Beppe Severgnini: “Yêu Inter là một cách luyện tập cho cuộc đời”

03/10/2011 11:35 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH)- Phi xe trên phố cùng với Beppe Severgnini luôn tạo ra những cảm giác rất lạ lùng. Rằng dường như tác giả của cuốn “Đầu óc người Ý” (đã được dịch ra tiếng Việt) và cũng là một trong những interista nổi tiếng nhất Italia đã sống ở Việt Nam từ rất lâu. Ông và vợ đèo nhau trên khu phố cổ Hà Nội với tốc độ và sự lắt léo khó tin trước tình trạng giao thông hỗn độn không khác gì người Hà Nội!

Nhìn Inter từ Hà Nội

Hà Nội có những nét giống Napoli ở giao thông và điều ấy giải thích tại sao những người Ý mới chỉ có mặt ở đây dăm ba ngày đã có thể “hiên ngang” phi xe trên phố, giống như anh bạn Riccardo đã sống tại nơi này hơn chục năm đã thể hiện “trình độ” lượn lách mà chỉ có thanh niên ít hơn anh cả hai chục tuổi mới làm được. Nhưng với Severgnini, Hà Nội không giống Napoli. Hà Nội là Hà Nội. Và vì ở Hà Nội, ông lướt chiếc Vespa nhẹ nhàng trên những con đường đầy nắng đầu tháng 10 của một buổi sáng sau cơn bão, vui vẻ ngắm nhìn cuộc sống đang chảy trôi một cách ồn ã bốn xung quanh.

Con người đã từng nhìn nước Ý một cách đầy hài hước mà ẩn chứa bên trong đó những điều hết sức sâu cay trong cuốn sách được xếp vào dạng best-seller ở Mỹ và được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới ấy nhìn Hà Nội bằng một con mắt khác. Thành phố này cũng có những con đường nhỏ và giao thông đôi khi nhức đầu như Napoli, nhưng lại gắn bó với ông theo cách đặc biệt hơn: 2 năm trước, Beppe Severgnini và vợ đã có mặt ở Hà Nội trong chuyến đi kỉ niệm 25 năm ngày cưới của họ. “Và tôi đã có những 4 ngày liên tục ngồi dạo phố bằng Vespa”, ông bảo. À, thảo nào…


Tác giả bài viết và nhà báo/nhà văn Beppe Severgnini (trái)- Ảnh Huy Khâm

Chúng tôi ngồi bên nhau ở Chả cá Lã Vọng, cuốn “Đầu óc người Ý” ở trên bàn, cái chảo cá sôi lục bục bên cạnh, và ngồi nói chuyện rông dài về Inter và bóng đá Italia. Giữa những lúc đặt đôi đũa mà Severgnini sử dụng một cách thành thạo như một giáo sư ẩm thực dù đây mới chỉ là lần thứ hai đến Việt Nam, là những quan điểm và triết lí của ông về bóng đá, về cuộc sống và con người Italia. Ông chưa kịp xem trận Inter thua Napoli đêm thứ bảy, vì lúc ấy ông vừa tới Hà Nội. Toàn bộ thông tin của trận đấu ông chỉ kịp đọc qua mạng để sau đó tuyên bố “trọng tài Rocchi đã phá hủy tất cả, khiến Inter thua trận”.

Nhưng ông không buồn và thất vọng. Bởi theo ông và hàng triệu triệu interista, những cảm giác ấy đã quá quen rồi. Trong cuốn “Interismi” viết sau ngày Inter mất Scudetto năm 2002, ông viết: “Inter là một cách để luyện tập cho cuộc sống này. Đấy là cách để điều khiển nỗi lo lắng, là một nỗi u sầu ngọt ngào”. Tại sao lại vậy, Beppe, những người không phải Inter, chẳng hạn như Milan và Juve, không thể hiểu nổi? Ông cười: “Yêu Inter là để yêu cuộc sống, để luôn biết cách có được sự cân bằng hợp lí giữa những thất bại và thắng lợi, để sao cho thất bại không quá buồn và thắng lợi không quá vui”. Với Severgnini, xem Inter đá cũng là cách để hiểu rằng, ở cuộc sống, điều gì cũng có thể xảy ra, vì nếu không xem Inter, làm sao biết được “sau một hiệp 1 đẹp đẽ hoàn toàn có thể diễn ra hiệp 2 khủng khiếp. Nhưng rồi chúng ta cũng sẽ có một hiệp 2 khác, một trận đấu khác và sau trận cuối cùng là một mùa giải khác. Chúng ta không thể mất tất cả được…Rồi giờ khắc của chúng ta cũng sẽ đến và lúc ấy mới tuyệt vời làm sao”.

“Chủ nghĩa Inter”

Severgnini gọi những gì ông vừa nói là “Interismo”, Chủ nghĩa Inter, thứ triết lí được đúc rút ra sau bao thất bại. Severgnini nhắc đến thảm họa mất Scudetto năm 2002 trên sân Lazio. Ông từng viết: “Chúng ta là một đội bóng tifosi-triết gia, vốn luôn tin rằng Gresko và Poborski (Gresko mắc sai lầm khiến Poborski ghi 2 bàn quyết định làm Inter mất Scudetto-A.N) là đại diện cho chính con người: họ có số phận, sự khó chịu, khả năng…Chúng ta không yêu thất bại. Chúng ta thích thắng, đương nhiên rồi. Nhưng chúng ta cũng biết thua. Một vụ tự sát đẹp đẽ còn hơn một vụ tự sát tồi”. Inter của Severgnini là thế.



Chủ nghĩa Inter từng nhanh chóng mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong giới nghệ sĩ mới, lớp trí thức tiến bộ và những người dân túy theo xu hướng tân cổ điển (radical chic), những người mới ngoi lên trong xã hội, dùng sự đối lập về bóng đá để thể hiện sự bất mãn với những trào lưu chính trị mới mẻ có tính phản động và coi những thất bại đau đớn, gây mất mát ầm ỹ ấy làm cảm hứng sáng tác là thế. Thế nên, Inter thua Napoli hay thua bất cứ ai nữa với ông không quan trọng nữa. Ông đã chứng kiến thảm họa 5/5/2002 và đã có mặt trong đêm Madrid để từ dưới đáy sâu lên đến tột đỉnh. Ông đã viết 4 cuốn sách mỏng về Inter (tất cả đều bán chạy, dĩ nhiên, vì các interista coi ông như Dalai Lama tinh thần của họ) và nói sẽ không viết thêm cuốn nào nữa, sau khi đã chứng kiến tất cả những gì xảy ra với Inter trong những năm qua.

Thế nên, ông cho rằng, sở dĩ các juventino không chịu nổi vụ Calciopoli vì trước đó họ chưa từng trải qua những khổ đau tương tự như Inter. Và giữa Inter với Juve luôn trào lên nỗi thù hận. “Tôi có mặt trong các trận derby Milano. Các milanista luôn chào tôi thân thiện. Nhưng tôi không thể nào đến xem Juve đá ở Torino. Ở đấy luôn tồn tại ý tưởng trả thù”. Calciopoli đã chia rẽ bóng đá Ý một cách khủng khiếp như thế, thậm chí làm bàn ăn của chúng tôi ở tận Việt Nam xa xôi cũng như sôi lên khi nhắc đến vụ scandal ấy, vì trong những người Ý thân quen ngồi ăn kia, cũng có vài interista và vài juventino. Một cuộc chiến tranh đã diễn ra trên nước Ý, và sắp diễn ra giữa chúng tôi? Có lẽ không. Vì cả hội sau đó lại lướt Vespa trên phố trong lòng đầy vui vẻ, khi dường như ai cũng hiểu rằng “chủ nghĩa Inter” là thứ cần phải học và trải nghiệm trong cả cuộc đời. Một người Inter cần phải học cách chấp nhận Milan và Juve cũng như ngược lại, vì trong con đường thành bại của mỗi đội, có triết lí của cuộc sống cho mỗi người. Severgnini muốn thế. Và ông đã thế.

Nhưng bây giờ dường như Inter đang trở lại con đường lụn bại, và tương lai không rõ màu gì, tại sao ông vẫn yêu Inter và những interista không thay đổi, thậm chí không hề nghi ngờ gì cả? Ông cười: “Có thể đổi vợ, đổi người tình, nhưng đội bóng thì không bao giờ có thể thay đổi. Nhất là khi đấy lại là Inter”

Anh Ngọc

anhngoc.ttvh@gmail.com

           


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm