Đốt tiền nuôi bóng đá

11/11/2010 13:04 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Chi phí cho bóng đá quá lớn trong khi chưa có CLB nào có lãi khi đầu tư nuôi đội bóng, thật nguy hại khi bóng đá chuyên nghiệp sắp bước sang tuổi thứ 11 nhưng câu hỏi: Bao giờ các CLB ta mới thu lời từ bóng đá, vẫn chưa ai giải đáp được.

“Tôi nói điều này có thể động chạm đến nhiều người đang làm bóng đá. Đó là sự lãng phí rất lớn từ thị trường bóng đá đang biến dạng bởi một cuộc đua tiền không lành mạnh trong khi đời sống xã hội còn rất rất nhiều khó khăn. Tôi đi các nước, ngồi với nhiều nhà làm bóng đá và xót khi họ hỏi bình quân thu nhập của người dân Việt Nam, sau đó họ hỏi sang tiền chi cho các CLB, cho mua cầu thủ, cho lót tay… Nghe xong, họ nhíu mày và không tin được chúng ta đang làm bóng đá kiểu gì. Tiền làm ra từ mồ hôi và nước mắt chứ đâu phải rác mà cứ vung vít bừa bãi, trong khi xã hội còn nhiều người nghèo khổ, chỉ vài trăm ngàn đồng một tháng lương mà có khi vẫn bị thất nghiệp. Bóng đá ta giờ có nhiều người nướng tiền kiểu đấy và tôi không biết sẽ nướng đến bao giờ”. Đấy là lời của ông Võ Quốc Thắng, một trong những người đi tiên phong xu hướng doanh nghiệp hóa bóng đá. Ông Thắng bây giờ kiên quyết nói không trong cuộc chạy đua tiền nhằm đạt thành tích nhất thời trong bóng đá.


Các cầu thủ ngoại đã làm tiêu tốn 50% chi phí của một đội bóng

Tương tự là bầu Đức của HA.GL. Nên nhớ, ông chủ giàu có này năm 2010 cũng đổ ra 100 tỷ đồng cho bóng đá. Có điều, số tiền đó ông tập trung vào nuôi hai lứa cầu thủ trẻ của Học viện bóng đá HA.GL - Arsenal JMG, và sửa sang SVĐ Pleiku. Mới đây bầu Đức còn nói thẳng ông khoanh tay chờ xem các đại gia hiện thời sẽ đủ năng lực tài chính để nuôi bóng đá với tốc độ như thế không. Bầu Kiên của HN.ACB cũng được biết đến là người hết sức tiết kiệm tiền cho đội bóng.

Theo thống kê của VFF, ở mùa bóng 2010, tổng chi phí của các đội bóng dự V-League và hạng Nhất QG là hơn 356 tỷ đồng. Trong đó, số tiền dùng để trả lương của cầu thủ là hơn 147 tỷ đồng, riêng cầu thủ ngoại thì chỉ chiếm ¼ số lượng cầu thủ đá chính nhưng lại chiếm tới 71 tỷ đồng. Đội bóng tiêu nhiều tiền nhất mùa giải 2010 là XM.HP với 50 tỷ đồng, còn V.Ninh Bình xếp nhì với 46 tỷ đồng, vị trí thứ 3 thuộc về B.Bình Dương với 40,7 tỷ đồng.

Chắc chắn, con số đó chưa chính xác bởi chỉ riêng mùa giải 2009, bầu Hiển đã phải đổ tương đương 100 tỷ đồng cho HN.T&T và SHB.ĐN hoạt động.

Bóng đá thời bao cấp nhiệm vụ chính trị rất rõ ràng. Bóng đá chuyên nghiệp ngoài vai trò trên, thì sinh lãi là cái đích lớn nhất. Do đó, với tiền bạc các doanh nghiệp đổ nhiều như thế vào thể thao vua mà chỉ vài người thành công (về mặt thành tích), chẳng lạ gì khi dư luận nghi ngờ về động cơ của các ông chủ, nhất là khi đạt được mục đích về thành tích. Nguyên tắc cơ bản nhất của một nhà kinh doanh là không có lời thì chẳng dại đầu tư một cách lâu dài.


Một nền bóng đá phát triển bền vững cần phải có cái gốc vững, trong đó sự phát triển lành mạnh và tích cực của các CLB. Cuôc đua tiền vô tội vạ hiện nay của một số đại gia đang khiến cho sự phân hóa “giàu nghèo” quá sâu sắc trong bức tranh bóng đá nội địa nói chung. Sự bất ổn về nội tình đang góp phần làm náo loạn hoạt động bóng đá chuyên nghiệp.


Tiếc rằng đã qua 10 năm lên chuyên, VFF vẫn không kiểm soát được, hay có liệu pháp để nắn sự phát triển của nền bóng đá đúng dòng chảy chuyên nghiệp.


Thực sự bóng đá ta có đáng để phải đầu tư nhiều tiền của như thế không, trong khi hoạt động này lại không sinh lãi?


NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm