Một cảm giác về Sa Huỳnh - Kỳ 3: Những chiếc đèn dầu

16/12/2012 13:19 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Trong các di chỉ Sa Huỳnh người ta tìm thấy được rất nhiều những đèn dầu bằng gốm. Đây có lẽ là những đèn dầu cổ xưa nhất trên đất Việt Nam, ít nhất có từ 3.000 ngàn năm trước.

1. Những chiếc đèn dầu này cao chừng 20 - 22 phân, có dạng hình ống loe ở hai đầu. Đầu dưới là chân, đầu trên là đĩa đèn loe rộng hơn, thân rỗng, để đựng dầu. Chắc khi thắp đèn người ta nối bấc dầu từ thân đèn ra đĩa đèn và thắp sáng. Thân giữa của ống dầu thắt lại tiện cho việc cầm đèn trong sinh hoạt.

Thật ra, những chiếc đèn bằng đồng đã được tìm thấy trong nền văn hóa Đông Sơn, tiêu biểu là tượng người quỳ làm chân đèn Lạch Trường. Nhưng đó lại là chân đèn nến, dưới dạng một người nô lệ quỳ, có những chỗ cắm nến trên lưng. Cái chân đèn này có lẽ để thắp sáng cho vong linh của người dưới mộ, giống như một dạng thần giữ của khi văn hóa Đông Sơn tiếp xúc với văn hóa Hán.

Trong văn hóa Hán có nhiều loại chân đèn đặt trong hầm mộ như vậy. Chúng thuộc về một xã hội đã phát triển, có nhà nước, đã phân chia giai cấp, có tín ngưỡng sâu sắc về thế giới bên kia thể hiện qua việc chôn đồ tùy táng theo các hầm mộ. Dạng người quỳ - nô lệ sau cũng thấy nhiều trong các tượng ở đình và lăng mộ phong kiến Đàng Ngoài.

2. Những chiếc đèn Sa Huỳnh có lẽ không thuộc loại đèn thắp cho vong linh như vậy, dù chúng có thể là vật chôn theo người chết. Chúng là vật dụng trong sinh hoạt ngày thường của người Sa Huỳnh, về hình thức của chúng nói lên điều ấy.

Nó giống hệt như một đồ vật trong nhà, hàng ngày ta vẫn dùng, những chiếc đèn đem xuống bếp nhóm lửa khi chiều tối, đem lên bàn đọc sách, hoặc ăn cơm xong đem ra thắp sáng ngoài hiên ngồi pha trà. Chúng có thể để lên bàn, để lên giá đèn trên cột nhà, đặt trên thuyền đi câu. Chúng được thiết kế rất nặng và vững chãi.

Những chiếc đèn như thế cho thấy người Sa Huỳnh có một đời sống gia đình phát triển thường nhật và an lành, rằng chúng sinh ra trong một đời sống khá yên bình, đều đặn theo mùa của tháng năm. Chiếc đèn cho thấy chủ nhân của chúng là những người đàn ông đàn bà đằm tính, thong thả, nhưng mạnh mẽ quyết đoán, và cuộc sống của họ không chỉ có hòa bình mà tất yếu có cả xung đột bộ lạc hay dòng tộc nhất định.

3. Giữ lửa là truyền thống nguyên thủy của nhiều sắc tộc, ngay cả trong thời phong kiến không phải bao giờ lửa cũng được làm ra dễ dàng.

Người nông dân Việt (Kinh) cũng có chiếc đèn dầu lạc, hoặc bằng sắt, hoặc chỉ là một đĩa gốm, nhưng bầu đựng dầu, không cái nào lớn như đèn Sa Huỳnh. Người nông dân buổi tối trước khi đi ngủ cho cục than hồng vào đĩa con giấm và giữ lửa cho đến sáng để nấu ăn, khi ra đồng thì làm một cái bùi nhùi bằng rơm mang theo lửa, sưởi ấm, hút thuốc lào, đốt rạ…

Màn đêm buông xuống, đời sống nông nghiệp cổ tối tăm, nếu không có trăng sao, thì dường như không có chút ánh sáng nào. Ngọn đèn là ánh sáng của con người khi từ hang động ra đồng bằng, nói lên rằng họ đã bước vào thời văn minh, ra khỏi bóng tối vĩnh viễn của thời hoang dại.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm