Đọc lại một bài thơ về Đảng

22/01/2016 06:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Từ đại hội VI - Đại hội của đổi mới - đến hôm nay, khi Đại hội XII của Đảng khai mạc là tròn 30 năm. 30 năm chỉ là cái chớp mắt của lịch sử, ấy thế mà từ đường lối đổi mới của Đảng, đất nước đã vượt qua đói nghèo lạc hậu, bằng sức mạnh Phù Đổng vươn lên phát triển và bảo vệ Tổ quốc đạt được những thành tựu to lớn.

Đó là cuộc đổi thay kỳ diệu khiến bạn bè quốc tế nể phục. Nhờ đổi mới tư duy kinh tế, biết tranh thủ thời cơ phát huy tiềm năng thế mạnh, đất nước hôm nay đang trên đường đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Phát triển mà vẫn giữ vững được hòa bình ổn định, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn di sản cha ông… Đó là một thành công không phải tự nhiên mà có.

Nhân Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tôi lại nghĩ đến nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trong bài Nghĩ bằng thơ một tư tưởng Đảng (bài thơ này đã được đăng trên báo Văn nghệ năm 1986) viết vào dịp Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) lấy cảm hứng từ đường lối đổi mới, mở cửa do Đại hội vạch ra. 


Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII từ ngày 20 đến 28-1-2016. Ảnh: TTXVN

Bài thơ liên hệ thực tại đất nước vào thời ấy để từ đó cùng người đọc suy nghĩ về đất nước có truyền thống đánh giặc ngoại xâm, có tài nguyên phong phú, nhưng “Ai ngợi gió ca mây hoài mà bữa cơm vẫn độn/ Tháng giáp hạt dài, tóc mẹ bạc vì lo”. Thế nên, khi Đại hội Đảng quyết định đường lối đổi mới, mà trước hết là đổi mới tư duy, thế và lực của đất nước đã mạnh, đã bền khi ý Đảng hợp lòng dân: “Trong tận sâu thẳm tâm hồn, Đảng lấy dân làm gốc/ Thì nhân dân sẽ theo Đảng hết lòng”.

Nhà thơ đã nói lên tâm tư, suy nghĩ của bao người đứng trước một quyết định lớn của Đảng: Đổi mới đất nước.

30 năm sau, đọc lại bài thơ Nghĩ bằng thơ một tư tưởng Đảng, ta lại thấy tầm vóc nhà thơ khi ấy đã thấm nhuần tinh thần Nghị quyết, lại gắn với thực tế cuộc sống còn bộn bề khó khăn thiếu thốn. Và bằng những câu thơ chân thành ấy, Nguyễn Bùi Vợi đã góp phần đưa cái tư tưởng đổi mới đi vào tâm hồn người đọc, đi vào đời sống một cách nhẹ nhàng mà lắng đọng.

Bài thơ là một tác phẩm văn học đích thực, nhưng sự chân thành khéo léo của nhà thơ đã là một cách cổ vũ tuyên truyền cho đường lối đổi mới của Đảng. Tất nhiên mỗi thời kỳ có một bối cảnh, mỗi điều kiện khác nhau. Tuy nhiên những tư tưởng của bài thơ, đặc biệt mối quan hệ giữa Đảng và dân luôn có giá trị cả hôm nay và mai sau.

Đại hội XII diễn ra trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều thách thức, từ nội tại nền kinh tế, vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cho đến các vấn đề hội nhập, bảo vệ chủ quyền… Nhân dân mong đợi Đại hội lần này sẽ có những đổi mới mang tính đột phá sâu hơn Đại hội năm 1986, thậm chí kỳ vọng có cuộc đổi mới lần 2 lớn lao hơn, nhưng phải bắt đầu từ nội lực, từ truyền thống dân tộc.

Và có thể khẳng định rằng 30 năm đổi mới, Đảng ta đã có một trải nghiệm xuất sắc nhất, dũng cảm nhất, đó là hội nhập. Hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc, vẫn giữ được hòa bình ổn đinh. Đó cũng là bài học cho sự phát triển đất nước một cách bền vững…

Nghĩ bằng thơ một tư tưởng Đảng

Tác giả: Nguyễn Bùi Vợi

Xin đừng mở vi đi ô ngắm hoài chùm pháo hoa mừng đại thắng

Máu, mồ hôi, ba mươi năm ánh lên trong bảy sắc cầu vồng.

Đảng bảo đất nước phải đổi thay đổi thay là lẽ sống.

Hơn năm mươi triệu người từ Lạng Sơn đến Minh Hải chờ trông.

Mười năm sau chiến tranh đã đủ thời gian để ta suy ngẫm

Những bồng bột ngây thơ, những ảo tưởng dại khờ

Ai nói: Thống nhất rồi gạo châu thổ sông Hồng đem nuôi lợn.

Gạo xuất khẩu gạo nuôi người phù sa chín nhánh Cửu Long lo

Những miền quê trên đất nước mình có tháng ba trận bão

Nơi gió đổ cây sập nhà, nơi giáp biển sóng thần dâng

Lúa đang ngậm đồng, mưa trắng trời lại bữa cơm bữa cháo

Hạt gạo bây giờ đâu chỉ năm nắng mười sương

Xin đừng vẽ tô đôn những vùng quê lên mười tấn

Hạt thóc lép ngoài đồng mà trang giấy trắng thơm tho

Ai ngợi gió ca mây hoài mà bữa cơm vẫn độn

Tháng giáp hạt dài, tóc mẹ bạc vì lo

Xin sách giáo khoa nói in ít đi về rừng vàng biển bạc

Để các em bé lớn lên không hồn nhiên nghĩ đất nước mình giàu

Rừng bị phá quá nhiều, cây non trồng không kịp mọc

Kéo lưới vơ cả cá con rồi cá chẳng còn đâu

Xin đừng lấy cái nghèo làm điều cao thượng

Trên thế gian này không ai nói nghèo sang

Thắng giặc rồi cả nước đồng lòng nuôi chí lớn

Đem khối óc bàn tay hoạch định những mùa màng

Xin ai đã quá quen nghe những lời tán khéo

Thì hãy tập nghe cả những câu không chút chiều lòng

Thuốc chữa bệnh không thể nào ngọt lừ như kẹo

Không có mùa Xuân nào không qua cửa mùa Đông

Xin chớ dông dài mà nên đi vào thực chất

Lo sự nghiệp ngàn đời từ áo mặc cơm ăn

Trong tận sâu thẳm tâm hồn, Đảng lấy dân làm gốc

Thì nhân dân sẽ theo Đảng hết lòng

Nói đổi mới tư duy để nghe thôi, thì cũng dễ

Nhưng cái khó vô cùng là tự xẻ mình ra

Bao quan niệm lỗi thời ở trong đầu mọc rễ

Phải nhổ khỏi người ắt buốt tận thịt da

Đừng biến thành thời trang một tư tưởng mới

Đảng thương dân, dân yêu Đảng trọn đời

Thác ghềnh nào cũng qua, bến bờ nào cũng tới

Qua rét dài đã ửng nắng Xuân tươi.

Nhà văn Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm