20/03/2015 16:00 GMT+7 | Thế giới
Trước vấn đề bạo lực học đường đang ở mức báo động, PV Thethaovanhoa.vn có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý - Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM.
* Vừa qua ở trường THCS Lý Tự Trọng (tỉnh Trà Vinh) có các nữ sinh dùng ghế nhựa đánh hội đồng bạn học. Anh nhìn nhận về vụ việc này thế nào?
- Trẻ con thỉnh thoảng có gây gổ với nhau là chuyện bình thường. Nhưng đánh nhau theo kiểu “ra đòn” dã man và “cơm bữa” như thời gian qua thì không còn bình thường, đặc biệt là đối với những bạn trẻ đã không hoàn toàn còn là trẻ con nữa. Điều tôi lo sợ nhất là việc tương lai những em này có thể trở thành “đầu gấu” của xã hội nếu chúng ta không uốn nắn đúng cách ngay lập tức.
* Trong clip nữ sinh Trà Vinh bị đánh không thấy ai can ngăn, anh nghĩ thế nào?
- Những lúc tôi nói chuyện về bạo lực học đường ở các trường trung học, khi đặt câu hỏi “Em sẽ làm gì khi thấy bạn mình đánh nhau?”, kết quả tôi thu được là: Mặc kệ hoặc ngồi xem (25%); Hò hét cổ vũ, quay phim để tung lên mạng (50%); Xông vào đánh phụ (10%); Xông vào can ngăn (15%). Việc bạo lực trong lớp học đã phổ biến đến mức trở thành cảnh thân quen với các em, vì vậy các em xem việc đó cũng chẳng có gì mới lạ hay nghiêm trọng. Cho nên, nếu nói các em không can ngăn vì sợ thì ít mà vì vô cảm thì nhiều.
* Theo Th.S, để xảy ra bạo lực học đường thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai?
- Không thể đổ lỗi do môi trường xã hội này kia, một đứa trẻ có lối cư xử hung hãn thì cái lỗi đầu tiên là ở cha mẹ, ở người lớn chúng ta đã không học cách để rèn luyện uốn nắn con cái của mình. Không có trẻ em hư, chỉ có người lớn giáo dục chưa đúng cách, chưa sâu sắc. Có khi xã hội "có vấn đề" thì tất nhiên những đứa trẻ sinh ra trong môi trường xã hội đó cũng "có vấn đề". Rõ ràng, đạo đức xã hội tuột dốc là điều ai cũng phải thừa nhận, các em là thế hệ trẻ cũng bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu. Nói chung, cứ mỗi vụ đánh nhau của học sinh là mỗi lần chúng ta phải gật đầu công nhận rằng gia đình và nhà trường phần nào “bất lực” và thụ động trước việc ngăn ngừa những vụ bạo lực học đường.
* Sau khi bị đánh hội đồng, các “nạn nhân” của bạo lực học đường có bị ảnh hưởng tâm lý về sau không?
- Căng thẳng khi đến trường và căng thẳng khi đối mặt với kẻ đã ức hiếp mình là hậu quả trước mắt có thể thấy rõ. Từ đó dẫn đến các em bị sút giảm tâm thế học tập và có thể ảnh hưởng đến kết quả tiếp thu trong lớp học. Hoặc việc bị đánh thường xuyên sẽ dẫn đến ám ảnh bạo lực, mất niềm tin vào mối quan hệ bạn bè. Nạn nhân trở nên khép kín, sống co mình để tự vệ và không còn hứng thú kết bạn hay giao tiếp. Xa hơn nữa, người ta nhận cái gì sẽ trao đi cái ấy. Trái ngược với hướng phản ứng co mình, những học sinh nhận nắm đấm sẽ dễ trao đi nắm đấm.
* Thường thì học sinh đánh bạn có thể bị đình chỉ học. Ý kiến của anh về biện pháp này như thế nào? Có nên để pháp luật can thiệp vào tình trạng bạo lực học đường?
- Đuổi học hay đình chỉ học sinh hay không là chức năng mà nhà trường phải quyết định. Hình phạt của nhà trường nhằm mục đích duy nhất là để giáo dục, để học sinh nhận ra cái lỗi của mình, để lần sau hành động cẩn trọng hơn. Hình phạt đình chỉ học đúng là có tác động giáo dục không chỉ với em học sinh ấy mà còn răn đe những học sinh khác phải biết cẩn trọng và tự chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ cá nhân của học sinh thì hình phạt này có thể sẽ phản tác dụng. Nguyên nhân như sau:
Nếu cho tạm dừng học tập, liệu trong quá trình nghỉ học, em ấy có cải thiện được hành vi này? Nếu không được nhà trường dạy dỗ trong 1 năm trời, có thể em ấy còn bị tiêm nhiễm cả chục hành vi xấu khác. Như vậy, xét về hiệu quả giáo dục, chúng ta bị “lỗ” nặng.
Nhà trường là cái nôi giáo dục của xã hội với những thầy cô đã được đào tạo về tâm lý học sinh, về phương pháp sư phạm. Đó là nơi đặc trưng để uốn nắn những nhân cách chưa hoàn thiện, đó là “thiên chức” của nhà trường! Nếu một nhà trường quyết định đuổi hay đình chỉ học tập một học sinh nào đó, thì điều đó có nghĩa là tập thể sư phạm nhà trường thừa nhận đã "chịu thua" trước học sinh ấy, đã bất lực trước hành vi ấy và từ chối giáo dục em, cho em nghỉ 1 năm để em tự giáo dục mình. Nếu ngay cả nhà trường còn từ chối thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình thì thử hỏi em ấy có tự giáo dục được? Ai sẽ thay thế nhà trường để giáo dục những nhân cách chưa hoàn thiện ấy?
Nếu cách ly ra khỏi môi trường học đường, không được rèn luyện uốn nắn trong môi trường sư phạm, đôi khi học sinh đó dễ bị hư hỏng hơn, ý tốt của nhà trường sẽ phản tác dụng, giáo dục sẽ trở thành phản giáo dục. Để giáo dục học sinh đến nơi đến chốn thì bắt buộc phải giáo dục từ cái gốc của mỗi học sinh. Thầy cô giáo cần đầu tư nhiều hơn thời gian để giáo dục về đạo đức và lối sống cho thế hệ trẻ.
* Xin cảm ơn Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu!
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu sinh năm 1984, anh từng viết các cuốn sách Tư duy sáng tạo - Các con đường đi tìm lý tưởng (2010); Một số vấn đề cơ bản của tâm lý học lứa tuổi; Tâm lý học giao tiếp (2011); Kỹ năng giao tiếp…Anh từng đoạt các giải thưởng: Giải ba Nghiên cứu khoa học Bộ GD&ĐT 2006; Giải thưởng Tài năng tâm lý trẻ T.Ư Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam; Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu của năm do cộng đồng mạng bình chọn (2014); Giải thưởng nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp cấp thành phố... |
Khánh Linh – Hoa Quỳnh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất