06/12/2013 15:16 GMT+7 | Văn hoá
Lê Thiết Cương, ông chủ của Gallery39 không nói nhiều về phần của anh trong Ghép. Trong câu chuyện của mình, có cảm giác như anh để cảm xúc buông trào khi nói về người bạn đồng hành. Nữ họa sĩ duy nhất cho đến nay trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Cương đứng chung một triển lãm, họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên.
Chợ tình - tranh Hoàng Thị Phương Liên - chất liệu xé giấy |
Cương nói về xé giấy, về họa sĩ Phương Liên như là, Ghép chỉ có thế, như không có mảng mosaic của anh. Sự phấn khích ấy của Cương cũng dễ hiểu, khi nhìn vào những bức tranh xé giấy của nữ họa sĩ Phương Liên. Phương Liên học chuyên ngành đồ họa, Đại học Mỹ thuật công nghiệp (khóa 1978-1984), và chị đã chọn cho mình một lối đi duy nhất suốt hơn 20 năm nay: xé giấy. Bảng màu tươi rói của giấy màu thủ công qua bàn tay khéo léo và nhãn quan đầy mẫn cảm của chị đã có một cuộc sống hoàn toàn mới, đầy ý nghĩa và giá trị khác hẳn ý nghĩa thường nhật. Những mẩu giấy được xé vụn tưởng như chỉ bỏ đi bỗng biến ảo như một góc kính vạn hoa và cấu thành những bức tranh đa sắc. Điều đáng nói là những gam màu tươi vui đó đã dắt người xem về lại tuổi thơ, của thời xé giấy, vẽ màu lem nhem, sống lại với những giá trị truyền thống tinh túy của nền văn minh lúa nước đã quá xa xôi, đã là ký ức, đã mai một đi và chừng như đã quên lãng... Đó là những cảnh chợ quê, những phiên chợ miền núi, là đồng quê mùa màng, là cây trái, bông lúa, hoa lá... của đất Việt đã vào tranh y như nó ở ngoài đời, sống động đến cảm nhận được cả thanh âm, thấm đẫm hồn dân tộc trong mỗi gam sắc. Ngay cả những bức tĩnh vật, chân dung... cũng như chuyển động với một nội lực mãnh liệt của sự sống như là, nó được người họa sĩ gửi hồn, gửi tâm tư và cả sức sống của mình vào...
Ngắm sen - tranh Lê Thiết Cương - chất liệu gốm mosaic |
Ghép (từ ngày 7/12 đến 24/12/2013 tại Gallery39, 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội) trưng bày khoảng 15 bức tranh xé giấy của họa sĩ Hoàng Thị Phương Liên và 15 bức gốm mosaic của họa sĩ Lê Thiết Cương. Sau khi kết thúc tại Hà Nội, triển lãm sẽ trưng bày tại Lý Club, 143 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM vào trung tuần tháng 2/2014.
Sê-ri tranh đồng dao được Cương dùng thể hiện cho những sáng tác của mình lần này. Rất ít chi tiết, rất nhiều khoảng trống, màu chọi màu chan chát. Tôi vốn thích tranh Cương của thời những năm 2000 trở về trước, màu của Cương khi đó lạ đến mê hoặc, ma mị với những gam trầm, nhạt. Đột nhiên, Cương chuyển sang màu mạnh. Xanh - đỏ - cam - tím - đen... trong tác phẩm của anh đều mạnh đến tận cùng của màu, dù nó được dùng theo cách tương phản hay nương, hòa quyện nhau. Ở Ghép, dù đặc điểm của gốm mosaic là không có nhiều màu và chỉ thiên về màu cơ bản, Cương vẫn chọn sự tương phản để thể hiện. Anh khai thác tối đa cái mạnh của màu mosaic để đặt nó vào một không gian đầy thi ca. Mosaic của Cương, mỗi chi tiết, mỗi sự giao hòa của màu sắc đều tinh tế và đầy nhục cảm. Để mà, trong một bố cục mềm mại, từng nét vẽ uyển chuyển như một sự ve vuốt rất đỗi nhẹ nhàng khiến người ta có thể cảm thấy và rung lên theo chiều lướt của bàn tay họa sĩ...
Ghép vào, mà lại đối lập như hai “cực”. Nếu như tranh xé giấy của Phương Liên là một sự pha trộn dày đặc của bảng màu thì tranh gốm mosaic của Cương - vẫn tối giản theo phong cách của anh, chỉ thiên về màu cơ bản, rất ít màu. Nếu như xé giấy là sự dán ghép từng mảnh nhỏ, vui mắt thì tranh gốm mosaic là những lát cắt rõ ràng, dứt khoát, phóng khoáng… Có nhiều đối lập vậy, nhưng Ghép lại là sự hòa đồng của ngôn ngữ hội họa đồ họa, của sự “chơi” và đam mê với chất liệu, với màu sắc và một tình yêu bền bỉ với các giá trị truyền thống.
Và, Ghép, đơn giản chỉ là ghép thôi. Như họa sĩ Trịnh Tú nhận xét, Cương đã ghép thêm một mảnh (mosaic) và chân dung mình. Như sự ghép của giấy xé và gốm mosaic, như sự ghép của của những phần hội họa khác nhau cùng tạo nên một diện mạo hoàn thiện cho nền mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất