Djokovic và Murray chia tay: Cuộc phiêu lưu ngắn ngủi, nhưng đáng nhớ

15/05/2025 05:57 GMT+7 | Tennis

Việc Andy Murray chia tay Novak Djokovic không hẳn là một cú sốc. Và 6 tháng hợp tác giữa họ, dù không mấy thành công, vẫn là trải nghiệm đáng nhớ với cả hai.

3 tháng sau khi giải nghệ, Andy Murray đang tận hưởng cuộc sống bên gia đình và cải thiện kỹ năng… chơi golf. Ở đó, anh từng thẳng thừng từ chối ý tưởng làm huấn luyện viên, nhưng ngay sau đó, một tin nhắn từ Novak Djokovic đã thay đổi tất cả. Tay vợt nam thành công nhất lịch sử đề nghị đối thủ cũ huấn luyện mình, và Murray không thể từ chối.

Sự hợp tác tạm thời

Mục tiêu ban đầu của Murray là giúp Djokovic giành danh hiệu Australian Open thứ 11, phá kỷ lục Grand Slam của huyển thoại Margaret Court. Sự hợp tác này được xem là tạm thời, chỉ kéo dài qua giải đấu tại Melbourne. Sau khi Nole lọt vào bán kết Australian Open 2025, kế hoạch ban đầu là Murray sẽ tiếp tục đồng hành đến Roland Garros, giải đấu sẽ khởi tranh vào 25/5.

Sự hợp tác ấy đã kéo dài 6 tháng, qua 4 giải đấu, nhưng rồi kết thúc sau thất bại đáng thất vọng của Djokovic trước Matteo Arnaldi (44 ATP) tại Madrid Masters. Djokovic thể hiện phong độ tệ hại, và sau đó nói rằng anh phải chấp nhận "thực tế mới" - tham gia các giải đấu với hy vọng thắng 1 hoặc 2 trận, thay vì mang về cúp vô địch. Trước trận đấu với Arnaldi, một đoạn video ghi lại cảnh Djokovic tức giận trong buổi tập, hét lên: "Mẹ kiếp môn thể thao này, mẹ kiếp quần vợt, mẹ kiếp tất cả".

Cuộc chia tay được đội ngũ Murray mô tả là "thỏa thuận chung". Djokovic cảm ơn Murray trên mạng xã hội, còn Murray chúc anh "mọi điều tốt đẹp" cho phần còn lại của mùa giải. Mối quan hệ huấn luyện viên-tay vợt này thiếu cả sự hòa hợp lẫn kết quả xuất sắc. Dù từng là đối thủ suốt 25 năm, Murray và Djokovic không thân thiết ở mức cá nhân. Tại Australian Open, họ giống như một cặp đôi đang tìm hiểu nhau. Sau chiến thắng trước Carlos Alcaraz ở tứ kết, cả hai chia sẻ một cái ôm ấm áp, nhưng Murray thừa nhận anh hơi "xấu hổ" vì sự chú ý mà sự hợp tác này nhận được. Sau đó, Djokovic chấn thương gân khoeo trong trận bán kết với Alexander Zverev và phải bỏ cuộc.

Hiệu quả hợp tác và những khó khăn của Djokovic

Những kết quả vừa qua của Djokovic không như mong đợi. Anh thua sớm tại Indian Wells trước Botic van de Zandschulp, lọt vào chung kết Miami Open, nhưng sau đó thua liên tiếp trước Alejandro Tabilo ở Monte Carlo và Arnaldi ở Madrid. Thất bại trước các tay vợt ngoài Top 30 cho thấy phong độ của Djokovic sa sút nghiêm trọng so với thời kỳ hay nhất, khi anh từng đối đầu Murray ở đỉnh cao quần vợt.

Murray được đưa vào nhờ chuyên môn chiến thuật và hiểu biết về các đối thủ như Alcaraz và Jannik Sinner, nhưng giá trị đó giảm đi khi Djokovic hiếm khi tiến sâu để đối đầu họ. Sau trận thua Arnaldi, Djokovic thừa nhận anh phải chấp nhận "thực tế mới" - tham gia giải đấu với hy vọng thắng vài trận thay vì vô địch. Nole thậm chí không còn được xem là ứng viên hàng đầu cho Roland Garros, giải đấu anh đã vô địch 3 lần.

Novak Djokovic và Andy Murray chia tay: Cuộc phiêu lưu ngắn ngủi, nhưng đáng nhớ - Ảnh 1.

Djokovic và Murray đã có những trải nghiệm đáng nhớ với mối quan hệ thầy trò

Djokovic cũng đang phân tâm với các hoạt động ngoài sân, như lãnh đạo Hiệp hội tay vợt chuyên nghiệp (PTPA) và quỹ từ thiện của mình. Một số ý kiến trong làng quần vợt Anh không bất ngờ khi mối quan hệ này kết thúc, thậm chí ngạc nhiên vì nó kéo dài đến 6 tháng. Ở Serbia, cũng có chút bất ngờ, nhưng chủ yếu là về thời điểm công bố, khi Roland Garros chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là khởi tranh. Tất cả những điều này khiến Djokovic trông như một ứng viên yếu ớt cho một danh hiệu lớn, điều chưa từng thấy kể từ những khó khăn về thể chất và tinh thần của anh trong nửa cuối năm 2016 đến nửa đầu năm 2018.

Stefanos Tsitsipas và Coco Gauff nói với The Athletic ở Madrid rằng không bao giờ nên loại Djokovic khỏi một Grand Slam. Quan điểm này được Alexander Zverev lặp lại, nhưng rõ ràng, theo bất kỳ thước đo khách quan nào, anh trông có vẻ hơi lạc lối. Djokovic bỏ qua Rome Masters tuần này mà không giải thích, nhưng sẽ chơi Geneva Open, một sự kiện cấp 250, cấp thấp nhất trong ATP Tour vào tuần tới để tìm kiếm chiến thắng đầu tiên trên sân đất nện (thậm chí là set đầu tiên) trong năm.

Djokovic, hiện xếp hạng 6 thế giới, rất tài năng trên sân đất nện, nên anh vẫn có thể đến Roland Garros và tạo ra một chuỗi trận ấn tượng, nhưng ngày càng có vẻ như Wimbledon mới là nơi anh sẽ dồn năng lượng để giành Grand Slam thứ 25, một giải đấu anh đã vô địch 7 lần và trên mặt sân cỏ, nơi rất ít tay vợt hàng đầu ATP cảm thấy thoải mái.

Và anh sẽ làm điều đó mà không có Murray, người đã 2 lần vô địch Wimbledon và trở thành biểu tượng của giải đấu này.

Tương lai của Murray và Djokovic

Không còn đồng hành cùng Djokovic, Murray đối mặt với nhiều lựa chọn. Đây sẽ là kỳ Wimbledon thứ 2 anh không thi đấu kể từ khi ra mắt cách đây 20 năm. Anh có thể xuất hiện tại giải với vai trò chưa xác định, có thể là bình luận viên cho kênh BBC như năm 2018, dù anh từng nói không thích trải nghiệm này. Với tư cách là một nhà phân tích sắc sảo, Murray có thể đảm nhận vai trò bình luận viên hoặc nhà phân tích trường quay nếu muốn.

Murray hiện đang có hợp đồng với Chartwell Speakers, một công ty đại diện diễn giả có trụ sở tại London, để trở thành diễn giả truyền cảm hứng. Về huấn luyện, Murray chưa quyết định liệu có tiếp tục hay không. Anh thừa nhận cần nâng cao kiến thức kỹ thuật để sánh ngang các HLV giàu kinh nghiệm, dù anh giỏi về chiến lược và tâm lý thi đấu. Một số nguồn tin trong quần vợt Anh gợi ý anh phù hợp với vai trò đội trưởng Davis Cup, nơi anh có thể chia sẻ kinh nghiệm mà không cần đi sâu vào kỹ thuật. Murray từng dẫn dắt Vương quốc Anh vô địch Davis Cup năm 2015. Ngoài ra, làm việc với Jack Draper, tay vợt hạng 5 thế giới, hoặc một tay vợt WTA hàng đầu cũng là khả năng, nhưng chỉ một nhân vật lớn mới có thể lôi kéo anh khỏi cuộc sống giải nghệ.

Với Djokovic, 6 tháng hợp tác với Murray là một canh bạc đáng thử, dù không mang lại kết quả như mong đợi. Nếu không dính chấn thương tại Australian Open, anh có thể đã đối đầu Sinner ở chung kết và tiến gần hơn đến kỷ lục Grand Slam. Hiện tại, anh đối mặt với một giai đoạn bất ổn, từ phong độ sa sút đến các ý tưởng gây tranh cãi như thêm vũ công giữa trận đấu. Dù vậy, với tài năng và kinh nghiệm, Djokovic vẫn là mối đe dọa tại các Grand Slam, đặc biệt trên sân cỏ Wimbledon.

Với Murray, trải nghiệm này mang lại cái nhìn sâu sắc về một tay vợt đỉnh cao trong năm 2025. Giờ đây, anh có thể bắt đầu tận hưởng cuộc sống giải nghệ, cho đến khi một lời đề nghị hấp dẫn khác xuất hiện.

Rome Masters 2025: Sinner đạt cột mốc ấn tượng hơn cả Big Three


Đánh bại Francisco Cerundolo 7-6 (2), 6-3 ở vòng 4 Rome Masters, Jannik Sinner xác lập cột mốc quan trọng mà ngay cả những huyền thoại như Roger Federer, Rafael Nadal và Novak Djokovic đều không làm được.


Cerundolo là tay vợt thắng nhiều trận sân đất nện nhất kể từ đầu năm 2025 (18) và từng hạ Sinner ở Roma 2 năm trước. Nhưng Sinner, người mới chỉ làm nóng 1, 2 trận sau khi nghỉ 3 tháng, đã đòi món nợ cũ để đạt mốc 50 trận thắng trên cương vị tay vợt số 1 thế giới. Anh đạt mốc ấy sau 53 trận, cân bằng kỷ lục của Bjorn Borg, Jimmy Connors, và bỏ xa Federer (54), Rafael (56) và Djokovic (58). Sự ổn định đáng kinh ngạc của Sinner kể từ khi trở thành số 1 thế giới đã mang lại cho anh tỷ lệ thắng ấn tượng 94,3% trên đỉnh bảng xếp hạng ATP năm ngoái.


Chiến thắng trước một đối thủ khó khăn như Cerundolo là thông điệp đầy cảnh báo của Sinner đến các đối thủ, rằng anh đang thi đấu với tâm lý thoải mái hơn sau khi vượt qua cơn ác mộng từ kết quả kiểm tra doping dương tính. "Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau 1 năm chịu nhiều áp lực. Giờ đây, tôi không còn gánh nặng đó nữa", Sinner chia sẻ.

Sinner cũng bóng gió rằng anh sẽ cân nhắc lại việc tham dự giải ATP 500 ở Hamburg vào tuần tới, vì anh đang có nhiều cơ hội thi đấu hơn dự kiến trong sự kiện trở lại tại Rome.

Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm