Anh - Hungary 2-1: Chiến thắng của Gerrard

13/08/2010 12:11 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Ở Wembley, đội trưởng Gerrard đã sắm vai người hùng bằng một cú đúp giúp ĐT Tam sư lội ngược dòng thành công trước Hungary. Chiến thắng ấy phần nào giúp các CĐV xứ sương mù nguôi ngoai nỗi buồn Nam Phi, nhưng trước mắt Capello chắc chắn vẫn còn nhiều ưu tư

Thất bại tại World Cup 2010 khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả của sơ đồ quen thuộc 4-4-2. Có lẽ vì thế mà Capello đã thử nghiệm một cách thức tiếp cận mới với hệ thống 4-3-3. Trước Hungary, ĐT Anh đã thi đấu với 3 tiền vệ trung tâm trong đó một người phụ trách phòng ngự, thu hồi bóng (Barry), còn hai người kia (Lampard, Gerrard) có xu hướng nhô cao hơn. Ở hai bên cánh, hai tài năng trẻ từ bị gạt khỏi danh sách dự World Cup 2010 là Theo Walcott và Adam Johnson đã trở lại để hỗ trợ cho Rooney, người đảm nhận vị trí tiền đạo cắm.


Gerrard đã chơi hay nhưng đây chỉ là trận giao hữu, Ảnh Getty

Đó gần giống cách mà Mano Menezes bố trí đội hình trong trận đấu giữa Brazil và Mỹ một ngày trước đó. Nhưng dĩ nhiên, Anh không phải những vũ công samba. Cách bố trí ấy giúp lối chơi của Tam sư bớt đi sự khô cứng nhờ sự linh hoạt của những cầu thủ chạy cánh cũng như giải phóng cặp tiền vệ trung tâm nặng về phòng ngự. Tuy nhiên, phong độ mờ nhạt của Rooney, sự vô duyên của Adam Johnson, cũng như khả năng tập trung của hàng thủ Hugary đã khiến Capello buộc phải trở về với sơ đồ 4-4-2 với một loạt thay đổi nhân sự đầu hiệp hai.

Đó cũng là khoảng thời gian mà CĐV chủ nhà la ó nhiều nhất, đặc biệt là sau bàn thua ở phút 62. Dù rằng đó là một bàn thắng gây tranh cãi (Dawson đã phá bóng trên vạch vôi, sau cú đá phản của Jagielka), nhưng rõ ràng trong tình huống ấy, hàng thủ của ĐT Anh đã cản phá một cách hời hợt và thiếu tỉnh táo khi để cho đối phương thọc sâu vào vòng cấm địa và gây sức ép mạnh mẽ vào trong. Bàn thua oan uổng này gợi nhớ lại ký ức đau buồn ở Nam Phi khi Lampard đã sút bóng dội xà đập qua vạch vôi nhưng vẫn không được công nhận.

Nếu như Rooney đã rời Wembley trong tiếng la ó thì đội trưởng Gerrard đã xuất hiện như một vị cứu tinh bởi hai bàn thắng siêu đẳng chỉ trong vòng 4 phút. Đầu tiên là pha băng lên nhận bóng từ trung lộ và cú sút xa hết sức hiểm hóc ở cự ly chừng 20m. Và bàn thắng thứ hai mới thực sự là một tuyệt tác khi anh nhận bóng trong vòng cấm địa, xoay trở cực khéo qua hàng loạt hậu vệ trước khi xỉa bóng hạ gục thủ thành Kiraly. 

Ở World Cup 2010, ngoại trừ bàn thắng vào lưới ĐT Mỹ, Gerrard đã chơi không thành công bởi những pha xử lý quá ư cầu toàn. Đó là hệ quả của sức ép khi phải mang băng đội trưởng ở một giải đấu lớn như thế. Tại Wembley là một Gerrard của Liverpool, đầy tự tin với kỹ thuật và khả năng dứt điểm của mình. "Số 4" đã được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Nhưng điều đó chỉ làm người ta thêm luyến tiếc: tại sao trong những thời điểm quan trọng hơn nhiều, anh lại không tỏa sáng?

Và dĩ nhiên, đằng sau chiến thắng vẫn là nỗi ưu tư về khả năng ghi bàn yếu kém của hàng tiền đạo. Không nên trách tân binh Zamora ở pha bỏ lỡ đầu hiệp hai bởi dù sao đây mới là lần đầu anh lên tuyển. Nhưng còn niềm hy vọng Rooney? 11 tháng đã trôi qua, và cơn khát của anh chưa biết bao giờ mới được giải tỏa.  

Đội hình thi đấu:

Anh: Hart, Glen Johnson, Jagielka, Terry (Dawson 46), Ashley Cole (Gibbs 46), Barry, Lampard (Zamora 46), Walcott (Young 46), Gerrard (Wilshere 82), Adam Johnson, Rooney (Milner 66).

Hungary: Kiraly, Liptak (Komlosi 55), Vanczak (Laczko 46), Juhasz, Szelesi, Vadocz, Dzsudzsak (Koman 46), Rudolf (Priskin 83), Elek (Toth 59), Gera, Huszti (Hajnal 46).

Bàn thắng: Gerrard 69 & 73 - Jagielka 63' phản lưới

85 Với trận thứ 85 khoác áo Tam sư, Đội trưởng Gerrard đã lọt vào tốp 10 cầu thủ thi đấu nhiều nhất cho ĐT Anh. Trong số này, có 3 cầu thủ khác còn đang thi đấu là Beckham (115), Owen (89), và Gary Neville (85). Tuy nhiên, Neville đã từ giã sự nghiệp quốc tế, Becks vừa bị Capello tuyên bố không triệu tập nữa, còn Owen thì gần như không còn hy vọng trở lại.


Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm