Dư âm Cánh diều 2009: 'Giải oan' cho '14 ngày phép'

16/03/2010 10:36 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Tưởng đâu bình yên nhưng “hậu” giải thưởng Cánh diều vừa trao tối 14/3 tại Hà Nội lại tiếp tục rơi vào những tranh cãi không ngớt trên báo chí, cả về kết quả giải thưởng và cung cách trao giải. Hai “Cánh diều” bị đem ra “soi” nhiều nhất thuộc về hai bộ phim chia nhau hầu hết những giải thưởng ở thể loại phim truyện nhựa: Đừng đốt (Cánh diều Vàng) và 14 ngày phép (Cánh diều Bạc).

TT&VH đã ủng hộ '14 ngày phép' lúc khó khăn

Vừa ra mắt báo chí liền bị “đánh đập” tơi bời vì những bài chê kiểu bỏ đi. Ra rạp không thành công. Bất ngờ đoạt giải Khán giả bình chọn tại Liên hoan phim VN lần thứ 16. Ẵm Cánh diều Bạc và ba giải thưởng cá nhân tại giải thưởng Cánh diều 2009. Đó là hành trình khá truân chuyên của 14 ngày phép - bộ phim đầu tiên của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Trọng Khoa thực hiện tại VN.


Cảnh trong phim 14 ngày phép
Bước ra từ lễ trao giải, tay ôm một lúc 4 hộp giải thưởng Cánh diều và... khuôn mặt đẹp trai như diễn viên còn lấm tấm mồ hôi, có lẽ đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa là người ôm nhiều giải thưởng nhất, dù phim 14 ngày phép do anh viết kịch bản và đạo diễn đứng thứ hai về số lượng giải thưởng sau Đừng đốt. Anh nhận thay giải Nam diễn viên xuất sắc nhất của Trịnh Hội đang ở nước ngoài và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất của Thái Hòa ở Sài Gòn không ra nhận giải được. Cùng với Cánh diều Bạc và giải Biên kịch xuất sắc nhất, anh khá vất vả với những giải thưởng trên tay. Rồi báo chí thi nhau phỏng vấn, đoàn các nghệ sĩ TP.HCM về trước nên anh đành về trễ.

Sau khi đã chia bớt phần thưởng cho đại diện của Hãng phim Chánh Phương (nhà sản xuất 14 ngày phép), Nguyễn Trọng Khoa mới có dịp... thở phào. Chưa quên bài báo trên TT&VH khi phim ra mắt, anh cười nhẹ: “TT&VH đã ủng hộ 14 ngày phép lúc khó khăn đó”. Về giải thưởng, anh thú thật là rất bất ngờ. “Với người làm phim thì được cả khán giả và ban giám khảo đánh giá bằng những giải thưởng thì không còn gì hạnh phúc bằng. Những giải thưởng này khích lệ tôi tiếp tục bước vào những dự án tiếp theo”, anh chia sẻ.

Một “hiện tượng” của Cánh diều 2009

Nhà biên kịch Nguyễn Hồ - Trưởng Ban Giám khảo thể loại phim truyện nhựa cho rằng, 14 ngày phép là “hiện tượng” của Cánh diều lần này. “Phim hơi yếu về cuối nhưng ngôn ngữ điện ảnh tươi mới, cách thể hiện dung dị, nhẹ nhàng và có phần hóm hỉnh. Đây là góc nhìn khách quan của người Việt ở nước ngoài trở về, phản ánh mặt trái nhưng với tình cảm quê hương chân thành”- ông nói.

Đừng đốt chưa phải “vàng 10”

Theo quy định chấm giải, các thành viên BGK mỗi thể loại bỏ phiếu kín và tác phẩm nào đạt điểm trung bình từ 9,1 trở lên đoạt Cánh diều Vàng; 8,5 - 9,1 điểm đoạt Cánh diều Bạc... Ông Nguyễn Hồ và NSƯT Công Ninh đều chấm 9,5 điểm cho Đừng đốt. Ông Nguyễn Hồ “bật mí”, ý kiến của các vị giám khảo tương đối thống nhất. Điều này phần nào cho thấy Đừng đốt khó đạt điểm tuyệt đối, trở thành “vàng ròng”.

Tuy vậy, ông Nguyễn Hồ cho rằng trong các phim truyện nhựa dự giải, Đừng đốt là bộ phim hài hòa về nội dung và nghệ thuật hơn cả, cách kể chuyện rành mạch và phim có cảm xúc nên xứng đáng giành Cánh diều vàng theo đúng quy định.

Chủ tịch Hội Điện ảnh VN - PGS Trần Luân Kim nhận xét: 14 ngày phép là một trong những phim của Việt kiều góp phần tạo cho điện ảnh VN một không khí mới, làm tăng thêm sức hấp dẫn cho các tác phẩm.


Giải thích về giải Biên kịch xuất sắc nhất trao cho Nguyễn Trọng Khoa, thành viên BGK thể loại phim truyện nhựa - NSƯT Công Ninh - cho rằng, cấu trúc kịch bản 14 ngày phép có nhiều điểm mới. “Trao giải này để khuyến khích các tác giả xây dựng cấu trúc kịch bản với những khai phá và sáng tạo chứ không nên đi theo lối mòn”. Anh cho rằng, mặc dù cấu trúc kịch bản 14 ngày phép gần gũi với nhiều phim nước ngoài nhưng còn mới với điện ảnh VN.

Giải Nam diễn viên xuất sắc nhất cho luật sư, MC Trịnh Hội có lẽ gây nhiều tranh cãi nhất trong các giải cá nhân. Có người cho rằng anh phải đoạt giải... ngược lại mới phải. Tuy nhiên, NSƯT Công Ninh đánh giá cao vai diễn này: “So với các nam diễn viên khác trong các phim dự giải Cánh diều lần này, Trịnh Hội có nét diễn chân phương và rất chân thật. Lối diễn của anh trong 14 ngày phép cũng là lối diễn hiện đại nhất hiện giờ. Diễn mà như không diễn. Nhân vật Dũng theo gia đình sang Mỹ định cư từ nhỏ đến lớn rồi tò mò về quê, ngỡ ngàng trước khung cảnh bình dị của làng quê và sự hồn hậu của bà con quê nhà, đặc biệt đó là mảnh đất có người con gái anh yêu thương nên anh càng có cảm xúc. Trịnh Hội đã thể hiện các trạng thái cảm xúc ấy mà tôi chắc rằng, nếu không phải Trịnh Hội thì không ai diễn được như vậy, phim chưa chắc được như vậy".

Cánh diều tránh “đụng hàng” với Bông sen

Với nhiều bộ phim truyện nhựa tranh giải Cánh diều vàng từng có mặt tại LHP lần thứ 16, tưởng rằng “kịch bản” giải thưởng phim truyện nhựa ở Cánh diều vàng tương tự LHP VN 16 khi Đừng đốt tiếp tục đoạt giải thưởng cao nhất.

Nhưng thực tế, thì kết quả cũng có những thay đổi nhất định, chẳng hạn giải Phim được khán giả yêu thích nhất thì LHP trao cho 14 ngày phép, nhưng ở Cánh diều thì trao cho Đừng đốt.

Hệ thống giải cá nhân càng cho thấy dường như Cánh diều cố gắng “làm mới”, tránh “đụng hàng” với Bông sen Vàng. Ngoài giải Quay phim xuất sắc nhất và Âm thanh xuất sắc nhất trùng nhau, còn lại hầu hết các giải cá nhân đều khác. LHP trao giải biên kịch xuất sắc nhất cho NSND Đặng Nhật Minh (Đừng đốt) thì Cánh diều trao giải này cho Nguyễn Trọng Khoa (14 ngày phép); Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất là Bình Minh thì lần này là Thái Hòa (tuy vẫn trong 14 ngày phép); Họa sĩ xuất sắc nhất Lã Quý Tùng (Chơi vơi) thì lần này là Phạm Quốc Trung (Đừng đốt)...

Hải Đông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm