.

Nên nhớ rằng, đánh biên không đơn thuần là đưa bóng ra ngoài đường biên dọc, sau đó tạt bóng - đánh đầu. Chiến thuật mở biên, triển khai bóng từ vòng ngoài vào khu vực cấm địa, buộc đối thủ phải hở sườn hay ít nhất là xuất hiện các khoảng trống, để đội tấn công có thêm các phương án tiếp cận cầu môn. Có thể là một đường căng ngang ở tầng thấp, cũng có thể là cú xẻ nách giữa trung vệ và hậu vệ biên, cho tiền đạo băng cắt. Đây là ngón nghề sở trường của Barcelona và ĐT Tây Ban Nha, dù họ không có những tiền vệ cánh bám biên thuần túy.

Tức là bất cứ lúc nào đội bóng cũng có thể phối kết hợp giữa việc đánh trung lộ theo kiểu vỗ mặt và chơi giãn biên. HLV Falko Goetz và ĐT U23 VN đã và đang hoàn thiện từng ngày, thậm chí từng giờ, các mảng miếng này.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm