03/02/2013 12:28 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi trót mang tình đầu "tay ba" với văn chương và hội họa. Nhưng hội họa chọn tôi trước. Đã yên lòng với hội họa. Bây giờ đến lượt văn chương chọn hành tôi”, đó là lời tự sự của họa sĩ/ nhà văn Đỗ Phấn, ở tay gấp bìa tiểu thuyết Gần như là sống, NXB Trẻ 2013.
Trước khi bước chân vào làng văn chương Việt Nam với tiểu thuyết đầu tay Vắng mặt, và liên tiếp sau đó là hai tiểu thuyết Chảy qua bóng tối, Rừng người, Đỗ Phấn là người bạn thân thiết của nhiều văn sỹ.
Nhà văn Đỗ Phấn
Một đời vẽ
Hễ ai ra sách, việc đầu tiên là chọn người thiết kế bìa, và Đỗ Phấn luôn được bạn bè gửi gắm tin cậy.
Thuở trước, khi bìa còn vẽ tay, Đỗ Phấn thiết kế cho hầu hết các nhà văn, nhà thơ. Ông cho rằng, mình là họa sỹ gần như duy nhất “vẽ minh họa mà đọc truyện”. Có lần, họa sĩ Thành Chương đưa cho ông tập bản thảo Tướng về hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để vẽ minh họa, bản thảo bị chó gặm một nửa, Đỗ Phấn đọc hết phần còn lại, xong mới bắt tay vào làm.
Dăm lần gặp Đỗ Phấn ở quán bia. Có thời gian, thấy cặp kè với nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà thơ Nguyễn Chí Hoan. Trời nóng, thấy ông áo quần chỉn chu, thêm tóc bạc râu dài, nom càng nóng.
Đỗ Phấn uống nhiều mà nói ít, trông chất mặt cứ hiền hiền, chẳng bỗ bã ầm ào như Nguyễn Việt Hà, cũng không cười mủm mỉm kiểu Nguyễn Chí Hoan, được cái tranh trả tiền thì nhanh. Xong, đút tay thủng thẳng vào túi quần mà đi, chưa được thấy dáng ngật ngưỡng tựa chất nhà văn Bảo Ninh khi say.
Đỗ Phấn được học hành đào tạo bài bản về mỹ thuật trong trường Yết Kiêu, đã triển lãm trên dưới 30 cuộc. Tranh ông vẽ đủ đề tài, từ chiến tranh, đến chất độc màu da cam, phụ nữ trẻ con đến phong cảnh.
Trong một triển lãm nhóm tại Trung tâm nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, tình cờ tôi được ngắm tranh lụa của Đỗ Phấn. Ba bức nằm trong bộ tranh được sáng tác từ xưa xa. Đỗ Phấn vẽ Hà Nội mơ màng đẹp nuột nà. Màu giản đơn mà hài hòa. Ban công, hoa đêm, phố lắng sâu hun hút. Mỗi bức tranh thể hiện rõ ràng một tâm hồn nhạy cảm, một cái đầu tinh khiết và bàn tay tài hoa.
Bất ngờ 2 năm 4 tiểu thuyết
Đỗ Phấn chia sẻ, ông cầm bút viết văn trước khi vẽ. Nguyên do bởi từ nhỏ đã sống trong sách. Ông nội từng lều chõng đi thi cùng cụ Ngô Tất Tố. Bố của ông, từng là Tổng biên tập NXB Thanh Niên từ năm 1959 đến 1964.
Đỗ Phấn viết văn, chỉ dành riêng mình, không nghĩ chuyện chia sẻ bạn hữu hay in ấn. Đến năm 2005, Đỗ Phấn quyết tâm dồn sức vào văn chương. Cùng một lúc, ông viết 6 đến 7 cuốn tiểu thuyết.
Một ngày đẹp trời, năm 2010, nhân dịp Công ty sách Bách Việt tổ chức cuộc thi tiểu thuyết, tôi cầm trên tay bản thảo tiểu thuyết Vắng mặt đã hoàn chỉnh của Đỗ Phấn, đây cũng là cuốn viết xong đầu tiên. Tò mò bởi lời giới thiệu của Cao Việt Dũng, “được phết đấy, đọc đi”, tôi lật lật mấy trang. Cảm nhận chất văn không hợp với mình, nhưng vẫn đọc, đủ cảm thấy Đỗ Phấn viết văn không phải để vui. Với nhiều nhiệt tâm, Đỗ Phấn dồn hết tình thương loài người vào ngữ nghĩa.
Nhưng dù sao, tôi vẫn thích tranh của Đỗ Phấn hơn tiểu thuyết ông viết. Vì tranh trong lành bao nhiêu, tiểu thuyết lại u ám trái ngược bấy nhiêu. Nhìn tranh thêm yêu cuộc sống, đọc tiểu thuyết thì thấy chán đời. Đỗ Phấn cứ như là hai con người, khi phân chia phần hội họa, phần văn chương.
Bìa tiểu thuyết Gần như là sống
Thế giới không màu, tình người mờ mỏng
Tiểu thuyết Gần như là sống, Đỗ Phấn viết kết thúc vào tháng 3/2011, chữa lại vào tháng 8/2012, NXB Trẻ in, phát hành vào tháng 2/2013. Một nỗ lực lớn khi trong 2 năm cho ra mắt đến 4 tiểu thuyết.
Về những trang văn của Đỗ Phấn, nhà báo Đỗ Quang Hạnh, một BTV rất cởi mở với những sáng tạo cá nhân, kể cả cái sáng tạo ấy "khùng khoằm" và không dành cho số đông độc giả, viết: “Cái thế giới màu sắc trong văn của Đỗ Phấn như không màu, hoặc chỉ một thứ màu bàng bạc xam xám và nặng trĩu”.
Đến Gần như là sống, vẫn tiếp tục thế giới không màu ấy, thêm cả thế giới không nụ cười, thiếu nồng ấm tình thân. Con người sống vật vờ giữa cõi đời tẻ nhạt. Tưởng có mục đích trên đường đi phía trước, rốt cuộc là cái "không". Tình cảm giữa người với người thì mờ mỏng, sốt sắng cháy bỏng như tình yêu cũng là thoáng gió giữa sóng biển khơi:
“Hình như người tình là thứ luôn nên bí mật. Chẳng chụp ảnh làm gì. Không phải vì sợ những ghen tuông ầm ĩ mà chỉ là chỗ đứng của mình trong ảnh không bao giờ đáng tin cậy. Rất có thể chỗ ấy được thay bằng một người khác” (tr.32).
Gần như là sống, với gần 400 trang in, không dễ để đọc nhanh, cũng khó nhẩn nha nếm náp. Giọng văn chậm chạp, thiên về miêu tả, tự sự, nhân vật cũng như tác giả tưởng còn trẻ trung thanh tân, nhưng kỳ thực tâm hồn vừa kịp già, sức không còn mạnh nhưng vẫn cố mà thương lấy đời, thích lấy người, tận cùng nốt tháng ngày xanh xao còn lại.
Người đứng sau những câu văn dài, hiện thân thành nhân vật nam chính tên Thành, tự xưng “tôi”, nhân rảnh rỗi chưa biết mình cần làm gì, nên làm gì, thế nên nhìn ngắm sự tình đi ngang qua đời. Thấy đâu, nghe đâu cũng dễ liên tưởng cho mọi suy nghĩ rồi ngẫm. Các cảm xúc xấu, tốt cũng từ đó mà xâu chuỗi theo nhau.
“Hư vô tôi nhìn ra phố. Thấy mọi người như dính vào nhau trong chiếc bào thai khổng lồ giữa con đường hai cạnh sắc. Rùng rình rùng rình. Tràn vào từng ngôi nhà qua những khuôn cửa tối không định hình. Mất hút” (tr.213).
Nhân vật trong Gần như là sống, đúng như cái tên truyện, không thể nói là biết sống cho ra sống. Dĩ nhiên, bởi họ là những người rất bình thường trong cuộc đời, những nhân viên văn phòng và dăm dân chài nghèo.
Tiểu thuyết Gần như là sống Nhân vật chính tên Thành, sống đỡ tẻ nhạt hơn là bởi anh có chút nghệ thuật, biết vẽ vài bức tranh vừa đủ để “tán gái”, biết say mê tiếng gù của chim gáy, cũng có vợ cũ và bồ mới, đùa nghịch cả gái làng chơi, và vẫn cứ chìm ngập giữa cô độc với đủ suy nghĩ nặng nề. Rồi rốt cuộc, đến trang kết của tiểu thuyết, mới thấy tí ti sáng sủa, khi Thành ra bãi giữa sông Hồng dưới cơn mưa ào ạt, chùng mình dưới lớp áo mưa để nghe tiếng hồn nhiên trẻ thơ vẫy gọi: “ông chụp ảnh ơi, bác gì ơi, xuống đây mà trú mưa” (tr.392) nhưng rồi “tiếng gọi mỏng manh sững lại. Rơi vào cơn mưa” (tr.392). |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất