Doanh nghiệp hy sinh vì Sơn Trà sẽ lấy được lòng dân

16/07/2017 00:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) – “Các nhà doanh nghiệp, vì thương hiệu của anh, vì tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội, nếu có chịu thiệt hại một phần nào đó, hy sinh một phần nào đó cho Sơn Trà đó chính là vinh dự cho họ và sẽ tăng lòng yêu mến của người dân đối với các thương hiệu đó…” đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tại Hội thảo về Sơn Trà ngày 15/7 tại TP Đà Nẵng.

Hội thảo khoa học Bảo tồn và Phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên Bán đảo Sơn Trà do Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng và Viện sinh thái học Miền Nam phối hợp tổ chức, thu hút khoảng 180 đại biểu trong đó có các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học trên cả nước và TP Đà Nẵng tham dự.

Nên tạm thời dừng các quy hoạch tại Sơn Trà

Nên tạm thời dừng các quy hoạch tại Sơn Trà là quan điểm của Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Chủ tịch hội đồng Khoa học Viện sinh thái học miền Nam. Theo TS. Long, mặc dù các quy hoạch tại bán đảo Sơn Trà đã được ký nhưng trong thời điểm nhạy cảm hiện nay thì nên dừng lại ít nhất 2 năm.

“Chúng ta làm các quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học ít nhất cũng mất khoảng 2 năm, sau khi có sự phê duyệt của UBND và HĐND rồi thì chúng ta sẽ điều chỉnh cái đó. Bởi việc xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học mất rất nhiều công sức, phải có sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học và sau thời gian đó họ sẽ chỉ ra được rất rõ chỗ nào nên giữ chỗ nào thì xây và chỗ nào thì bỏ trống, chỉ rõ trên từng mét đất. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ có được một kế hoạch bảo tồn và phát triển một cách bền vững”.

Chú thích ảnh
Nên tạm thời dừng các quy hoạch tại Sơn Trà

Hiện nay, Bán đảo Sơn Trà do rất nhiều cơ quan quản lý (UBND quận Sơn Trà, phường Thọ Quang, Chi cục Kiểm Lâm, Sở Du lịch,…

Và “chính vì nhiều người quản lý cuối cùng lại không có ai quản lý” – ông Huỳnh Tấn vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng chia sẻ.

Theo ông Vinh, sau khi tính toán lại bản quy hoạch Sơn Trà, thành phố cũng nên xem xét lại mô hình quản lý Sơn Trà thế nào để qua đó có thể lập lại trật tự tham quan Bán đảo Sơn Trà và chống những hành động xâm phạm vào tài nguyên rừng như săn bắt trộm, chặt cây và khai thác vô tội vạ như chiếm đất hoặc xây dựng bất hợp pháp.

 

Chú thích ảnh
Vooc chà vá chân nâu nằm trong sách đỏ Việt Nam đang sinh sống tại Bán đảo Sơn Trà

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Quan điểm của TP Đà Nẵng về Bán đảo Sơn Trà là phát triển du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng biển cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh. Bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai.

Đồng thời, phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thúc đẩy các ngành dịc vụ khác phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, gắn kết phát triển với khu Non nước Ngũ Hành Sơn, Hải Vân. Phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà bền vững, phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển Việt Nam cũng như quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

“Thu hồi các dự án ở Sơn Trà - bài toán khó nhưng phải giải”

Bàn về những động thái của chính quyền Đà Nẵng trong thời gian qua, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận: Theo cách hiểu tự nhiên, chính quyền Đà Nẵng, HĐND và UBND cũng như lãnh đạo các cơ quan phải có trách nhiệm trực tiếp và cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn Bán đảo Sơn Trà. Những hành động đó phải nằm trong khuôn khổ luật pháp chung của quốc gia, trong đó có một số chương trình của quốc gia.

“Luật pháp chúng ta có khung pháp lý đầy đủ và TP Đà Nẵng hành động trên cơ sở luật pháp, sự chỉ đạo, giám sát của Chính phủ, Quốc hội. Hành động của Đà Nẵng rõ ràng phải thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ phục vụ lợi ích của người dân Đà Nẵng. Người dân Đà Nẵng có quyền lợi ở việc khai thác ở Sơn Trà”, ông Nghĩa nói.

 

Chú thích ảnh
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa chia sẻ quan điểm về bảo tồn và phát triển Sơn Trà

Cũng theo ông Nghĩa, việc thu hồi các dự án tại Sơn Trà hiện này là một bài toán khó, nhưng khó đến mấy cũng phải giải. Trên cơ sở pháp lý, luật pháp của Việt Nam hiện nay, với tiềm lực cùng với sự quan tâm của cả nước, của Chính phủ, Quốc hội và công luận hiện nay đối với Sơn Trà thì dù bài toán có khó đến mấy cũng phải giải.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với các bộ, ngành về Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với các bộ, ngành về Quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà

Các dự án Đà Nẵng đã cấp phép, chấp nhận chủ trương có quy mô phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng; Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà quy định số phòng lưu trú giới hạn ở 1.600 phòng.

“Quan điểm của tôi là: Cái gì trái phép là phải dẹp, phải xử lý, thậm chí trừng trị nếu sự vi phạm nghiêm trọng. Cái gì hợp pháp nhưng nay không hợp lý nữa, không có lợi nữa thì chúng ta phải tìm giải pháp đáp ứng lợi ích của các bên. Tất nhiên có những giải pháp hợp lý nhưng có thiệt hại, thì thiệt hại này chúng ta phải bàn cách chia sẻ. Vận động doanh nghiệp vì thương hiệu của họ, vì tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội, nếu doanh nghiệp có chịu thiệt hại một phần nào đó, hy sinh một phần nào đó cho Sơn Trà đó chính là vinh dự cho họ và sẽ tăng lòng yêu mến của người dân đối với các thương hiệu đó”.

Cũng theo ông Nghĩa, đã từng có những doanh nghiệp đã từng hiến đất, hiến tài sản cho xã hội. Trong trường hợp này, để bảo vệ Sơn Trà các nhà doanh nghiệp, các cá nhân nào đó nếu bị thiệt hại thì chính quyền phải làm việc với họ. Một mặt, nếu thiệt hại theo luật pháp phải đền bù thì chúng ta đền bù, nhưng quá sức chịu đựng về ngân sách thì chúng ta vận động họ hi sinh một phần nào đó, làm được điều đó nhân dân Đà Nẵng và cả nước sẽ hoan nghênh họ.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm