21/10/2012 15:07 GMT+7 | Man City
(TT&VH Cuối tuần)- Hai năm rưỡi trước đây, Joe Hart từng tính đến giải pháp gắn bó sự nghiệp với Birmingham, đội bóng hiện đang ngụp lặn ở cuối giải hạng Nhất Anh. Giờ anh đã là báu vật của Manchester City, của Premier League và của đội tuyển Anh.
Sự lựa chọn điên rồ của Mancini
Mùa Hè 2010, Joe Hart mới 23 tuổi. Ở tuổi ấy, Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đã đoạt Quả bóng vàng. Nhưng với thủ môn, như thế vẫn còn quá trẻ. Roberto Mancini, mới cầm quân Man City chỉ hơn nửa năm, vẫn không biết nên đặt niềm tin vào chàng trai trẻ 23 tuổi này hay Shay Given, thủ môn Bắc Ireland đầy kinh nghiệm và từng bắt rất ấn tượng trong những năm tháng ở Newcastle cũng như trong mùa đầu tiên ở Man City.
Báo chí bắt đầu nói nhiều về Joe Hart khi anh khoác áo Birmingham theo dạng cho mượn. Người tiền nhiệm của Mancini, chiến lược gia người xứ Wales Mark Hughes, sẵn sàng bán đứt Joe Hart cho Birmingham. Lên thay Hughes, Mancini không có thời gian để quan sát, kiểm tra trình độ của Joe Hart vì anh ở tận Birmingham. Ông giao hết công việc giám sát cho trợ lý của mình, Massimo Battara, người từng huấn luyện Julio Cesar thời ở Inter. Báo cáo của Battara ghi rằng Joe Hart "là một thủ môn rất tốt, phản xạ xuất sắc và dùng chân rất ổn". Kèm theo bản báo cáo ấy là lời khuyên dành cho Mancini, đừng bán Joe Hart, giữ lại cho tương lai lâu dài.
Mancini không cần đợi "tương lai lâu dài". Ông lập tức thông báo Joe Hart là thủ môn số một, Shay Given bị đẩy xuống vị trí số hai. Người Anh thường bảo vệ những tài năng trẻ hiếm hoi của họ, nhưng ở thời điểm ấy, ngay cả những tờ báo lớn của Anh như Daily Mail, Guardian hay Telegraph cũng nghi ngờ quyết định chọn Joe Hart của Mancini, cho rằng ông đã quá liều lĩnh khi coi thường vai trò của yếu tố kinh nghiệm trong khung gỗ. Họ còn lấy dẫn chứng từ hàng xóm Manchester United, lúc bấy giờ đang thành công rực rỡ với thủ môn "U40" Edwin van der Sar.
Hai năm rưỡi sau, người Anh thừa nhận đó là sự lựa chọn đúng đắn và mang tính "lịch sử" của Mancini. Nó đã giúp đội tuyển Anh giải quyết bài toán hóc búa nhất của họ trong suốt một thập kỷ qua, kể từ khi David Seaman rút lui. Trong một thập kỷ ấy, thủ môn là vị trí mà tuyển Anh lo lắng nhất, và nhiều lần trả giá nhất. Bây giờ, thủ môn là vị trí họ yên tâm nhất và kỳ vọng nhiều nhất.
Joe Hart là báu vật của bóng đá Anh- Ảnh Getty
100 nghìn bảng & 1 siêu thủ môn
Joe Hart khởi nghiệp ở đội bóng quê hương Shrewsbury Town, lúc bấy giờ vẫn đang còn chơi ở giải hạng Ba. Mùa hè 2006, sau khi được bầu chọn Thủ môn xuất sắc nhất của giải hạng Ba, Joe Hart của tuổi 19 được đưa về Man City. Nhiều nguồn tin nói rằng vụ chuyển nhượng này trị giá 600.000 bảng, và có thể lên thành 1,5 triệu bảng tùy thuộc vào thành tích thi đấu. Nhưng theo tiết lộ mới đây của cựu Chủ tịch Man City, thương vụ Joe Hart tốn vỏn vẹn 100.000 bảng, tức bằng 1/2 lương tuần của những ngôi sao Yaya Toure, Sergio Aguero, David Silva hay Carlos Tevez hiện tại.
Để có một thủ môn như Joe Hart, Man City từng sẵn sàng chi ra 50 triệu bảng. Kỳ chuyển nhượng tháng 1/2009, khi giới tỷ phú Ả-rập mua lại câu lạc bộ được vài tháng, phái đoàn Man City từng vác vali sang Italia, quê hương của Mancini, để hỏi mua hai ngôi sao. Thứ nhất là Kaka của Milan, với giá 100 triệu bảng. Thứ hai là Gianluigi Buffon, với giá 50 triệu bảng. Cả hai thương vụ này đều không thành vì Kaka và Buffon không muốn "đánh bạc" ở đội bóng nhà giàu mới nổi. Khi nhìn lại, Man City cảm thấy mình đã gặp may. Với 100 triệu bảng, họ đã xây dựng được hàng tiền vệ gồm những cầu thủ tài năng hơn hẳn Kaka hiện tại. Và với 50 triệu bảng, họ mua đủ bộ tứ hậu vệ đá chính phía trước Joe Hart.
Joe Hart khởi nghiệp ở câu lạc bộ quê hương Shrewsbury Town- Ảnh Getty
Khi có tiền, bạn có thể đưa về những tiền đạo, tiền vệ hay hậu vệ xuất chúng. Nhưng rất khó để mua một thủ môn thi đấu thành công. Nhìn sang M.U là đủ biết, vẫn thất vọng với thủ môn có giá đắt nhất trong lịch sử Premier League là David De Gea. Vẫn có trường hợp ngoại lệ, như việc Juve chi 50 triệu euro mua Buffon hay gần nhất Bayern Munich đầu tư 22 triệu euro để đưa Manuel Neuer về sân Allainz Arene từ Schalke 04.
Nhưng về cơ bản, cần rất nhiều may mắn để sở hữu một thủ môn giỏi. Như trường hợp của Wojciech Szczesny, từ thủ môn số bốn leo lên thành thủ môn số một nhờ các "đàn anh" rủ nhau chấn thương. Như trường hợp của Van der Sar, đến M.U khi đã 35 tuổi, với giá vỏn vẹn 2 triệu bảng từ Fulham, mục đích ban đầu chỉ là "xài tạm" một hai mùa, nhưng cuối cùng lại tạo nên một thời kỳ huy hoàng trong lịch sử Quỷ đỏ. Nhưng chính M.U, sau khi chi 18 triệu bảng để mua David De Gea, vẫn không có được cảm giác yên tâm.
Số 1 châu Âu
Trở lại với trường hợp của Joe Hart, nếu Mancini thiếu chút quyết đoán thì anh đã sang hẳn Birmingham. Khi ấy, anh được định giá 6 triệu bảng và Birmingham sẵn sàng mua đứt. Họ hiểu được giá trị, tầm quan trọng của Joe Hart. Với Joe Hart, Birmingham đã trở thành hiện tượng của Premier League mùa 2009-2010, xếp thứ 9 trên bảng xếp hạng, lập kỷ lục 12 trận liên tiếp không thua. Riêng trận hòa Chelsea 0-0 vào tháng 12/2009, Joe Hart được nhiều tờ báo ca ngợi là "quyết đoán, chính xác, phản xạ tuyệt vời, cứu 3 bàn thua trông thấy và trên tất cả, không biết sợ là gì".
Joe Hart bắt xuất thần ở trận Manchester City gặp Dortmund- Ảnh Getty
Một chuyên gia từng tổng kết: "Với đội bóng yếu, thủ môn giỏi sẽ giúp bạn trụ hạng. Với một đội bóng mạnh, thủ môn giỏi sẽ mang đến chức vô địch". Điều này rất đúng với trường hợp của Birmingham bởi khi Joe Hart trở về Man City, họ lập tức xuống hạng. Và cũng đúng với Man City. Mùa đầu tiên Joe Hart bắt chính, Man City giành Cúp FA, giải tỏa cơn khát danh hiệu kéo dài 35 năm. Trên hành trình đến với vương miện ấy, Joe Hart đã chơi xuất thần trước M.U tại vòng bán kết, phản xạ nhạy bén để cản phá hai cú sút của Dimitar Berbatov. Cũng ở mùa 2010-2011, anh giành danh hiệu Đôi găng vàng vì giữ sạch lưới nhiều trận nhất ở Premier League (18). Mùa trước, Man City với Joe Hart đã giành chức vô địch quốc gia đầu tiên trong vòng 44 năm. Một ngày không xa, lịch sử Man City sẽ ghi rằng: "Nhờ những màn cứu thua thiên tài của Joe Hart, câu lạc bộ Manchester City đã chinh phục đỉnh cao Champions League".
Trong cuộc bình chọn mới đây của trang Goal.com, Joe Hart đoạt giải Thủ môn xuất sắc nhất châu Âu, đánh bại các đồng nghiệp xuất sắc như Iker Casillas của Real Madrid (Tây Ban Nha), Buffon của Juve (Italia), Manuel Neuer của Bayern Munich (Đức) và Petr Cech của Chelsea (Czech). Điểm chung của các thủ môn này: không biết sợ, lạnh lùng, quyết đoán, chính xác và có phản xạ tuyệt vời. Hart là người trẻ nhất trong số đó.
Sự thừa nhận của một trang web là chưa đủ. Hart muốn nhiều hơn thế, một sự công nhận chính thức và rộng rãi. Để làm được điều đó, Hart cần giành danh hiệu cấp châu lục chứ không chỉ gói gọn trong nội bộ Premier League. Trừ Victor Valdes ở Barca, thủ môn của nhà vô địch Champions League, EURO hoặc World Cup được xem là thủ môn xuất sắc nhất châu Âu cũng như thế giới. Cái thiếu duy nhất của Joe Hart là những danh hiệu ấy.
Thủ lĩnh "Tam sư"?
Bài toán đầu tiên của bất kỳ huấn luyện viên đội tuyển Anh nào: Chiếc băng đội trưởng sẽ thuộc về ai? Nói chính xác hơn, trên thế giới, không đội tuyển quốc gia nào tranh cãi nhiều và hứng chịu hậu quả lớn lao vì chiếc băng đội trưởng như tuyển Anh. Đã có thời, băng đội trưởng là cuộc chiến giữa David Beckham và John Terry. Huấn luyện viên Fabio Capello từng khốn khổ và mất việc vì vấn đề này. Huấn luyện viên hiện tại, Roy Hodgson, vẫn chưa giải quyết rốt ráo, dứt điểm.
Thần tượng... Peter Schmeichel Joe Hart thổ lộ rằng anh rất thích David Seaman, thủ môn khoác áo số 1 của tuyển Anh trước đây, và thần tượng Peter Schmeichel. Giữa Peter Schmeichel và Joe Hart có hai điểm chung: phản xạ tuyệt vời và đáng sợ trong tình huống một đối một với tiền đạo đối phương. Điều này thể hiện rất rõ ở trận Man City hòa Dortmund 1-1 tại vòng bảng Champions League vừa qua. Trong một đêm xuất thần, Joe Hart đã chiến thắng trong tám tình huống đối mặt với cầu thủ tấn công bên phía Dortmund. |
Joe Hart (sau, ngoài cùng bên trái) ở đội cricket U13 Suýt chọn cricket Thời niên thiếu, Joe Hart thường chơi ba môn thể thao: bóng đá, rugby và cricket. Khi lựa chọn, Joe loại bỏ rugby đầu tiên vì lý do bố của anh, Charles Hart, thích chơi môn này. "Sự khác biệt bố - con tồn tại ở rất nhiều gia đình. Bởi vì tôi đã chơi rugby nên nó không thích chọn môn này", ông Charles cho biết. Khác với nhiều cậu bé khác, ngay từ nhỏ Hart không thích đá tiền đạo, tiền vệ mà khoái làm thủ môn. Anh cũng rất thích môn cricket, và chơi rất giỏi ở trường học. Anh từng là thành viên của đội U13 cricket Shrewsbury. Năm 2003, ở tuổi 16, Hart từng từ chối lời đề nghị đi theo cricket chuyên nghiệp, gia nhập đội bóng đá trẻ Shrewsbury Town. Ba năm sau, Man City mua anh về, với giá 100.000 bảng. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất