Dòng sông trước nhà tôi, giờ đâu?

30/07/2022 15:56 GMT+7 | Văn hoá

Dòng sông ấy nhỏ lắm. Nhỏ, nhưng nó vẫn là dòng sông. Nó chảy qua trước nhà tôi ở quê. Nó gắn bó với tôi từ thuở tôi mới chào đời.

100 năm Ngày sinh nhà thơ Tế Hanh (20/6/1921-2021): Dòng sông thơ vẫn không ngừng chảy trôi

100 năm Ngày sinh nhà thơ Tế Hanh (20/6/1921-2021): Dòng sông thơ vẫn không ngừng chảy trôi

Trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại, Tế Hanh là một trong những cây bút tiêu biểu, cùng với Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu "góp vào và tạo nên những đỉnh cao trong ngũ hành thơ ca”.

Sinh trước tôi, và chỉ sau hòa bình mấy năm, đã mất trước tôi. Dòng sông ấy, giờ đâu?

1. Bây giờ, thử hỏi một người Việt khi đã già, đã từng chu du khắp nơi khắp chốn, rằng anh (hay chị) ấy nhớ gì nhất ở cái làng quê nhỏ bé nơi mình chào đời? Tôi tin, nhiều người sẽ nói mình nhớ dòng sông nhất, nếu làng mình có con sông chảy qua. Sông ấy nhỏ hay lớn không quan trọng, miễn là nó có trước mình, và nếu mình từng bơi lội trong lòng nước của nó, thì sẽ không bao giờ quên.

Sinh ra tôi đã có dòng sông nhỏ trước nhà rồi. Sau khi tôi chào đời ở bệnh viện thị xã Quảng Ngãi được 7 ngày, thì má con tôi được lênh đênh trên một con đò dọc, khởi hành từ bến Tam Thương (sông Trà) và đi về sông Vệ, rồi từ đó chuyển dần tới sông Thoa - nơi có nhánh sông trước nhà tôi. Con đò dọc thoải mái đưa má con tôi về tới trước cổng nhà luôn. Mới chào đời đã được lêu bêu trên sông nước, hỏi làm sao khi mới 6 tuổi tôi đã biết bơi rồi, và bơi khá giỏi. Cha tôi nói: Ở gần sông thì tập bơi cho trẻ con là cách tốt nhất để trẻ con tự bảo vệ mình. Suy nghĩ tích cực ấy còn đúng cho tới bây giờ, nhất là cứ mỗi mùa nắng hạ nóng nung về thì tình trạng đuối nước xảy ra liên tục trong cả nước. Khi chưa có khả năng cứu được ai, thì biết bơi là cách tốt nhất để trẻ con tự cứu mình.

Chú thích ảnh
Thanh Thảo hồi 11 tuổi tại Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc (1957)

Năm tôi 6 tuổi, ở nhà chỉ có hai má con, cha tôi đi kháng chiến, nhưng má tôi rất yên tâm khi tôi hàng ngày vẫn cùng bạn bè bơi lội trên sông như nhà thơ Tế Hanh đã tả đầy cảm giác trong bài thơ bất tử Nhớ con sông quê hương:

Tôi giơ tay ôm nước vào lòng

Sông mở nước ôm tôi vào dạ

Với một đứa trẻ con, tình yêu quê hương bắt đầu từ tình yêu sông nước giản dị mà mát mẻ như vậy. Con sông Trà Bồng của nhà thơ Tế Hanh quá lớn so với con sông Thoa trước nhà tôi, nhưng với tuổi thơ, sông nào gần nhất với mình là con sông thân yêu nhất.

Ngày kháng chiến chống Pháp, trên những con sông lớn chảy qua Quảng Ngãi chỉ có những bờ xe nước tự động quay, lấy nước tưới ruộng vườn. Sông Thoa của tôi nhỏ, không có bờ xe nước, nhưng mỗi mùa lũ lụt nước vẫn ào ạt đổ về, má tôi lại đứng trước bến nhỏ trước nhà để vớt củi, còn tôi chờ các bác hàng xóm kéo vó kéo nhá được cá nhỏ cùng tép riu để má tôi mua một vài chén, về kho rim cho tôi ăn cơm.

Sông Thoa không hoành tráng, nhưng quá dễ thương. Ngày ấy, nước sông rất trong xanh, đám trẻ chúng tôi thường bơi qua bơi lại hai bờ sông, coi như một trò chơi hấp dẫn.

Nhớ có lần, chuyện này tôi nhớ tới bây giờ, khi tôi bơi qua sông sang nhà cô Hai tôi chơi, lúc về, cô nói con mang rổ bắp tươi này về, má con nấu lên ăn với nhau.

Bắp đầu mùa ngọt lắm. Tôi hớn hở mang rổ bắp khá nặng, vì lúc đó tôi mới lên 7 tuổi. Ra bờ sông, tôi tự tin đội rổ bắp lên đầu, lội xuống sông và bơi đứng, đó là cách bơi hợp lý nhất, theo tôi. Ngờ đâu, khi ra tới giữa sông, nước sông ngấm vào rổ bắp, rổ bắp chìm dần, dìm đầu tôi xuống lòng sông. Tôi cố vẫy vùng, nhưng không thoát. Làm sao? Lúc bấy giờ, chỉ còn một cách, đơn giản nhất mà hợp lý nhất: Tôi hất rổ bắp khỏi đầu mình, và nhẹ nhõm bơi về nhà, kêu má tôi cùng bà con ra sông vớt bắp. Tới bây giờ, tôi vẫn tự hào về quyết định sáng suốt ấy của mình, chứ nếu cứ bám rổ bắp trên đầu, tôi chắc chết đuối luôn.

2. Tôi cũng không thể ngờ, nhờ biết bơi từ nhỏ, nhờ sông Thoa tận tình nâng đỡ khiến mình có kỹ năng bơi, nên khi lớn lên, vào bộ đội rồi đi chiến trường Nam Bộ, nơi sông lớn cùng kênh rạch chằng chịt, tôi chẳng bao giờ lo ngại. Mình bơi tốt mà. Khi vượt qua Đồng Tháp Mười xuống chiến trường Mỹ Tho, suốt một tháng rưỡi tôi và đoàn công tác của mình đã vượt qua không biết bao nhiêu con sông, con kênh lớn, những con rạch nước sâu, và cả đồng Tháp Mười mùa nước nổi mênh mang những nước là nước, chúng tôi đều vượt qua yên ổn, an toàn.

Chú thích ảnh
“Trường ca chân đất” của Thanh Thảo đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012

Và bất ngờ nhất là khi trở lại chiến khu, thì cơ quan tôi đã dời về đóng căn cứ ở cánh rừng già sát bờ sông Vàm Cỏ Đông. Ngày ấy, sông Vàm Cỏ Đông đã rất nổi tiếng qua ca khúc Vàm Cỏ Đông, lời thơ của nhà thơ Hoài Vũ, đồng hương Mộ Đức, Quảng Ngãi với tôi, và âm nhạc của nhạc sĩ Trương Quang Lục cũng là người quê Quảng Ngãi, bấy giờ đang sống ở miền Bắc. Bây giờ, tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao nhà thơ Hoài Vũ, một người từng nổi tiếng về thơ ở chiến trường Nam Bộ ngày đánh Mỹ, sau hòa bình ông vẫn làm thơ và là một trong những nhà thơ được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc, với nhiều ca khúc “đi cùng năm tháng”, vẫn chưa được các Hội đồng xét giải thưởng văn học để mắt tới, dù ông đã ngoài 85 tuổi rồi.

Với tôi, con sông Vàm Cỏ Đông, nơi tôi được sống bên cạnh nó hai năm cuối cuộc chiến, là dòng sông quá thân thiết với tuổi thanh xuân của tôi.

3. Từ nhánh sông Thoa nhỏ bé trước nhà, tôi đã lớn lên để đi tới sông Vàm Cỏ Đông thời kháng chiến, trước khi rời sông Vàm Cỏ Đông về gặp sông Sài Gòn. Nhưng dù tôi đã qua, đã gặp bao nhiêu dòng sông lớn, thì trong tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh dòng sông nhỏ chảy trước nhà mình. Dòng sông là đường đi của nước.

Bây giờ nhánh sông Thoa ấy (không phải con sông Thoa lớn chảy qua Đức Phổ) đã không còn, nhưng tôi vẫn như thấy đường nước đi, nhất là trong những cơn mưa ám ảnh nơi đã từng là dòng sông. Những chân mưa lúc khoan hòa bình thản lúc vội vàng vấp váp. Khi tôi viết Trường ca chân đất, bản trường ca tôi kính dâng lên quê hương Quảng Ngãi của tôi, thì đường đi của nước lại hiện về qua những bước chân mưa:

“có những ngày mưa rất buồn

mưa đi luôn

rồi mưa trở lại

những dấu chân mưa bờ tre phấp phỏng

bong bóng phập phồng

tôi ngồi nhìn mẹ tôi xay lúa

tôi không biết và tôi không nghĩ

đời mình như chiếc cối xay tre

có ngày quay trở lại

tôi chỉ nhớ bát ngô rang giã lớ

trộn chút đường đen

thơm cả chiều mẹ cho tôi ăn

mưa

đầm đìa tong tả

mướt xanh tàu lá chuối

mờ mặt sông

bác Năm Trì thả lờ kéo nhá

mẹ tôi mua một bát lòng tong

kho nghệ

ngôi nhà tranh chỉ có hai mẹ con

mưa thì thầm ngoài cửa

thằn lằn chắc lưỡi

mưa giống bác Năm Trì khoác áo tơi

chân người chân mưa va vấp nhau

tất tả

60 năm còn lại gì

vẫn tiếng chân mưa đi

ngoài cửa sổ

thằng Bờm có cái quạt mo

thì tôi có cả tuổi thơ của mình

bao giờ thoang thoảng hoa cau

mặc lòng cua máy cáy đào tự nhiên

đời như chiếc cối xay tre

quay quay quay mãi

lại về

tuổi thơ

60 năm còn lại gì

vẫn tiếng chân mưa đi

ngoài cửa sổ”

(Chân mưa - Trường ca chân đất, Thanh Thảo)

“Tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao nhà thơ Hoài Vũ, một người từng nổi tiếng về thơ ở chiến trường Nam Bộ ngày đánh Mỹ, sau hòa bình ông vẫn làm thơ và là một trong những nhà thơ được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc, với nhiều ca khúc “đi cùng năm tháng”, vẫn chưa được các Hội đồng xét giải thưởng văn học để mắt tới, dù ông đã ngoài 85 tuổi rồi” (Nhà thơ Thanh Thảo).

Nhà thơ Thanh Thảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm