Đọc lại trường ca của Hữu Thỉnh: 'Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình'

30/04/2021 06:49 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Kỷ niệm 46 năm thống nhất đất nước, tôi muốn trở lại với một hiện tượng đặc biệt của Văn học Việt Nam hiện đại: sự nở rộ các trường ca trong những năm 70 – 80 của thế kỷ XX.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Văn học nghệ thuật là nòng cốt xây dựng nền văn hóa mới

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Văn học nghệ thuật là nòng cốt xây dựng nền văn hóa mới

Hội Văn nghệ Việt Nam đã trải qua 8 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc với 3 lần đổi tên qua các thời kỳ: Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 – 1957), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1957 – 1995) và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (từ 1995 đến nay).

Trong đó, 3 trường ca Sức bền của đất, Đường tới thành phốTrường ca biển được Hữu Thỉnh viết trong vòng 20 năm (1975-1995). Nghĩa là viết sau chiến tranh, nhưng bối cảnh cuộc chiến vẫn vẹn nguyên trong vùng ký ức, cùng “quán tính” thời gian vẫn chảy miết, khắc chạm trong cuộc sống hòa bình hôm nay.

Nhà thơ Hữu Thỉnh vừa về hưu sau nhiều năm làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đọc lại trường ca của Hữu Thỉnh, kỷ niệm ngày giải phóng miền nam, ngày 30/4, nhà thơ hữu thỉnh, trường ca của hữu thỉnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh (thứ 2 trái sang) cùng tác giả bài viết (thứ 3)

“Cuộc sống lớn lao bi tráng quá”

Trong khoảng thời gian từ những năm 70 đến những năm 80 của thế kỷ trước, sự nở rộ của hàng loạt trường ca (gần 100 trường ca) được coi là một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam hiện đại. “Nhà thơ không trường ca khác nào nhà vua không vương miện” (Mã Giang Lân - Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam).

Hữu Thỉnh đã cắt nghĩa căn nguyên đến với thể loại trường ca trong lời tự bạch chân thành “Cuộc sống lớn lao bi tráng quá, đòi hỏi phải mở rộng các kích cỡ”. Điều này có lẽ cắt nghĩa thuyết phục cho sự xuất hiện của trường ca của thế hệ nhà thơ chống Mỹ với những tên tuổi, như: Nguyễn Khoa Điềm với Mặt đường khát vọng; Hữu Thỉnh chọn Đường tới thành phố; Thanh Thảo cùng Những người đi tới biển; Nguyễn Đức Mậu đến với Trường ca sư đoàn; Nguyễn Trọng Tạo đến với Con đường của những vì sao; Y Phương với Chín tháng và Đò trăng; Nguyễn Thái Sơn tái hiện Chiến tranh chín khúc tưởng niệm...

Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đọc lại trường ca của Hữu Thỉnh, kỷ niệm ngày giải phóng miền nam, ngày 30/4, nhà thơ hữu thỉnh, trường ca của hữu thỉnh
Trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm và trường ca “Sức bền của đất” của Hữu Thỉnh

Xuất hiện và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, thế hệ nhà thơ ý thức rất rõ vai trò, trách nhiệm vẻ vang và con đường đi của mình, trực tiếp cầm bút viết về thế hệ mình chủ động, sáng tạo một “biên niên sử” như chính Hữu Thỉnh đã viết trong Đường tới thành phố: “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”

Với Hữu Thỉnh, tập thơ đầu tay Âm vang chiến hào in chung cùng Lâm Huy Nhuận năm 1976 và giải thưởng qua hai cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức (năm 1972-1973 với Mùa xuân đi đón; năm 1975 – 1976 với Chuyến đò đêm giáp ranh và trường ca Sức bền của đất như một bước chuẩn bị, tập dượt để trường ca Đường tới thành phốTrường ca biển ra đời bề thế, khẳng định phong cách, bút pháp thơ Hữu Thỉnh.

Với trường ca Sức bền của đất, Hữu Thỉnh viết sau phút đón giao thừa Tết Ất Mão 1975 tại một Tiểu đoàn xe tăng (Lữ đoàn xe tăng 273 – đơn vị hai lần Anh hùng). Lúc đó đơn vị trong tư thế tấn công giải phóng thị xã Kon Tum trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Anh viết một mạch từ đêm giao thừa năm trước, sang trọn vẹn cả ngày mùng 1 Tết Nguyên đán và vắt sang nửa ngày mùng 2 Tết. Người lính xe tăng chép vào sổ tay, cất vào balo và mở ra xem lại đúng ngày 30/4/1975 toàn thắng.

Hân hoan niềm vui chiến thắng, anh gửi báo Văn nghệ và giải A của cuộc thi này với trường ca Sức bền của đấtChuyến đò đêm giáp ranh đã có tên Hữu Thỉnh. Để phù hợp thể lệ cuộc thi, anh đã tự rút bớt lượng câu chữ và sau đó 20 năm trường ca này mới được in trọn vẹn. Ngoài phần khôi phục lại những phần đã cắt, nhà thơ đã chỉnh sửa, bổ sung thêm một số câu, đoạn mà trong hoàn cảnh chiến tranh đã chưa kịp viết.

Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đọc lại trường ca của Hữu Thỉnh, kỷ niệm ngày giải phóng miền nam, ngày 30/4, nhà thơ hữu thỉnh, trường ca của hữu thỉnh
Tác phẩm văn học được Giải thưởng Hồ Chí Minh của Hữu Thỉnh

Trải nghiệm cả cuộc đời ở chiến trường

Trường ca Đường tới thành phố được hoàn thành tại Trại sáng tác Đà Lạt tháng 8/1977 và được hoàn thiện vào tháng 4 năm sau. Có thể nói đây là trải nghiệm cả cuộc đời người lính ở các chiến trường, để sau 2 năm miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, nhà thơ – chiến sĩ đã hoàn thành tâm nguyện trả nghĩa, tri ân với đồng đội và sự hy sinh anh dũng của cả dân tộc cho tới ngày chiến thắng.

Trường ca Đường tới thành phố đã tổng kết lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt mà hào hùng; gian khổ, hy sinh, thấm đượm nghĩa tình mà thắng lợi vẻ vang.

Đường tới thành phố dài 1609 câu, kết cấu theo 5 chương chặt chẽ và trong từng chương lại chia thành từng khúc theo liên kết logic, hợp lý nhằm làm nổi bật chủ đề.

Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đọc lại trường ca của Hữu Thỉnh, kỷ niệm ngày giải phóng miền nam, ngày 30/4, nhà thơ hữu thỉnh, trường ca của hữu thỉnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh thời trong Binh chủng Tăng Thiết giáp

Cũng như thế hệ mình, anh có điều kiện miêu tả sự hy sinh một cách chân thật, thấm thía ở cự ly gần. Có thể gặp những chi tiết trùng hợp về hy sinh của người lính, nhưng mỗi nhà thơ vẫn có cách khai thác riêng từ những trải nghiệm cá nhân. Có mặt giữa chiến trường, Hữu Thỉnh có điều kiện ghi lại cuộc chiến đấu bằng trải nghiệm thực tiễn, những tên đất, tên người được định danh khá cụ thể (đây là điểm mạnh so với thế hệ đàn anh). Những cái tên đồng chí, đồng đội, mảnh đất, tên làng... được ghi lại chân thực bằng “ký sự thơ”. Nhà thơ như một nhà quay phim với cú máy lia đặc tả. Đó là người xạ thủ trung liên:

- Lưỡng quyền cao đen một nốt ruồi

Đang chở che, đang âu yếm mọi người

Tiếp thêm củi bằng bàn tay thô nháp

Những ngón bằng như cây bài tam cúc

Từng bàng hoàng trên mái tóc người yêu

Là người Tư lệnh:

- Hai mươi năm anh khó nhận ra mình

Người trong ảnh bây giờ là Tư lệnh

Khoảng cách giữa anh và bức ảnh

Có bao quãng đường những bà mẹ tiễn con

...Những chiếc xe tăng đòi anh nguyên vẹn

Những vết thương đòi anh lành lặn

Và anh

Ý nghĩ lăn qua viên đạn cuối cùng

Trong một trận đánh cần nhanh chóng tạo ra một “cửa mở”, người lính bộc phá viên giỏi toán đã không do dự Bước chân anh không do dự nửa vời/ Cửa mở/ Anh không chọn cho mình nơi che chắn nào hơn. Dẫu biết “dây càng ngắn, khoảng an toàn càng ngắn” và “nguy hiểm cũng nhiều hơn”, nhưng anh đã quyết định cho cửa mở để đồng đội đi tới chiến công và “Cắt ngắn từng đoạn dây cháy chậm”...

Chống gối bò lên đất vùi choáng ép

Nhưng lần sau vẫn không thể dài thêm

Từ cửa mở đến bộc phá viên

Khoảng cách ấy là chân dung tự họa

Và anh thêu trên ngực áo của mình

Người lính đã lý giải sức mạnh từ những câu thơ, từ những trang sách:

Mỗi quyển sách nặng bằng năm viên đạn

Chúng tôi đành mang đạn trước tiên

Không có sách chúng tôi làm ra sách

Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình

- Chúng tôi sưởi trên những câu thơ ấy

Cứ thế qua đi nhiều mùa mưa

Và chúng tôi làm thơ…

Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đọc lại trường ca của Hữu Thỉnh, kỷ niệm ngày giải phóng miền nam, ngày 30/4, nhà thơ hữu thỉnh, trường ca của hữu thỉnh
Sách nghiên cứu về thơ chống Mỹ

Với người lính, trong trận chiến sinh tử với kẻ thù, đất nước có thể chỉ là một mảnh đất cằn nơi giáp ranh, là một “gốc sim cằn” nơi tranh chấp và người lính bằng mọi giá bảo vệ màu tím như “mực rớt” kia đã “bò lên với trái tim tình nguyện”, vì “trước mặt là Tổ quốc”. Người lính hiểu giá trị của từng tấc đất ở chiến trường và phải giành gịât với kẻ thù: “Nhưng trời ơi nếu kẻ thù chiếm được/ Một gốc sim thôi, dù một gốc sim cằn/ Thơ ơi thơ hãy ghì lấy gốc sim/ Anh đang bò về phía gốc sim”.

Chi tiết “nắm cơm” của người lính như một tín hiệu hiện thực được mỗi nhà thơ cảm nhận theo lối riêng. Hữu Thỉnh miêu tả nắm cơm “cháy thành than” của người chiến sĩ xe tăng, gợi nên nỗi ám ảnh khôn nguôi: “Có nắm cơm đã cháy thành than/ Đen chỉ còn một nửa/ Có dấu tay in lõm vào trong/ Ngón tay to bè của đồng chí lái/ Các anh ăn nửa bữa trong ngày/ Phần để dành/ Làm ta day dứt mãi”.

Vượt qua những khó khăn, gian khổ, người chiến sĩ đến gần ngày chiến thắng, con đường đang tiến đến thành phố mang tên Bác. Người lính giữa “Sài Gòn trưa ba mươi, tháng Tư”, bên mình còn xanh “lá ngụy trang” đã “hòa vào giữa biển người vàng sao”. Mong ước được trở về với mẹ đau đáu tâm can, mong tiếng hát thỏa nỗi mong chờ, nhưng chỉ trước đó thôi, người chiến sĩ đã “giao hẹn” với mẹ: “Con sẽ trở về nếu vượt qua đêm nay”. Mọi điều đều có thể, khi sự sống, cái chết chỉ trong gang tấc. Biết bao sự sự hy sinh khác có thể đến trước giờ chiến thắng chỉ trong giây phút, người lính hiểu “Nếu sáng mai anh nhìn thấy cỏ/ Tức là anh nhìn thấy mẹ và em”.

Hữu Thỉnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà thơ chống Mỹ. Trường ca Đường tới thành phố đã thể hiện bước phát triển trong tư duy và nghệ thuật của ông với những đóng góp lớn về nội dung, nghệ thuật; góp phần hòa chung tiếng thơ vào dòng chảy thơ ca Việt Nam hiện đại.Nói như nhà thơ Ngô Thế Oanh “Những trường ca của Hữu Thỉnh khiến ta nhớ đến một nhận xét giàu chiêm nghiệm: Những nhà thơ lớn là những nhà thơ luôn làm chủ được cảm xúc tự nhiên của nhịp điệu lịch sử”.

Vài nét về nhà thơ Hữu Thỉnh

Nhà thơ Hữu Thỉnh tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thỉnh; bút danh: Vũ Hữu, Ngôn Thanh. Ông sinh ngày 15/02/1942 tại làng Phú Vinh, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúctrong một gia đình nông dân có truyền thống học hành. Sau hoà bình lập lại (1954), ông mới thực sự được đi học. Năm 1963, tốt nghiệp phổ thông, Hữu Thỉnh tham gia quân đội. Đơn vị nhập ngũ đầu tiên là Trung đoàn 202 Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Ông chiến đấu tại các chiến trường Khe Sanh, Đường 9 – Nam Lào (1970-1971); Quảng Trị (1972); Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh (1974-1975). Năm 1976, học Trường Viết văn Nguyễn Du (khoá I) Trường Đại học Văn hóa; Lớp bồi dưỡng cao cấp Học viện Văn học quốc tế mang tên Gorki (1987).

Hữu Thỉnh trải qua nhiều vị trí công tác. Năm 1981, là cán bộ biên tập, Trưởng ban Thơ, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1990 chuyển ngành ra Hội Nhà văn Việt Nam. Đến 2020 giữ các cương vị: Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ, Tổng biên tập tạp chí Thơ; tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (từ khóa 3 đến khóa 9), Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (2000-2020); Đại biểu Quốc hội (khóa X và khóa XI); Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (2020), Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (khóa 8, 9).

Tác phẩm đã xuất bản:

- Thơ: Âm vang chiến hào (1976, in chung với Lâm Huy Nhuận), Khi bé Hoa ra đời (1985, thơ thiếu nhi, in chung), Tiếng hát trong rừng (1985), Thư mùa Đông (1994), Thơ Hữu Thỉnh (1998, thơ tuyển), Thương lượng với thời gian (2005), Hoang dại dưới trời (2010, thơ chọn), Ghi chú sau mây (2020).

- Trường ca Đường tới thành phố (1979), Từ chiến hào tới thành phố (1985), Trường ca Biển (1994), Sức bền của đất (2004), Trăng Tân Trào (2016)

- Bút ký - Truyện ngắn: Mùa xuân trên tháp pháo (2009)

- Tiểu luận phê bình: Lý do của hy vọng (2010), Bến văn và những vòng sóng.

Giải thưởng: Giải ba cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1972-1973 với bài thơ Mùa xuân đi đón);Giải A cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1975-1976 với bài thơ Chuyến đò đêm giáp ranh và trường ca Sức bền của đất; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 với trường ca Đường tới thành phố; Giải nhất của Bộ Đại học - Trung học - Chuyên nghiệp và Trung ương Đoàn năm 1991 với bài Thưa thầy; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 với tập thơ Thư mùa đông; Giải thưởng văn học ASEAN năm 1999 (Thư mùa đông); Giải xuất sắc của Bộ Quốc phòng năm 1994 với Trường ca biển; Giải A Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 với trường ca Trăng Tân Trào.

Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (đợt I, 2001); Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 4, 2012).

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm