18/04/2025 16:00 GMT+7 | Tin tức 24h
Trước ngày 30/4/1975 lịch sử, Dinh Độc Lập là một trong những cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn, nơi chứng kiến sự can thiệp quân sự của nước ngoài gây chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam.
Sau ngày giải phóng, đây là công trình kiến trúc đặc sắc, di tích lịch sử đặc biệt - nơi lưu giữ dấu ấn về ngày chiến thắng, kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là ý nghĩa của tên gọi hiện tại của công trình - Hội trường Thống nhất.
Dấu ấn ngày 30/4 lịch sử
Những ngày cuối tháng 4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh với năm cánh quân theo năm hướng tiến hành tổng công kích Sài Gòn - Gia Định. Các cánh quân hừng hực khí thế, cùng chiến lược tấn công "thần tốc' đã làm nội bộ chính quyền ngụy Sài Gòn phân hóa mạnh mẽ.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Bí danh Trần Văn Quang - Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, lúc bấy giờ là Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động, đơn vị cùng với Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) theo hướng Tây Bắc chia các mũi tấn công hướng về Dinh Độc Lập, nay đã 98 tuổi nhưng ông vẫn nhớ tất cả những sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là ngày 30/4 /1975.
Cổng Dinh Độc Lập 50 năm sau ngày toàn thắng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Ông Tư Cang nhớ lại, khi các đoàn quân tiến về Sài Gòn như "thác đổ", đến 9 giờ 30 phút sáng 30/4/1975, tại Dinh Độc lập, Tổng thống Dương Văn Minh phát đi tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn quyết định đơn phương ngừng bắn và trao quyền lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên lời tuyên bố lúc đó đã không còn giá trị. Cùng lúc đó, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2, sau khi đè bẹp một số mục tiêu quan trọng ở Thủ Đức, lần lượt vượt qua cầu Sài Gòn và cầu Thị Nghè tiến thẳng về hướng Dinh Độc Lập.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 - thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Dinh Độc Lập trở thành "chứng nhân" lịch sử, là nơi lưu giữ dấu ấn của chiến thắng vàng son, ghi dấu thời khắc kết thúc của chính quyền Sài Gòn.
Hồi tưởng lại khoảnh khắc lịch sử, Đại úy Vũ Đăng Toàn, nguyên là Đại đội trưởng, Trưởng xe tăng đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa 30/4, từng chia sẻ: "Đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất, oai hùng nhất không thể nào quên của ông và các đồng đội. Để xe tăng của ta tiếp cận được cổng Dinh Độc Lập là biết bao nhiêu chiến sĩ, đồng bào ta đã hy sinh. Chính tôi cũng không ngờ rằng mình được chứng kiến những giây phút lịch sử chói lọi đó của Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Công trình biểu tượng về Thống nhất
Được xây dựng vào năm 1868, Dinh Độc Lập có tên ban đầu là Dinh Norodom. Đến năm 1962, Dinh được xây dựng lại theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng Khôi nguyên La Mã (Giải thưởng danh giá dành cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc, hội hóa, điêu khắc và kiến trúc). Qua lời kể của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, con trai của ông Ngô Viết Thụ, cha ông đã khéo léo gửi gắm thông điệp về chủ quyền của Việt Nam trong thiết kế tổng thể mặt tiền Dinh Độc Lập.
"Ý nghĩa triết tự đưa vào mặt tiền của Dinh Độc Lập, gồm có: Chữ "tam" ba nét ngang (viết nhân, viết minh, viết võ); thêm nét dọc là chữ "chủ" mang ý nghĩa nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam; trên cùng là chữ "trung" nhắc đến ý nghĩa là phải "trung với nước" và hình ảnh mặt tiền chung tạo thành chữ "hưng" thể hiện mong cầu của nhà thiết kế về đất nước hưng thịnh mãi", kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết.
Các bạn trẻ chụp ảnh kỷ niệm trong ngày đầu năm mới 2025 trong khuôn viên Dinh Độc Lập. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Vẻ đẹp kiến trúc của Dinh Độc Lập còn được thể hiện qua bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao xung quanh tầng 2. Ở thời điểm đó, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kiến tạo một công trình mang phong cách kiến trúc hiện đại dựa trên tư duy triết lý phương Đông rõ nét. Bức rèm đó cũng lấy ý tưởng từ lối kiến trúc cổ ở các bức cửa bàn khoa trong cung đình Huế. Một điểm khác biệt khác là thay vì làm mái cong lặp lại kiến trúc cổ điển của Việt Nam thì ông Ngô Viết Thụ đã đưa ra phương án làm một mái bê tông khoét nhẹ tạo dáng một hình cong để gợi lại hình ảnh của kiến trúc xưa, nhưng với một tinh thần hoàn toàn hiện đại.
Tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Dinh Độc Lập không chỉ là một di tích quốc gia đặc biệt mà còn là một không gian biểu tượng độc đáo của văn hóa chính trị Việt Nam hiện đại. Từ trung tâm quyền lực mang tính lịch sử, nơi đây đã chuyển hóa thành điểm hội tụ của ký ức dân tộc, khát vọng hòa bình, thống nhất lãnh thổ và hòa hợp cộng đồng trong một quốc gia từng trải qua chia cắt. Từ góc nhìn văn hóa học, Dinh Độc lập không chỉ tượng trưng cho sự kết thúc của chiến tranh mà còn mở ra một diễn ngôn lớn về sự thống nhất và hòa hợp dân tộc.
Theo Tiến sĩ Tạ Duy Linh, trong tầng sâu biểu tượng, Dinh Độc Lập chính là nơi kết tinh của ý chí hòa hợp, thống nhất, nơi quá khứ được tưởng niệm không phải để khơi lại. Đây là không gian của bản lĩnh Việt Nam, biết vượt lên nỗi đau, hóa giải khác biệt bằng tinh thần bao dung và biến ký ức lịch sử thành động lực để kiến tạo một quốc gia thống nhất về ý chí, đoàn kết trong hành động. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của Dinh ngày nay cần đặt trong một chiến lược văn hóa hiện đại, nhằm làm sống lại biểu tượng chứ không chỉ "đóng khung" trong hoài niệm. "Dinh Độc Lập có thể trở thành một trung tâm giáo dục công dân, một không gian trải nghiệm di sản, nơi thế hệ trẻ được truyền cảm hứng để hiểu rằng hòa bình, thống nhất và hòa hợp không phải là điều đã xong, mà là hành trình cần tiếp tục nuôi dưỡng qua từng thế hệ", Tiến sĩ Tạ Duy Linh nói.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất