06/07/2017 07:16 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày nay, chuyện diva Trần Thu Hà (Hà Trần) hát Anh cứ đi đi, một bản hit của Hari Won, lại dấy lên.
Nếu so sánh sự khác nhau của 2 bản thu âm có thể thấy: Trước hết về chất lượng giọng hát, thì Trần Thu Hà “đỉnh” hơn (dĩ nhiên, vì cô là một diva), cách hát của Thu Hà có rất nhiều “phá” nhịp làm giai điệu phóng khoáng hơn, xử lý giữa đoạn đầu và điệp khúc tạo hiệu quả tương phản về sắc thái tình cảm, xử lý mạnh - nhẹ trong từng câu, từng chữ hợp lý làm cho giai điệu nhiều màu sắc hơn… Phần thể hiện của Hari Won thì tiết tấu cũng như sắc thái đều đều, dễ tạo cảm giác đơn điệu.
Một số người cho rằng Trần Thu Hà đã làm phong phú cho bài hát, khoác thêm cho nó chiếc áo mới.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác đã quen nghe Hari Won hát, họ cho rằng Hari Won hát nhẹ nhàng, dễ nghe hơn, còn Trần Thu Hà hát có cảm giác nặng nề…
Nhìn chung, tùy đối tượng cảm nhận, việc yêu hay thích một bài hát đối với đại đa số công chúng âm nhạc đôi lúc không thể cắt nghĩa dưới góc độ chuyên môn âm nhạc.
Bài hát Anh cứ đi đi là bài hát mang tính giải trí, nhẹ nhàng của đại chúng. Nội dung lời ca là cảm xúc tình yêu của một cô gái: cô yêu một chàng trai, khi thấy người này tay trong tay với một cô gái khác, cô gái buồn “Mình buồn vì tim mình đau”, “Nước mắt đã dâng khóe sầu” và cô gái quyết định: “anh cứ đi đi”, “bỏ mặc em”. Giai điệu bài hát nhẹ nhàng, dễ nghe, ca sĩ dễ thể hiện. Nội dung lời ca cũng như cảm xúc âm nhạc không “triết lý sâu sắc” hay “nội tâm kịch tính”… để cần đến sự dụng công của một diva. Những bài hát kiểu này thì cũng khá nhiều trên thị trường, không có gì đặc biệt và giới chuyên môn không đánh giá cao về nghệ thuật.
***
Đặc điểm của diva là họ có giọng hát chất lượng, với kỹ thuật “thượng thừa”, thường thể hiện các bài hát có chiều sâu nội tâm hoặc những giai điệu độc đáo nhưng cần kỹ thuật cao về thanh nhạc.
Nếu thuở khởi nghiệp, Trần Thu Hà chỉ hát những bài hát như Anh cứ đi đi có lẽ chẳng bao giờ cô trở thành diva. Cô được tôn vinh diva là một “ân sủng” mà người yêu nhạc đã dành cho cô. Điều đó cũng có nghĩa đông đảo công chúng âm nhạc kỳ vọng sẽ được nghe những giai điệu âm nhạc tương xứng với đẳng cấp diva khi cô đứng trên sân khấu trình diễn. Ca sĩ trong đời sống âm nhạc gần như có một sự “phân cấp”, đại khái, diva thì hát những bài khác, còn tầm như Anh cứ đi đi thì để cho những ca sĩ như Hari Won. Giết gà thì không cần đến dao mổ trâu.
Diva hát một bài hát thị trường cũng chẳng sao cả, tuy nhiên nếu cổ súy cho điều này và Trần Thu Hà cứ hát nhạc thị trường để phục vụ cho một bộ phận công chúng thì sự nghiệp của Trần Thu Hà xem như dừng lại, chưa nói là thụt lùi, và đó không phải là “nhiệm vụ” chính của một ca sĩ khi được công chúng ưu ái trao “danh hiệu” diva.
***
Những người học thanh nhạc theo “trường phái” opera thì không hát nhạc bolero, hay các pianist thì không đi đánh đàn ở quán bar, khách sạn… Vì như vậy thì không phù hợp và không giúp họ phát triển được chuyên môn âm nhạc. Hoặc các solist trên thế giới, ngày đêm rèn luyện, phấn đấu để ít nhất một lần được biểu diễn tại Carnegie Hall - phòng hòa nhạc danh giá tại New York (Mỹ).
Những điều đó nói lên động lực phấn đấu và là niềm kiêu hãnh của nghệ sĩ mà không phải ai cũng có điều kiện để có được.
Tuy nhiên, niềm kiêu hãnh hay sự phấn đấu của nghệ sĩ thì thuộc về quyền cá nhân, chúng ta không thể bắt họ làm theo ý mình…
Hải Long
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất