U23 Việt Nam hôm nay lên đường đi Lào: Hẹn ngày 17 mới về!

28/11/2009 08:48 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Thành Lương ghi bàn và rút ra chiếc lá cờ nhỏ giấu trong ống quyển ở AFF Cup để ăn mừng. Một hình ảnh biểu trưng cho sức mạnh tinh thần, màu cờ sắc áo. Tiến Thành ở VFF Cup với cú sút tung lưới U23 Trung Quốc, Thành cũng rút ra lá cờ nhỏ ở ống quyển, hân hoan phất cao nó.

Khi bóng chưa lăn, trận đấu giữa U23 VN với đối thủ Thái Lan còn 4 ngày mới khởi tranh, nhưng ngay từ lúc này, có thể khẳng định tinh thần sẽ là một ưu điểm. Ưu điểm này chỉ cần không “biến tướng”, không trở thành sức ì (vì trong thể thao, hưng phấn thái quá cũng nguy hại, nhiệt mà không có sự lạnh lùng cũng dễ sai sót), chúng ta có thể tin rằng vài điểm yếu nào đó sẽ được bù đắp.

Nụ cười của U23 dự báo về một kết cục tốt đẹp ở Lào - Ảnh:VSI

Nó là sự khác biệt so với ĐTVN 1 năm trước. Khi nhập cuộc, bản thân các cầu thủ cũng không có niềm tin ở chính họ. Ông Calisto cũng bắt đầu suy nghĩ về viễn cảnh ông sẽ bị sa thải ngay khi ĐTVN kết thúc vòng bảng. Sức mạnh tinh thần, sự tự tin khi ấy chỉ được thể hiện từ vòng bán kết.

Nhưng ở các giải đấu, chờ tới khi bán kết mới “sung” nhiều khi sẽ muộn. Cuộc chơi không chờ ai cả. Nói ngắn gọn: tinh thần sẵn sàng, thậm chí hơn 100%.

Các tuyển thủ U23 hay nói rằng, trong vô số các trận đấu cuối tuần trên truyền hình, họ thường xem Barcelona và coi nó như một buổi tập, người thị phạm là các ngôi sao hàng đầu thế giới.

Điểm mấu chốt trong cách chơi của U23 có điều gì đó giống với nguyên tắc chơi bóng của đội bóng được coi là số 1 về tiqui-taca (kỹ thuật, bóng sệt, chuyền nhanh). Để giúp nó thành công, tỉ lệ chuyền bóng qua chân các vị trí phải chính xác. Vì chuyền bóng cũng là để “câu giờ” khi đã dẫn trước, vì chuyền bóng cũng là để tìm cách tiếp cận khung thành đối phương khi tấn công và cần ghi bàn.

Ở trận đấu với Chunnam Dragons, trong khoảng chục lần lên bóng tấn công hoặc chuyền bóng chiến thuật để giữ an toàn, các cầu thủ U23 VN chỉ thực hiện tối đa 4-5 đường chuyền rồi mất bóng. Đó là khi Chunnam còn chưa quyết liệt, không pressing.

Ở VFF Cup, tỉ lệ đó hầu như không thay đổi: đá với Singapore, số đường chuyền trung bình trong một lần kiểm soát bóng của các cầu thủ là 5-6. Nhưng đá với U23 Trung Quốc thì tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 4. Và đá với U23 Thái lại chỉ còn 3.

Có kết luận sơ bộ: trong những trận đấu mà đối phương không pressing khắp mặt sân, không có kỹ thuật tương đồng hay nhỉnh hơn, U23 VN có thể thi triển “lối chơi Việt Nam” tương đối thuần thục. Ở mức cao hơn và hoàn chỉnh, tỉ lệ đường chuyền sau một pha phối hợp phải lên tới 7-8. Nhưng, với các đối thủ khó chơi, U23 VN có vấn đề không nhỏ-chính điều này khiến cho U23 Thái Lan đá không hết sức mà vẫn làm chủ thế trận ở VFF Cup trước chủ nhà.

Từ kết luận sơ bộ này dẫn tới một nhận định, rằng sự hoàn thiện về mặt chuyên môn của U23 chưa thực sự chín, nếu coi VFF Cup vừa rồi là điểm mốc, để làm chủ các trận đấu với thế trận tấn công. Từ VFF Cup cho tới nay là 3 tuần. Quãng thời gian ấy không ngắn, nhưng chúng ta lại không có cơ hội để kiểm định sự nâng cấp của các cầu thủ.

Tuy nhiên, U23 VN lại được bù đắp ở một khía cạnh khác, tốc độ của các đường chuyền khi chủ động phản công. Bàn thắng của Trọng Hoàng vào lưới U23 Trung Quốc ấn định tỉ số 3-1 là mẫu mực. Chỉ với 3 đường chuyền kể từ hàng phòng ngự, Trọng Hoàng đã có bóng để tiếp cận khung thành đối phương và ghi bàn.

Cũng có thể chờ đợi một sự trưởng thành ngay ở SEA Games, như ĐTVN đã đạt được tại AFF Cup (chơi với 2 bộ mặt khác nhau). Điều này có thể căn cứ vào điểm rơi phong độ mà HLV chuẩn bị cũng như các liệu pháp tâm lý, bên cạnh sự hưng phấn các cầu thủ có được sau các kết quả (nếu là thuận lợi).

Thành thử, bảo U23 VN đã sẵn sàng cũng không phải là điều khiên cưỡng. Họ có thể đi tới hết ngày 17-12 (sau trận chung kết) mới về!

 Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm