Canh bạc thành công của Joachim Loew

24/06/2012 13:33 GMT+7

(TT&VH) - Chiến thắng 4-2 của đội tuyển Đức đến trong bối cảnh mà HLV Joachim Loew đã chấp nhận dấn thân vào một canh bạc mạo hiểm, với ba sự thay đổi trên hàng công: Schuerrle, Reus và Klose đá thay Mueller, Podolski và Gomez trên hàng công. Những hoài nghi lớn đã xuất hiện, và cuối cùng cũng bị dập tắt khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên.

Trong quá trình Đức thi đấu ở vòng bảng, các nhà bình luận và người hâm mộ đội tuyển Đức luôn kêu gọi ông Loew phải táo bạo hơn trong việc lựa chọn nhân sự cho đội hình xuất phát ở mỗi trận đấu. Với một đội ngũ còn rất nhiều ẩn số chưa khám phá, thì việc họ muốn thấy Goetze, Reus, Schuerrle ra sân ngay từ đầu cũng là điều dễ hiểu. Trên băng ghế dự bị, cả Goetze và Reus thậm chí đã phát biểu thể hiện khát khao được ra sân. Áp lực dồn lên vai ông Loew là rất lớn.

Ông lại là một người khá bảo thủ với những giá trị đã được khẳng định. Chặng đường ở vòng bảng cho thấy điều đó, nhưng cũng chính bởi sự bảo thủ ấy, Đức đã toàn thắng cả ba trận, ở bảng đấu tử thần có Hà Lan, BĐN và Đan Mạch.


HLV Joachim Loew (ngoài cùng bên trái) đã thành công với quyết định mạo hiểm của mình - Ảnh Getty

Nhưng bất ngờ đã xuất hiện ở tứ kết, với sự thay đổi rất mạnh tay trên hàng công, và có lẽ đã gây sốc cho các CĐV đội tuyển Đức. Đây là tứ kết và cho dù đối thủ có là Hy Lạp thua kém về mọi mặt đi chăng nữa, thì mọi sai lầm đều không thể được sửa chữa. Đó giống một đội hình mang tính chất thử nghiệm, hơn là đội ngũ sắp trải qua một trận đấu knock-out. Ông Loew đã cất 3 cầu thủ ghi 5 bàn cho đội tuyển Đức ở vòng bảng.

Quyết định bất ngờ ấy tất nhiên làm dấy lên những chỉ trích, và trong số những người phản đối, không ít đã từng kêu gào đòi ông Loew phải cho những nhân tố mới vào sân. Nhưng cho đến khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, ông đã đáp trả những lời chỉ trích một cách thật hào phóng. Như mọi khi.

Bộ ba thay thế chưa tạo được sự tin tưởng lớn lao và xét về mặt cá nhân, cũng ở một cấp độ thấp hơn về đẳng cấp hoặc phong độ, nhưng họ cũng đã tạo ra được một số ảnh hưởng mà bộ ba Podolski – Mueller – Gomez không làm được: Khả năng di chuyển không biết mệt mỏi của Reus và Schuerrle, cùng những pha chạy chỗ không bóng khôn ngoan trong vòng cấm để tạo khoảng trống của Klose (về mặt này, chưa chắc Gomez đã bằng anh).

Ông Loew & Những quyết định trong cơn bão chỉ trích

Đó không phải là lần đầu tiên ông Loew đưa ra những quyết định táo bạo và dám bất chấp cơn bão chỉ trích để kiên định với những quyết định của mình. Ông từng loại Per Mertesacker ra khỏi đội hình chính vì thiếu thực tiễn thi đấu, và người thay thế Mats Hummel đã chơi tuyệt hay từ đầu giải đến giờ. Khi Mario Gomez bị chỉ trích, ông Loew vẫn kiên quyết không thay anh bằng Klose, và được tưởng thưởng bằng ba bàn thắng ở vòng bảng. Bây giờ là một quyết định còn mạnh tay hơn, và tất nhiên là phải đối chọi với dư luận nhiều hơn.

Những nghi ngờ vẫn tồn tại, ngay cả khi ông Loew đã đưa đội bóng đến với chiến thắng, nhưng nếu kết quả biện minh cho phương thức, thì cho đến thời điểm này, mọi quyết định của ông vẫn là bất khả xâm phạm. Trận thắng Hy Lạp cũng xác nhận được rất nhiều điểm tích cực của đội ngũ hiện tại: Chiều sâu của đội hình, và tinh thần khát khao chiến thắng. Những phẩm chất ấy chỉ có thể được kiểm chứng bằng một quyết định dũng cảm.

Và sự thay đổi mạnh tay của ông Loew cũng chứng minh rằng trong đội tuyển Đức hiện tại, không ai là không thể thay thế. Một quyết định không những đem lại niềm tin cho những người ngồi dự bị đang có dấu hiệu bất mãn, mà còn khiến bất kỳ cá nhân nào của tuyển Đức cũng phải giữ đôi chân ở trên mặt đất, khi chủ nghĩa công thần đang rạn nứt, trong làn sóng trẻ hóa và xoay vòng của ông Loew.

Cuối cùng, nếu dựa trên tư duy thực dụng của người Đức, thì có thể kết luận rằng mọi quyết định ông Loew đưa ra từ đầu đến giờ đều rất chuẩn xác, mặc kệ những tranh cãi và bàn tán. Canh bạc phải chịu những áp lực, nhưng cuối cùng thì lợi nhuận nó đem lại đã phủ nhận tư duy “đẽo cày giữa đường”.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm