Thời gian để yêu: Một Đỗ Bảo hiện đại & cổ điển

26/02/2009 14:41 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Thời gian để yêu (Đỗ Bảo) nằm trong nhóm ablum được lựa chọn của giải Cống hiến. Một album pha giữa nhẹ nhàng pop, lãng đãng jazz và phảng phất đôi chút không gian semi-classic.
 
Nhiều người nghe thích Mây bởi sự gượng nhẹ của nó, trong mảng lời âu yếm, trong phần phối khí mang màu sắc cổ điển và nhất là phần hát dìu dặt hòa quyện của Tùng Dương. Những cô gái trẻ lại một mực yêu quý Bức thư tình thứ 4 trẻ trung do Hồ Quỳnh Hương thể hiện cùng hai ca khúc thuộc loại giai điệu catchy (bắt tai) nhất album là Thời gian để yêu Những khung trời khác đều do Nguyên Thảo hát.
 
Da diết hơn chút nữa là Đôi mắt xanh chỉ vì Thanh Lam xử lý đầy bão tố thăng hoa ca khúc, Chìm trong muôn thuở khắc khoải với Ngọc Anh (không hiểu sao lại nghe hao hao Hà Trần) và Thủy chung bình thản qua giọng hát “người đàn ông trẻ con” Lê Hiếu.

Khó nghe nhất album là hai bài Hà Trần hát, Bài ca tháng 6Câu trả lời, theo Đỗ Bảo là do “làm theo quy trình ngược, Hà hát ở bên Mỹ trước và về Việt Nam, tôi làm nhạc theo những lời hát ấy”. Chất tự sự trong ca khúc và lối hát như kể của Hà Trần rất gần với phong cách âm nhạc của diva tự sự thế giới Barbra Streisand. Bức thư tình thứ 3 - Tấn Minh và Kỷ niệm - Huy Phạm đều mang hơi hướng pop cổ điển.

Với tôi, thích nghe nhất vẫn là Ngược sáng, một bản jazz gọn gàng khúc thức, có cao trào, có khoảng lặng và tâm thế chững chạc, không gượng về cảm xúc, câu chữ và không bị miên man như một số tác phẩm khác trong album.

Điều thú vị nhất ở âm nhạc Đỗ Bảo vẫn là sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại, từ ca từ đến giai điệu và phối khí. Có lẽ do con người anh cổ điển, nhưng anh buộc phải thích ứng với đời sống hiện đại nên mới có được sự kết hợp ấy chăng?! Chính bởi sự giao thoa ấy, sự kết hợp được những giá trị tâm hồn ấy mà thế hệ trước nghe nhạc Đỗ Bảo thấy gần gũi, trí thức trẻ lại càng yêu thích đồng cảm, mặc dù để hát theo hay thuộc hết lời thì... hơi khó.

Nếu nói Đỗ Bảo ở Vol.1 Cánh cung chưa định hình về phong cách, thì Vol.2 này đã đủ thống nhất để “nghe là biết” Đỗ Bảo. Rất chuyên nghiệp, trau chuốt, khẳng định phong cách lãng mạn khá chín, đằm và sâu về cả ca từ lẫn âm nhạc, tuy nhiên cũng chính vì thế mà Thời gian để yêu không có được những phút bột phát thăng hoa để đời của tuổi trẻ như album Cánh cung từng có. Ngoài ra, album còn chịu tiếng là mono-tone một màu - đây có thể minh chứng cho sự đòi hỏi đầy mâu thuẫn của người nghe (trong đó có tôi), vừa muốn định hình, lại muốn đa dạng nữa - mà thật ra cũng không hẳn là điều bất khả.

“Căn bệnh” trong ca khúc Đỗ Bảo thì vẫn thế, hơi sa vào dài dòng, nhạc nệ lời, dẫn đến có những câu nhạc đang rất đẹp bỗng chuyển sang câu khác nghe nhạt hẳn - dù có thể nó đã nằm trong ý đồ lý tính của nhạc sĩ. Tưởng là tình cảm (thuộc bản chất) mà cũng đầy lý trí (do nghề nghiệp), và 2 tính chất ấy “đánh lộn” lẫn nhau, nên ca khúc Đỗ Bảo hay bị dùng dằng. Hẳn cũng đã đến lúc Đỗ Bảo nên ngừng viết những bức thư tình đèm đẹp để viết ra cho mình những bài tản văn đời và sâu hơn.
 
Hải Thủy (nguyên phóng viên Giai điệu xanh)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm