20/12/2023 16:23 GMT+7 | Tin tức 24h
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, một Câu lạc bộ võ thuật dành riêng cho nhân viên y tế được thành lập. Vào những buổi tối cuối tuần, họ lại luyện tập hăng say vừa để rèn luyện, nâng cao sức khỏe vừa có kỹ năng tự vệ, thoát khỏi các tình huống bị hành hung an toàn.
Độc đáo lớp võ thuật trong bệnh viện
Chiều thứ 6, hết giờ làm việc, anh Nguyễn Hữu Nghị, điều dưỡng phòng mổ của Bệnh viện Chợ Rẫy lại khoác lên người bộ trang phục võ thuật vovinam để tham gia lớp học trong khuôn viên bệnh viện. Từ ngày học võ, anh Nghị cảm thấy cơ thể nhẹ nhõm, sức khỏe tốt hơn, không hay mệt mỏi như trước. Quan trọng hơn, những căng thẳng, muộn phiền trong công việc được giải tỏa. "Đến lớp học võ, mình vừa rèn luyện được sức khỏe, lại gặp nhiều đồng nghiệp cùng sở thích, chia sẻ với nhau những vui buồn trong công việc", anh Nghị bày tỏ.
Mới tốt nghiệp ngành bác sỹ đa khoa của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong thời gian chờ đợi tìm nơi thực hành lấy chứng chỉ hành nghề, bác sỹ trẻ Phạm Trương Tuyết Phương đã đăng ký học võ tại Câu lạc bộ võ thuật Bệnh viện Chợ Rẫy. Với mục đích học võ để rèn luyện sức khỏe, nâng cao sự dẻo dai, tính nhẫn nại cho công việc sắp tới, hơn 3 tháng tham gia, bác sỹ Tuyết Phương chưa bỏ buổi học nào. Bác sỹ Phương tâm sự: "Tại lớp võ thuật, mình còn được làm quen với nhiều anh chị đi trước. Các anh chị đã chỉ bảo cho mình rất nhiều điều. Ngoài ra, mình muốn học võ để có khả năng tự vệ, tránh được những tình huống va chạm không mong muốn với thân nhân, người bệnh sau này".
Võ sư Nguyễn Thanh Phương, phụ trách Câu lạc bộ Vovinam (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, từ năm 2014, được sự đồng ý của Ban Giám đốc Bệnh viện, Câu lạc bộ võ thuật Vovinam được thành lập, trực thuộc Hội Vovinam - Việt võ đạo thể thao Đại học và chuyên nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, nhiều khóa học đã được tổ chức tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, lớp học bị gián đoạn trong một thời gian. Đến tháng 7/2023, lớp học được khai giảng trở lại. Trung bình mỗi khóa có khoảng 20 học viên đang công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh… tham gia. Do đặc thù là môi trường bệnh viện, lớp học thường diễn ra vào các buổi tối cuối tuần, với địa điểm linh hoạt (như khu vực khám bệnh, khu hội trường của Trung tâm Ung bướu).
Học võ để cứu người và tự bảo vệ bản thân
Theo Võ sư Thanh Phương, Câu lạc bộ võ thuật được tổ chức giúp nhân viên y tế rèn luyện, nâng cao sức khỏe và giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc. Cùng với đó, học võ giúp con người khiêm tốn hơn, biết tôn trọng người khác, có tính kỷ luật và có trách nhiệm.
Anh Phương cho biết, môn võ thuật được dạy cho nhân viên y tế tại lớp học này là môn Vovinam với các kỹ năng chủ yếu là tự vệ. Đó là các kỹ thuật như: gạt, đỡ tay, chân, cách cản phá sức tấn công của đối phương, khống chế, né đòn… Cùng với đó là các kỹ năng phản ứng có ý thức mang tính chủ động để bảo vệ bản thân trước các tác động gây tổn thương về thể xác và tinh thần. "Võ thuật là hàng rào cuối cùng để nhân viên y tế tự vệ khi bệnh nhân hay thân nhân đi quá giới hạn. Cái cốt của việc dạy và học võ là giúp anh chị em rèn luyện sức khỏe là chính, sau đó là phòng thân và chăm sóc bệnh nhân tốt hơn…", Võ sư Nguyễn Thanh Phương chia sẻ.
Đảm nhiệm công việc của một điều dưỡng hơn 15 năm, Võ sư Nguyễn Thanh Phương từng nhiều lần trải qua việc bị thân nhân, người bệnh có hành vi đi quá giới hạn. Anh Phương cho biết, trong một lần chăm sóc người bệnh, do bệnh nhân là người nước ngoài nên việc giao tiếp gặp khó khăn, trở ngại. Người bệnh đã nổi nóng và cầm chiếc bô đựng nước tiểu tấn công anh. Nhờ có thân thủ nhanh nhẹn của một người học võ, anh đã tránh được và mời một người khác biết ngoại ngữ đến trao đổi với bệnh nhân. "Nếu như mình không học võ, chắc chắc sẽ bị cái bô đựng nước tiểu đánh trúng đầu. Trong tình huống đó, mình chỉ biết tránh và rút lui chứ không thể đánh lại người bệnh. Học võ để mình phản ứng linh hoạt hơn, có thể tránh được các tình huống nguy hiểm chứ không phải để tấn công lại thân nhân và người bệnh", Võ sư Nguyễn Thanh Phương cho hay.
Võ sư Nguyễn Thanh Phương thấy buồn lòng khi thời gian vừa qua, thông tin hành hung nhân viên y tế xuất hiện ở nhiều nơi. Anh luôn khuyên đồng nghiệp tham gia học võ để biết cách thoát khỏi tình huống không hay xảy ra. "Khi bị bệnh, người bệnh thường có tâm trạng không tốt, thân nhân họ thường lo lắng. Tôi nghĩ, nhân viên y tế cần có sự trao đổi rõ ràng, nhẹ nhàng, tận tình để họ hiểu, tránh những hiểu nhầm, cãi vã và va chạm không cần thiết", anh Phương chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Hữu Nghị, điều dưỡng phòng mổ của Bệnh viện Chợ Rẫy, các hành vi hành hung nhân viên y tế cần được xử lý nghiêm để làm gương, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho nhân viên y tế.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất