04/01/2021 19:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2020 là một năm khó khăn đối với đời sống âm nhạc nước nhà bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng trong cái khó ấy, theo nhạc sĩ Hồng Kiên, âm nhạc đã “ló” những cái hay, cái đáng trân trọng nhờ sự sáng tạo, kiên cường của các đơn vị sản xuất cũng như của cá nhân, ê-kíp nghệ sĩ Việt.
“Đầu tiên tôi thấy là âm nhạc nước nhà trong năm qua cũng kiên cường như cách mà chúng ta chống chọi và chiến thắng dịch bệnh vậy” - nhạc sĩ Hồng Kiên mở đầu câu chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về bức tranh âm nhạc nước nhà năm 2020.
Âm nhạc năm 2020 - truyền cảm hứng
Anh nói tiếp:
- Năm vừa rồi vai trò của âm nhạc mang tính truyền cảm hứng hơn là mang tính giải trí. Khi âm nhạc gánh vác trách nhiệm truyền cảm hứng thì khi đó áp lực luôn đè nặng đối với nghệ sĩ, với những người sản xuất, nhưng họ vẫn kiên cường chiến đấu.
Chẳng hạn, chúng tôi đã thực hiện hòa nhạc Giai điệu Tổ quốc (VTV và Công ty Mỹ Thanh) vào tháng 8/2020 tại Nhà hát lớn mà không có khán giả, nhưng hơn 30 nhạc công cùng các nghệ sĩ vẫn cống hiến như có khán giả ở dưới. Đó là một chương trình, một khoảnh khắc, một trải nghiệm có thể nói là rất hiếm có.
Rất nhiều anh em nghệ sĩ đã rất lo lắng, nhưng rồi tất cả đã lạc quan, biến cái lo lắng, khó khăn ấy thành cơ hội để trau dồi thêm lý tưởng về âm nhạc và quan trọng hơn cả là để trả lời cho câu hỏi: Tại sao chúng ta phải đi tiếp? Tại sao chúng ta cần đưa được những điều hay của âm nhạc đến với công chúng?
* Năm 2020, bên cạnh những sản phẩm âm nhạc mang tính truyền cảm hứng đến mọi người, cũng có những sân chơi, những sản phẩm âm nhạc mang tính giải trí mà điển hình là sự “trỗi dậy” của thể loại rap? Ý kiến của anh?
- Với tôi, rap hay hip-hop không phải là một thể loại âm nhạc mà nó là một lối sống, một cách sống của các bạn trẻ mà ở đó, khi nó được tôn trọng thì nó luôn luôn đúng. Chỉ khi nghệ thuật được tôn trọng thì nó luôn đúng và phát triển.
Và tôi nghĩ đến 2 điều, đầu tiên là làn sóng này qua đi sẽ xuất hiện làn sóng khác, điều này bình thường trong nghệ thuật. Điều thứ 2 là, đối với những người làm âm nhạc chuyên nghiệp như tôi thì thể loại nào cũng có cái khó của nó. Muốn làm hay, muốn vươn đến đỉnh cao đều phải dựa vào nỗ lực, đều phải lao động thực sự nghiêm túc.
Còn mỗi thể loại âm nhạc nó đều có khán giả riêng của nó. Nếu là một người làm nghề thì tôi chỉ thích hay không thích, chứ không nên chê, bởi lẽ chê bai là rất dễ, ủng hộ sự mới mẻ trong sáng tạo âm nhạc mới là khó vì sự đang dạng của thể loại mới chính là sự phát triển của âm nhạc. Vì thế, sau rap, mọi người cũng đừng quá bất ngờ nếu năm sau âm nhạc dân gian lên ngôi, hay đùng một cái người ta chỉ tìm đến opera…
Thế nên, thể loại âm nhạc không quan trọng! Quan trọng là những người làm nghề và người thưởng thức âm nhạc cần nhận định đúng với những thứ mình thích và luôn ủng hộ các nghệ sĩ, luôn được chìm đắm, được tận hưởng những phút giây quý giá trong âm nhạc.
Tôi ấn tượng các bạn trẻ
* Vậy, anh ấn tượng với sản phẩm hay cái tên nào nhất trong năm qua?
- Đó chắc chắn là Binz rồi. Binz là nhân vật mà tôi đã có dịp được cộng tác trong Music Home và đã tạo cho tôi được sự bất ngờ. Thể loại âm nhạc của Binz, thú thực tôi không rành lắm, nhưng sự kết nối giữa các nghệ sĩ với nhau là điều tối quan trọng thì Binz rất tuyệt vời.
Nhưng Binz chỉ là 1 đại diện thôi, còn nhìn rộng hơn tôi thấy các nghệ sĩ trẻ bây giờ họ có những kỹ năng khiến cho những người thuộc thế hệ đi trước cũng phải ngã mũ. Dường như là hội đủ mọi thứ, đặc biệt là cách họ nhìn nhận về thế giới rất toàn diện, cập nhật những xu hướng mới của thế giới một cách nhạy bén và tạo được thị trường rất tốt.
Tôi cảm thấy các bạn trẻ bây giờ họ làm được nhiều việc và làm rất hiệu quả nếu so với lứa như chúng tôi. Chẳng hạn như tôi chỉ chăm chú vào làm nhạc, nhưng các bạn trẻ bây giờ họ có thể ngay lập tức sản xuất, ngay lập tức hát, ngay lập tức làm cả thời trang… Đó chính là một sự trỗi dậy của đời sống âm nhạc Việt một cách tích cực và tôi nghĩ nó sẽ còn phát triển thêm nữa.
* Theo anh thì nghệ sĩ trẻ bây giờ ngày càng toàn diện là do đâu?
- Nghệ sĩ ở Việt Nam, tôi thấy có 2 kiểu: Một là nghệ sĩ theo đúng nghĩa đen, nghĩa là họ cũng sống theo kiểu rất… nghệ sĩ, rất nhạy cảm, thất thường, sớm nắng, chiều mưa. Bên cạnh đó là kiểu nghệ sĩ rất năng động, có thể tiên phong vào một xu hướng, hay làm một cái gì đó thực sự lớn lao và luôn sáng tạo cùng ê-kíp.
Thực ra, kiểu hoạt động theo ê-kíp đã nhen nhóm hình thành từ nhiều năm trước rồi. Nhưng năm 2020 tôi thấy sự hình thành ê-kíp trong âm nhạc rõ nét nhất. Đằng sau một nghệ sĩ có khi có đến vài chục con người cùng lao động, cùng cống hiến cho nghệ thuật và ngay như việc ê-kíp ấy có bao nhiêu người đã cho thấy mức độ kiên cường của ê-kíp ấy rồi. Và tôi cho rằng, một nghệ sĩ luôn luôn phải có ê-kíp thì đó mới là sự phát triển của đời sống âm nhạc.
* Từ những phân tích ở trên, anh có thể phác họa bức tranh âm nhạc cho năm tới?
- Tôi không dám dự đoán hay phác họa ra bức tranh âm nhạc ở thì tương lai. Tôi chỉ nghĩ, trong tương lai đời sống âm nhạc đại chúng Việt sẽ có những kết hợp của các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ không chỉ ở trong nước mà cả với nước ngoài, trước mắt là các nước trong khu vực.
Tôi mong muốn các nghệ sĩ quốc tế sẽ bắt tay với các nghệ sĩ Việt nhiều hơn, nhưng không chỉ dừng lại ở những cuộc giao lưu văn hóa mà có thể thông qua những cuộc thi, mở các tour âm nhạc ở các nước. Tôi tin rằng, các nghệ sĩ Việt Nam luôn “kiên cường”, đủ sức “chiến đấu” một cách thực sự. Những “cuộc chiến” ấy sẽ tạo động lực cho các nghệ sĩ thế hệ tiếp theo cũng như cho các nghệ sĩ đang hiện hữu trong showbiz cố gắng cống hiến hết mình vì sự phát triển của nghệ thuật.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ Hồng Kiên!
Phạm Huy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất