“DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới”

04/05/2025 07:47 GMT+7 | Bạn cần biết

Ngành khai khoáng từ lâu vẫn là mảnh đất đầy định kiến giới, nơi vai trò của phụ nữ thường bị xem nhẹ hoặc thậm chí bị lãng quên. 

Trước thực tế đó, nhóm sinh viên lớp Truyền thông Đa phương tiện đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã khởi động dự án “Gender Equality in Extraction” (GIE), nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành khai khoáng thông qua truyền thông sáng tạo. Với mục tiêu cao cả đó, chuỗi hoạt động online workshop “DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới” được triển khai với sự tham dự của đông đảo các bạn trẻ trên cả nước.

Nơi truyền thông trẻ lên tiếng

Gần 80 bạn trẻ yêu thích truyền thông trên toàn quốc đã tham dự online Workshop "DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới" được diễn ra từ 19h30 ngày 28/04/2025 trên nền tảng trực tuyến. Không chỉ đơn thuần là một buổi hội thảo chuyên môn, workshop trở thành không gian để sinh viên ngành truyền thông thể hiện tiếng nói, kiến thức và tư duy đổi mới.

“DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới”  - Ảnh 1.

Diễn giả cùng MC cùng chụp ảnh lưu niệm sau buổi online workshop “DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới”

Tại đây, các bạn trẻ được thử sức xây dựng chiến lược, phát triển sản phẩm truyền thông nhằm định hình lại cách nhìn của xã hội về phụ nữ trong lĩnh vực khai khoáng, một môi trường vốn không thân thiện với bình đẳng giới. Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh viên trường Học viện Tài chính chia sẻ sau sự kiện: “Là sinh viên Kinh tế đam mê truyền thông, mình thấy workshop rất hữu ích. Diễn giả đã mang đến góc nhìn rõ nét về bình đẳng giới trong ngành khai khoáng, lĩnh vực ít được liên kết với chủ đề này. Qua chia sẻ thực tiễn, mình hiểu hơn vai trò của truyền thông trong nâng cao nhận thức, thúc đẩy công bằng và phát triển bền vững. Điều đó càng thôi thúc mình kết nối kinh tế với truyền thông để tạo giá trị cho cộng đồng”.

Truyền thông là chất xúc tác giữa nhận thức và hành động

Trong phiên thảo luận, các diễn giả không chỉ chia sẻ những thách thức trong việc xây dựng môi trường làm việc công bằng, mà còn nhấn mạnh vai trò của truyền thông như một chất xúc tác quan trọng, giúp kết nối khoảng cách giữa nhận thức và hành động. Truyền thông không đơn thuần là kênh lan tỏa thông tin, mà còn có thể trở thành lực đẩy mạnh mẽ, thúc đẩy sự thay đổi tư duy, tạo ảnh hưởng đến chính sách và truyền cảm hứng hành động trong cộng đồng. “Truyền thông về giới không chỉ là nói cho đúng mà phải nói sao cho người khác muốn nghe, muốn nghĩ lại và muốn hành động”, TS Nguyễn Thị Tuyết Minh, diễn giả của online workshop khẳng định.

“DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới”  - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ trong buổi thảo luận về vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong khai khoáng

Hoàng Thị Yến Phương, trưởng ban tổ chức sự kiện online workshop “DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới” chia sẻ: “Chúng mình không muốn dừng lại ở việc nói về bình đẳng giới như một khẩu hiệu. Đây là cơ hội để biến những điều đó thành hành động cụ thể, và truyền thông chính là cây cầu nối giữa nhận thức và hành động. Chúng mình muốn tạo ra một sân chơi mà ở đó các bạn không chỉ học mà còn làm truyền thông một cách đúng nghĩa: quan sát, đồng cảm, và sáng tạo ra những giá trị có sức lan tỏa. Session 2 của workshop chính là một nơi như vậy.”

“DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới”  - Ảnh 3.

Nhóm Galaxy là đội thi giành giải nhất cuộc thi nhà sáng tạo tài ba trong session 2 của online workshop với 9.7 điểm

Hãy làm truyền thông bằng sự thấu cảm...

Góp mặt tại sự kiện, TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông về giới đã mang đến những góc nhìn thực tế về cách triển khai các chiến dịch truyền thông hiệu quả. Theo TS, điều quan trọng nhất không phải là độ phủ sóng hay ngân sách lớn, mà là khả năng chạm đến cảm xúc và thúc đẩy hành động của công chúng. Làm truyền thông về giới không phải nói thay người khác mà là tạo ra không gian mở để mọi người được cất lên tiếng nói của chính mình. Vậy nên hãy làm truyền thông bằng sự thấu cảm, sự hiểu biết và bằng niềm tin.

Diễn giả Hoàng Thu Trang - Chuyên gia về Giới trong lĩnh vực Khai khoáng - Đại diện Trung tâm Nghiên cứu về Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) nhấn mạnh thêm: “Câu chuyện về giới thường chỉ đề cập đến phụ nữ mà chúng ta quên đi mất rằng vai trò của nam giới và nhóm LGBT vậy nên truyền thông về bình đẳng giới trong khai khoáng cần có sự đan xen, sự hiểu biết để đưa ra những câu chuyện đa chiều.”

“DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới”  - Ảnh 4.

Diễn giả Hoàng Thu Trang chia sẻ về những khuôn mẫu giới vẫn đang vô thức duy trì trong truyền thông.

Lực lượng tiên phong tạo nên thay đổi

Để truyền cảm hứng đến thế hệ truyền thông trẻ, online workshop đặc biệt mời tới diễn giả Jen, hiện là Data Scientist tại BHP Group – công ty khai khoáng lớn nhất thế giới theo vốn hóa thị trường, đồng thời cũng là một Tiktoker với gần 10.000 followers. “Truyền thông về giới không phải xu hướng để mọi người đu theo để lấy tương tác mà đây là một cuộc cách mạng để nữ giới cất lên tiếng nói cho chính mình. Mình tin các bạn ở đây có đủ kiến thức, bản lĩnh và nhiệt huyết để làm nên sự thay đổi tích cực trong ngành khai khoáng”, chị Jen nghẹn ngào gửi gắm.

“DIGEQUAL: Khi truyền thông thắp lửa bình đẳng giới”  - Ảnh 5.

Diễn giả Jen gửi lời khuyên dành cho các bạn trẻ quan tâm đến ngành khai khoáng

Với tinh thần đổi mới, dấn thân và sáng tạo, thế hệ truyền thông trẻ đang dần khẳng định vai trò không thể thay thế trong hành trình phá vỡ định kiến giới. Đây không chỉ là một dự án, mà là tiếng nói mạnh mẽ cho thấy: giới trẻ hoàn toàn có thể trở thành nhân tố dẫn dắt những thay đổi tích cực trong xã hội.

Trang Nhung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm