“Đòn” B-52 đã bị “bắt bài” từ trước

29/11/2012 14:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học cấp Nhà nước “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam”.

Những tham luận trình bày tại Hội thảo của các nhà sử học, tướng lĩnh, các vị lão thành cách mạng đã đề cập toàn diện về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, đòn quyết định đối với nỗ lực quân sự cuối cùng của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội.

1. Bác Hồ đã dự báo, trước khi Mỹ thua thế nào Mỹ cũng tàn phá Hà Nội, ngay từ cuộc tiến công và nổi dậy năm 1968, Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện kế hoạch tác chiến chống Mỹ tập kích bằng B-52 vào thủ đô.

Từ năm 1966, bộ đội tên lửa phòng không đã vào tuyến lửa Vĩnh Linh để phục kích đánh B-52, đúc rút kinh nghiệm xây dựng cẩm nang huấn luyện cách đánh cho toàn quân.

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh Vũ Hải Hạ

Bản dự thảo cách đánh B-52 đầu tiên được Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu hoàn thành tháng 1/1969. Đầu tháng 9/1972, kế hoạch chiến dịch phòng không đánh B-52 đã hoàn tất và đã được phê chuẩn tháng 11 năm 1972. Chúng ta đã giữ thế chủ động trong tác chiến phòng không để bảo vệ Hà Nội cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, không để bất ngờ. Khi Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, một thế trận chiến dịch phòng không hoàn chỉnh và vững chắc nhanh chóng được thiết lập, với 30 trận địa tên lửa trên 100 trận địa cao xạ các loại và có rất nhiều vũ khí triển khai chiến đấu khác chưa có địa danh trên bản đồ.

Đọc thêm: 40 năm chiến thắng "Điện biên phủ trên không"

- Chuyện ông "cứu sập"

- Tiếng vọng "Đồng bào chú ý"

- Hà Nội bình tĩnh lạ lùng

2. Thế giới đều biết rằng, B-52 của Mỹ là phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, có uy lực tàn phá và sát thương rất lớn, trong khi các vũ khí phòng không có trong trang bị của ta còn nhiều hạn chế. Mỹ hy vọng đòn đánh này sẽ làm cho Hà Nội suy yếu.

Gần 100% số máy bay B-52 của Mỹ ở Đông Nam Á, 50% B-52 của nước Mỹ được huy động trong cuộc tập kích chiến lược này đã nhanh chóng phải chịu thất bại thảm hại. Một cuộc đấu trí, đấu lực đỉnh cao trên mọi phương diện, một cuộc chiến tranh của toàn dân, một thế trận phòng không thiên la địa võng được thiết lập, với lực lượng phòng không ba thứ quân, với những vũ khí đan xen phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên lưới lửa nhiều tầng, nhiều lớp.

25 trên tổng số 34 pháo đài bay B-52 và hàng chục “thần sấm con ma” khác của Không lực Hoa Kỳ bị bắn rơi trên bầu trời Thủ đô trong 12 ngày đêm.

Với việc chúng ta bảo vệ được thủ đô, bảo vệ được mục tiêu chiến lược đã buộc Mỹ phải ngồi vào ban đàm phán ký Hiệp định Paris, thực sự đã minh chứng hùng hồn thành công lớn của chiến dịch phòng không Hà Nội cuối tháng 12/1972. 

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, sự lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời, chính xác và linh hoạt, khẩn trương và kiên quyết thực sự là căn nguyên, là hiện thân của sức mạnh và trí tuệ của Việt Nam để quân và dân ta làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vang động khắp năm châu bốn biển, đập tan những nỗ lực quân sự cuối cùng của Mỹ, buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris.

Nguyễn Thành Trung
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm