Doanh thu thị trường âm nhạc Mỹ: Nghệ sĩ chỉ được phần nhỏ, số tiền khủng vào túi ai?

10/08/2018 19:32 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này, một thống kê của Citigroup đã chỉ ra rằng các nghệ sĩ chỉ được hưởng 12% trong tổng doanh thu 43 tỷ USD mà ngành công nghiệp âm nhạc năm qua (2017) tạo ra.

Theo báo cáo, 43 tỷ USD là mức lợi nhuận cao nhất mà thị trường âm nhạc Mỹ thu về trong vòng một năm, tính từ năm 2006. Các số liệu bao gồm doanh thu bán đĩa CD, phát nhạc trực tuyến, quảng cáo trên YouTube, tiền bản quyền phát thanh và vé xem buổi biểu diễn.

Thính giả đang sẵn sàng chi nhiều hơn bao giờ hết để tận hưởng các ca khúc hay, chủ yếu là cho các dịch vụ phát nhạc trực tuyến và các chương trình nhạc sống. Tuy nhiên, nghịch lý là những người tạo ra các sản phẩm âm nhạc sinh lời cao lại chỉ được hưởng 12% doanh thu, tương đương với chưa đầy 5 tỷ USD. Vậy số tiền khổng lồ còn lại đang nằm trong túi ai? Câu trả lời là: Các công ty công nghệ, các công ty phát thanh và các hãng thu âm.

Khi đơn vị trung gian nắm quyền kiểm soát

Ngày càng có nhiều người muốn tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, hơn mức thị trường có thể tiếp nhận. Vậy nên một sản phẩm muốn tiếp cận công chúng một cách thành công, bên cạnh yếu tố chất lượng, còn phải phụ thuộc vào sự giúp sức từ các bên trung gian, những người nắm hầu hết doanh thu được tạo ra từ sản phẩm đó sau này.

Chú thích ảnh
Drake -Một trong những nghệ sĩ chỉ được hưởng khoảng 1/9 doanh thu từ sản phẩm của mình

Điều này đúng với nhiều ngành công nghiệp, nhưng tỏ ra đặc biệt nguy hiểm trong thị trường giải trí. Khi một công ty trung gian (như hãng thu âm chẳng hạn) kiểm soát phần quan trọng trong thị trường phân phối, họ có thể yêu cầu các nghệ sĩ xác nhận để họ nắm giữ một phần hoặc toàn bộ bản quyền ca khúc, như là một điều kiện để công ty đó đứng ra phân phối sản phẩm âm nhạc.

Bản quyền cho phép yêu cầu chính phủ trừng phạt những người sử dụng các sản phẩm mà chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu. Điều này cũng có nghĩa là khi các bên trung gian tận dụng lợi thế phân phối của họ để tích lũy nhiều danh mục bản quyền lớn, họ có thể sử dụng bản quyền đó để mua lại hoặc hủy hoại các đối thủ cạnh tranh, như trường hợp Disney mua lại Marvel, Lucas và Fox.

Họ thậm chí còn dựa vào đó để tiếp tục lớn mạnh và kiểm soát thêm thị phần, đồng thời tăng sức ép lên các nghệ sĩ: Một là chấp nhận các điều khoản, hai là không còn cách khác để gia nhập thị trường. Ví dụ như trong trường hợp hãng Disney ép các diễn viên phim Vệ binh dải ngân hà phải tham gia các phần tiếp theo dù họ không thích sự có mặt của đạo diễn James Gunn.

Thêm vào đó, khi một bên trung gian sở hữu bản quyền nội dung gặp một đại gia công nghệ, họ có thể bắt tay nhau và ra quyết định về số tiền kiếm được từ các ca khúc sẽ được phân phối như thế nào. Và dường như cả đôi bên đều thống nhất quan điểm rằng các nghệ sĩ sẽ nhận được số tiền ít nhất có thể, dù chính họ là những người tạo ra các sản phẩm đang được bán.

Chú thích ảnh
Có rất ít ca sĩ hạng A như Beyonce (ảnh) đủ nổi tiếng để cầm trịch cuộc chơi chia phần doanh thu

Giải pháp cho các nghệ sĩ

Đôi khi, các nghệ sĩ có thể tận dụng danh tiếng của mình để đàm phán mức thù lao cao hơn, nhưng những người đủ nổi tiếng để làm được như vậy chỉ chiếm 1%. Những người còn lại đều bị bỏ lại trong một sân chơi ngày càng khốc liệt, với ít khả năng đàm phán.

Tuy nhiên, có hai cách khả thi giúp cải thiện thu nhập của các nghệ sĩ. Một là tăng khả năng đàm phán bằng cách chia nhỏ các nhà độc quyền công nghệ số và độc quyền nội dung đồng thời ngăn chặn các vụ sáp nhập giữa hai bên trong tương lai. Hai là trao quyền cho các nghệ sĩ, để họ được phép xem lại hợp đồng bản quyền của mình sau một thời gian, để các nghệ sĩ thành công sau khi ký thỏa thuận bất lợi cho mình có thể thương lượng lại một hợp đồng xứng đáng hơn với công sức của họ. Tất nhiên cả hai giải pháp đều đòi hỏi thêm thời gian, cũng như sự liên kết của tất cả những người có chung quyền lợi.

Còn hiện tại, các nghệ sĩ đã chuyển sang lưu diễn, và xem đó như là nguồn thu nhập chính. Ngoài ra, cũng không phải toàn bộ báo cáo đều cho thấy xu hướng tiêu cực. Cụ thể, thống kê chỉ ra rằng phần doanh thu mà các nghệ sĩ nhận được đã thực sự tăng trong vài thập kỷ qua, từ 7% trong năm 2000 lên 12% trong năm 2017. Đây là hệ quả của việc các nghệ sĩ khám phá ra những cách thứcđể tự phát hành sản phẩm âm nhạc của họ. Và dù 12% vẫn là con số đáng lo ngại, báo cáo dự đoán tỷ lệ lợi nhuận của các nghệ sĩ sẽ tiếp tục tăng khi ngành công nghiệp đang trên đà thích ứng với thời đại trực tuyến.

Cheryl Cole muốn tấn công thị trường âm nhạc Mỹ?

Cheryl Cole muốn tấn công thị trường âm nhạc Mỹ?

Nguồn tin giấu tên mới tiết lộ, Cheryl Cole đã bỏ ra 3 triệu bảng để mua một căn hộ sang trọng phía tây kinh đô điện ảnh Hollywood.

Duy An (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm