18/04/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Trước khi được NXB Kim Đồng ấn hành trong năm 2023 này, bản thảo Cá Linh đi học từng lọt vào chung khảo giải Dế Mèn 2022 do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức.
Như đánh giá của Hội đồng giám khảo, trong cuốn sách ấy, cuộc phiêu lưu của chú cá linh được phủ lên sắc màu cổ tích, huyền thoại nhưng vẫn không kém phần khốc liệt bởi những "bẫy giăng, lưới sập" của con người trong cơn lốc tàn hại môi trường…
1. Cá Linh đi học của Lê Quang Trạng là một cuốn sách mang đến cho người đọc nhiều trải nghiệm rộng mở. Truyện mở đầu với những dòng giới thiệu về cá Linh đầy bí ẩn"Cá Linh có nghĩa là con cá có linh tính… cứ sau ngày giỗ Tổ, tất cả những con cá linh non như các con sẽ bắt đầu thực hiện cuộc di cư cầu thực về hạ lưu. Đây vừa là cuộc phiêu lưu, vừa là cuộc đi học để lớn khôn…".
Chuyện về cá Linh đi học đã bắt đầu như thế, và hàng ngàn năm qua, năm nào cũng thế.
Bằng ngôn từ mộc mạc, giản dị, hết sức tự nhiên, cuốn sách của Lê Quang Trạng đã khơi gợi trong lòng độc giả hình dung về cả một hệ sinh thái mênh mông của dòng Mê Kông rộng lớn, nơi có muôn vàn chú cá cứ đến mùa sẽ từ thượng nguồn về với hạ lưu, sau đó lại theo đàn quay trở về nguồn. Bởi thế, Cá Linh đi học là thế giới của sông nước miền Tây, của những câu chuyện thần thoại về cậu bé Trời, về một chú cá Linh ngây ngô với những chặng được đầu tiên bơi ra sông lớn.
Trong câu chuyện đó, người đọc được hòa mình vào đời sống của cá linh, được đồng hành với cá Linh nhỏ, cá Heo, Tôm Bọc, cá Rô "giang hồ", đối diện với bao hiểm nguy gian khổ, đối diện với những lần con người chăng lưới điện để đánh bắt cá, đối diện cả với những hiểm họa "cá lớn nuốt cá bé" trong thế giới tự nhiên tưởng thơ mộng xanh tươi mà thực ra lại ẩn chứa quá nhiều cam go thách thức.
Có những câu chuyện hấp dẫn người ta ở sự kịch tính của cốt truyện, hay những hành động gần gũi mà phi thường của nhân vật, hoặc sự tinh vi, phong phú của bối cảnh… Cũng có những câu chuyện thu hút và để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người đọc vì lời văn tâm tình, thủ thỉ, giàu chất tự sự và chất chứa vô vàn tình yêu thương chân thật. Đọc những câu chuyện ấy, có đôi khi, người đọc sẽ quên đi những sự kiện lớn lao, quên đi những hành động phi thường, quên cả bối cảnh phong phú kích thích trí tưởng tượng. Tất cả những gì người đọc nhớ về là hành trình tinh thần của nhân vật ấy, về sự bé nhỏ ban đầu và những gì nhân vật đã trải qua, về những bài học sâu sắc mà nhân vật (và cả độc giả) nhận được.
Trong mắt tôi, tác giả Lê Quang Trạng đã rất thành công khi chọn được một câu chuyện như thế: Chuyện về cá linh và bài học của một chú cá nhỏ bơi giữa lòng nước thẳm. Cá Linh có được bài học về lòng tin và niềm hy vọng vào tương lai; về sự quan tâm, chăm sóc bạn bè khi họ rơi vào tình thế khó khăn; về lòng dũng cảm và quyết tâm vượt sóng để trở về với anh em, gia đình; về việc sống chân thành, vì "điều gì mình sẻ chia bằng cả tấm lòng thì điều ấy sẽ xanh tươi và ra hoa kết trái"…
"Vượt lên tính chất của những câu chuyện đồng thoại giản đơn, tác giả đã làm những cuộc hóa thân để có thể "nhập làn" với những loài cá này và nói lên được những tiếng nói của chúng" - đánh giá của Hội đồng Giám khảo giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 về tác phẩm Cá Linh đi học.
2. Nếu chỉ để ý đến cốt truyện, người đọc khó tính sẽ nhận ra kết cấu truyện vẫn còn quá nhiều khoảng trống, khi mà ở Phần 1 Ra sông lớn, tác giả đã cài cắm quá nhiều chi tiết, để rồi đến Phần 2 Vào đồng ruộng, cái kết lại tiến đến quá nhanh và dễ dàng gây sự hụt hẫng vào phút cuối. Thế nhưng, rất nhiều lúc tôi tự mình đặt ra câu hỏi: Những bạn nhỏ quanh mình liệu có để ý nhiều thứ phức tạp đến vậy không? Nào là chi tiết, nào cốt truyện, nào kết cấu, nào nhân vật… Quá nhiều khái niệm! Quá ít những trải nghiệm thênh thang!
Rõ ràng, Cá Linh đi học chưa phải một câu chuyện được thiết kế hoàn hảo, song không thể phủ nhận được rằng thế giới sông nước, cuộc sống của các loài "thủy tộc", hành trình "đi học" của cá Linh lại chân thực và sống động vô cùng. Tôi thích dòng Mê Kông trong văn chương của Lê Quang Trạng, tôi thấy hòa mình vào dòng chảy bất tận của bao đời cá linh "đi để trở về", thấy xót xa khi bắt gặp cảnh tượng những đàn cá bị đánh bắt và cháy xém vì lưới điện, thấy triệu triệu sinh mạng vô danh vẫn đang tồn tại mỗi ngày, trong thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp.
Và đó mới chính là điểm nổi bật nhất trong câu chuyện mà tác giả Lê Quang Trạng đã dốc lòng muốn kể: Có một chú cá nhỏ, trải qua biết bao trở ngại, chông gai, đã trở về quê hương, trong sự trưởng thành, hiểu biết, mạnh mẽ, và giàu yêu thương.
Những cảm xúc đong đầy tinh thần nhân văn ấy, chẳng phải là điều tuyệt vời nhất mà ta có thể mang đến cho mỗi đứa trẻ sao?
Giải Dế Mèn hết hạn nhận tác phẩm vào 20/4 tới
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 sẽ hết hạn nhận tác phẩm dự thi vào 24h, thứ Năm, 20/4/2023.
Đây là giải thưởng do báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sáng lập và tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ), bao gồm 1 Giải thưởng Lớn mang tên "Hiệp sĩ Dế Mèn" (Cricket Knight) và một số Tặng thưởng mang tên "Khát vọng Dế Mèn" (Cricket Desire). Đối với mùa giải thứ 4 năm 2023, Ban tổ chức quy định: Tất cả các tác phẩm hoặc bản thảo tác phẩm được sáng tác, hoàn thiện hoặc công bố trong năm 2022, 2023 (cụ thể, từ 1/1/2022 - 20/4/2023) đều có quyền dự thi. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến diễn ra vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) năm nay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất