04/04/2013 07:15 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - “Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản”, song “Sát thủ đầu mưng mủ” không thế. Sau lần xuất bản đầu “thất bại vì ngại thành công”, “Phê như con tê tê” (tên gọi trong lần xuất bản thứ 2 của “Sát thủ đầu mưng mủ”) lại đang rậm rịch ra mắt.
1. “Mất tích con chim chích” một thời gian, “sát thủ đầu mưng mủ” được thông báo sẽ tái xuất với tên gọi “Phê như con tê tê”. Chưa thấy bóng dáng sách đâu song thông tin PR tung ra đã “khôn như con chồn”. Bằng cách “tụ tập con cá mập” các luồng ý kiến ủng hộ, rò rỉ dăm trang sách kiểu “thần kinh dẫm phải đinh” trên các trang báo mạng, “Phê như con tê tê” đợt này rõ là “ảo tung chảo”.
Quả là “có chí thì ghê”! “Phê như con tê tê” dự kiến sẽ thay thế, bổ sung thêm nhiều thành ngữ “sành điệu củ kiệu” hơn so với “sát thủ đầu mưng mủ” (cuốn sách có số phận “đen như con mèo hen” trước đó). Và độc giả cũng chờ mong cuốn sách chẳng kém gì “sáng soi, trưa đánh, chiều chờ”. Còn truyền thông thì phấp phỏng hóng tin, nếu dư luận đánh giá “ngon lành cành đào” thì sẽ khen hùa theo rằng sách “tuyệt vời ông mặt trời”. Nếu ngược lại sẽ dùng biện pháp “yêu nhau trong sáng, phang nhau trong tối”.
2. Song tại sao một cuốn sách “tào lao bí đao” lại được độc giả “kết nổ đĩa” đến vậy? “Đơn giản như đan rổ”, nếu như trước đây, truyền thông “lạnh lùng con thạch sùng” với cuốn sách thì nó cũng sẽ “bình thường như cân đường” (đúng với giá trị thật của nó). Đằng này, báo đài lại “bực như con mực”, lao vào chỉ trích một cách “ác như con tê giác” rằng cuốn sách: “thô bỉ như con khỉ”; “xấu xí còn gây sự chú ý”; “đã ngu còn cố tỏ ra nguy hiểm”; “đã xấu mà lại còn xa”, “đã si đa lại còn xông pha hiến máu”… khiến cuốn sách rơi vào hoàn cảnh “tê tái con gà mái” (một thảm trạng không đáng của một cuốn sách giải trí “hồn nhiên như cô tiên”).
Trong khi đó, nhịp sống đương đại lại “chán như con gián” khiến thông điệp “đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở” rất gần gũi và lý thú. Kể cả triết lý “sống đơn giản cho đời thanh thản” cũng làm nhiều người “phê như con tê tê”. Hơn nữa, càng cấm thì càng cứ, trào lưu số đông “đú kiểu rừng rú” khiến “Sát thủ đầu mưng mủ” trở thành “oách xà lách”.
Và khi đám đông đủ lớn, những người trước đây từng tuyên bố cuốn sách “chuối cả nải” giờ “đuối như trái chuối”. Phương pháp tốt nhất là “im như con chim” hoặc “nếu không yêu hãy tỏ ra yếu sinh lý”. Bởi những ai phản đối đám đông sẽ bị đám đông coi là “đầu to óc quả nho”, “tinh vi sờ ti con lợn”...
3. Khi biết bao “gạch đá” qua lại tranh luận về giá trị thật của “Sát thủ đầu mưng mủ” (hay như tên gọi lần xuất bản này là “Phê như con tê tê”) chưa dứt thì nhà sách vẫn bình chân như vại theo phương châm “từ từ khoai nó mới nhừ”. Vì khen hay chê đều giúp lăng xê khiến doanh thu cuốn sách cao “ngất ngây con gà Tây”. Tức là dẫu có sao, trong đợt phát hành này, “Phê như con tê tê” sẽ “chuẩn không cần chỉnh” ở góc độ kinh doanh.
Nhưng biết đâu đấy, “tia sáng cuối đường hầm là ánh đèn đầu xe lửa”!
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất