Đội binh mã đất nung ra đời trước thời Tần Thủy Hoàng

13/08/2009 09:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lâu nay, đội binh mã đất nung nổi tiếng vẫn được cho là ra đời ở thời của Tần Thủy Hoàng (259-210 trước Công nguyên). Tuy nhiên, nhà sử học kiêm kiến trúc sư Chen Jingyuan lại tin rằng Nữ hoàng Xuan (?), người qua đời trước Tần Thủy Hoàng 55 năm, mới chính là chủ sở hữu của những bức tượng này.

Các chiến binh của Nữ hoàng Xuan?

Trong cuốn sách mang tên Sự thật về các chiến binh đất nung, ông Chen đã nêu ra 63 chứng cứ để bảo vệ cho quan điểm của mình, chẳng hạn như: “Khoảng cách giữa các căn hầm chôn đội binh mã đất nung xa lăng mộ Tần Thủy Hoàng 1,5km. Có một điều kỳ lạ nữa là các đồ mai táng cũng cách xa khu lăng mộ”.

Nhà sử học này còn nói rằng nhiều chi tiết nơi các bức tượng như cách buộc tóc lệch một bên, màu sắc trang phục của những chiến binh và đặc điểm cấu trúc các cỗ xe ngựa cũng đang đặt ra sự nghi vấn. “Kiểu tóc, các đặc tính Trung Hoa xưa cổ được tìm thấy trên nhiều chiến binh và một số chứng cứ khác cho thấy chủ sở hữu các bức tượng này là Nữ hoàng Xuan”, ông Chen phân tích.


Đội quân đất nung - vẫn được cho là được cho là "đoàn tùy tùng" của Tần Thủy Hoàng
Theo ông, đó là kiểu tóc của người dân tộc thiểu số Chu, những thần dân cùng bộ tộc với Nữ hoàng Xuan. Ông Chen nhận thấy rằng, đội quân này được tô nhiều màu sắc, trái ngược với trang phục chỉ toàn màu đen của các chiến binh đời Tần. Hay những chi tiết nhỏ như bánh của các cỗ xe ngựa cho thấy chúng không giống như những chiến xa mà chỉ là phương tiện đi lại hàng ngày. “Vốn được xem như “Từ Hy Thái Hậu của thời xa xưa”, Nữ hoàng Xuan là một trong những phụ nữ quyền lực nhất lịch sử Trung Quốc. Ở triều đại của bà, vương quốc Tần vô cùng thịnh vượng và người phụ nữ này có đủ tài lực để thực hiện một dự án lớn như thế”, Chen giải thích.

Những ý kiến trái ngược

Tuy nhiên, những lý lẽ của ông Chen ít được đồng tình. Liu Zhancheng, trưởng nhóm khảo cổ chuyên tìm kiếm các tượng chiến binh đất nung, cho biết: “Có những minh chứng rõ ràng rằng chủ nhân của đội binh mã đất nung là Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Trước hết, căn hầm của các bức tượng nằm trong khu vực lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Thứ hai, các loại vũ khí được khắc tên Lã Bất Vi, thừa tướng đời Tần. Toàn bộ khu lăng mộ rộng 56,25km2 và hầm chiến binh nằm trong khu vực này. Hơn nữa, rất nhiều hầm chứa đồ mai táng đời Tần cũng có khoảng cách tương đối xa với lăng mộ. Chẳng hề có sự bất thường nào về địa điểm hầm chiến binh”. Về trang phục của các tượng chiến binh, ông Liu giải thích: “Trong đời Tần, đen là màu chủ đạo. Người thời đó thường mặc đồ đen trong những dịp lễ lớn, nhưng không phải lúc nào họ cũng nhất thiết phải mặc như vậy”.

Song ông Yuan Zhongyi, thành viên của nhóm khảo cổ đầu tiên khai quật căn hầm chiến binh đất nung hồi năm 1974 đồng thời là cựu Giám đốc Bảo tàng Chiến binh đất nung, lại nói: “Câu hỏi ai là chủ nhân thực sự của đội binh mã đất nung đã gây tranh cãi ngay từ đầu. Kết luận các bức tượng này là đồ mai táng của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng do một nhóm học giả đưa ra và từ đó đến nay được chấp nhận rộng rãi”.

Với việc cuộc khai quật thứ ba tại hầm chiến binh số 1 được thực hiện từ hồi tháng 6 thì nguồn gốc của những bức tượng này và kết luận của ông Chen lại càng gây nên tranh cãi trong giới nghiên cứu lịch sử. Theo ông Liu Jiusheng, giảng viên tại Đại học Thiểm Tây, việc coi đội binh mã đất nung là đồ mai táng đã đi trái với quan niệm của người Trung Quốc là muốn được an nghỉ ngàn đời. Theo quan điểm của ông, những bức tượng ở hầm số 1 biểu thị một khung cảnh đời thực của buổi lễ tôn vinh cuộc trường chinh thắng lợi do Tần Thủy Hoàng lãnh đạo.

Ông Zhao Shichap, Phó Chủ tịch Hội Sử học Tiền Tần, nhận định: “Việc tranh luận về nguồn gốc của đội binh mã đất nung là quan trọng. Việc mở rộng khai quật và nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ khiến cho nguồn gốc của những bức tượng này trở nên rõ ràng hơn”.

Cho dù thế nào đi nữa thì cuộc tranh luận của các học giả cũng chỉ khiến công chúng quan tâm hơn tới đội binh mã đất nung này. Mỗi năm các căn hầm đã khai quật ở Tây An thu hút hơn 3 triệu du khách. “Giá trị của đội binh mã đất nung là không thể phủ nhận, bất kể chúng ra đời vào thời điểm nào” - Jerry Zhang, một người say mê lịch sử ở Bắc Kinh, nói.

Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm