Đọc sách: Không thể thiếu "Dĩ vãng phía trước"

09/09/2012 07:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tập tư liệu chuyện đời chuyện văn một thuở Dĩ vãng phía trước của Nhà nghiên cứu/ phê bình Ngô Thảo (Phương Nam & NXB Hội Nhà văn) đã được ấn hành từ hồi đầu năm, nhưng sức lan tỏa của nó không chỉ trong một chốc một lát. Đó là một "dĩ vãng" ngấm dần. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên giới thiệu.

Một cuốn sách nên đọc. Tôi phải nói ngay như vậy. Trước hết là những người trong nghề: các nhà văn nhà thơ, các nhà nghiên cứu phê bình. Ai đọc rồi cũng thấy hiểu thêm về nền văn học hiện đại trong khoảng bốn mươi năm qua. Với tôi, đó là cuốn sách bổ ích, hơn thế là cần thiết, hơn thế nữa là không thể thiếu.


Chân dung Phạm Xuân Nguyên

Và tôi tin không chỉ riêng tôi mới cảm nhận được thế từ cuốn sách này. Nó được viết ra từ một chứng nhân trong cuộc. Nó được viết ra từ một người có thẩm quyền trong giới. Xin chú ý là người có thẩm quyền chứ không phải người có quyền lực. Người có quyền lực có thể phát ngôn nhưng phát ngôn đó thường là áp đặt, ít được bảo chứng từ tư cách cá nhân. Người có thẩm quyền có thể không quyền lực, nhưng phát ngôn của họ lại mang sức nặng của chuyên môn, học thuật, do đó phát ngôn ấy là khả tín.

Bìa tập Dĩ vãng phía trước

Tác giả sách này là một người trong cuộc, một người có thẩm quyền. Ông là người đã từng bị rắc rối vì một câu trích dẫn nói ra khi bàn về tính chân thực của những sách văn học viết trong và sau chiến tranh: “Một nửa cái bánh mì là bánh mì, một nửa sự thật không phải là sự thật”. Ông là người đã có ý thức từ sớm lưu giữ các tư liệu liên quan đến văn học, từ những bản thảo, những văn kiện, những bút tích, cho đến những câu chuyện phiếm của các nhà văn, những nhận xét đây đó giữa các đồng nghiệp văn chương bên cốc trà, chén rượu. Ông gom góp, giữ gìn. Cho đến một ngày ông quyết định văn bản hóa các tư liệu đó thành sách. Cuốn sách quý trước hết chính ở giá trị tư liệu đó. Và nếu biết rằng tác giả đã hoàn thành cuốn sách này trong thời gian bị bệnh hiểm nghèo thì ta càng trân trọng ông ở ý thức trách nhiệm đối với lịch sử văn học nói riêng, lịch sử chính trị tư tưởng nói chung, của đất nước ta ở vào một giai đoạn nhiều thử thách nặng nề.

Tôi không nói quá đâu. Hãy cứ đọc vào sách để thấy đời sống văn học nước nhà những năm cận kề trước và sau 1975 sôi sục rất nhiều vấn đề, rất nhiều quan điểm, để thấy các nhà văn đã trăn trở, nghĩ suy thực tâm thế nào trước trang văn và trước người đọc, để thấy đã có những đấu tranh tư tưởng đôi khi quyết liệt, gay gắt ra sao trong giới cầm bút. Đặc biệt những ghi chép sống từ các cuộc chuyện trò, trao đổi, hội họp của giới văn chương đã cung cấp những tư liệu ròng, có một không hai cho những ai quan tâm tìm hiểu văn học Việt Nam ở một thời đoạn có nhiều phân hóa.

Ngoài ra, bên cạnh phần chính là tư liệu văn học mà tác giả gọi là chuyện văn, cuốn sách còn có những chuyện đời là những trang nhật ký đời lính, những ghi chép cuộc sống của tác giả. Gộp cả hai phần chuyện lại, người đọc sẽ hiểu vì sao tác giả lại đặt tên cho cuốn sách như vậy. Cơ sở của nó là những trang nhật ký ông ghi bền bỉ qua năm tháng.

Trong khoảng giao thoa của hai cái KHÔNG là dĩ vãng đã qua và tương lai chưa đến (ông mượn ý này của Trần Dần), ghi nhật ký là cái CÓ.

Dĩ vãng phía trước, đó là cách Ngô Thảo đồng hành với cuộc sống, với văn học từ hôm qua đến hôm nay. Và còn tiếp tục.

Nguyễn Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm