Điều gì đã xảy ra với chuyến bay MH370: Kỹ thuật, khủng bố, thời tiết hay nhiên liệu?

09/03/2014 21:04 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovnahoa.vn) - Việc chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đột ngột biến mất mà không phát đi tín hiệu cấp cứu hay có bất kỳ dấu hiệu nào của trục trặc đã làm gia tăng những suy đoán xung quanh điều gì thực sự xảy ra với chiếc Boeing 777-200 cùng 227 hành khách và phi hành đoàn 12 người?

Dưới đây là những vấn đề được các nhà chức trách địa phương, các nhà điều tra và các nhà phân tích đưa ra về số phận chiếc máy bay cũng như 239 con người mà nó mang theo.

* Liệu có sai sót về cấu trúc hoặc lỗi kỹ thuật?

- Những sự cố bất ngờ có thể dẫn tới việc máy bay bị nổ hoặc mất áp suất trong cabin một cách đột ngột đã được xem xét kỹ lưỡng, và dường như nó khó có thể xảy ra với các máy bay chở khách hiện đại.

Với chuyến bay MH370, điều này càng khó xảy ra hơn bởi chiếc máy bay Boeing 777-200 là một trong những máy bay an toàn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.

“Trong trường hợp bị vỡ, máy bay có thể rơi mà không kịp phát đi tín hiệu khẩn cấp. Tuy nhiên, trong hai hoặc ba thập kỷ gần đây, không có vụ tai nạn nào như vậy”, nhà phân tích hàng không Ravi Madavaram nhận định với hãng phân tích, nghiên cứu và tư vấn Frost & Sullivan ở Malaysia.

Gerry Soejatman, một nhà phân tích hàng không khác đến từ Indonesia, cho rằng với những đặc tính kỹ thuật và công nghệ được trang bị trên chiếc máy bay Boeing 777-200, thì “nó không thể biến mất đột ngột ngư thế”.

* Yếu tố sai sót của con người trong trường hợp này như thế nào?

Trường hợp của chuyến bay MH370 này có thể so sánh với vụ tai nạn của hãng Air France năm 2009 trên Đại Tây Dương, trong chuyến bay từ Rio de Janeiro đến Paris khiến 228 người thiệt mạng.

Một cuộc điều tra nói rằng đã có lỗi ở các cảm biến tốc độ, dẫn tới việc động cơ ngừng hoạt động và chiếc Airbus A330 hạ độ cao. Tuy nhiên, cuộc điều tra cũng cho biết, trong trường hợp này phi công đã xử lý tình huống không chính xác, dẫn tới mất khả năng kiểm soát chiếc máy bay.

Soejatman cho rằng bất kể các tính năng an toàn trên các máy bay hiện đại có cao đến đâu, những phi công được đào tạo tốt để đưa ra các hành động đúng trong trường hợp khẩn cấp vẫn hết sức cần thiết.

“Nếu phi hành đoàn không tập trung vào công việc, họ có thể đánh mất khả năng kiểm soát tình huống”.

* Đây là một vụ bắt cóc hay tấn công khủng bố?

- Nghi vấn này gia tăng đáng kể khi các nhà chức trách thông báo có ít nhất hai hành khách đã lên máy bay bằng những cuốn hộ chiếu được đánh cắp trước đó. Hôm Chủ nhật, các quan chức Malaysia cho biết dữ liệu radar thể hiện phi công có thể đã cố gắng đưa máy bay quay trở lại Kuala Lumpur, nhưng không rõ lý do.

Các nhà phân tích nói rằng việc không có bất kỳ tín hiệu cấp cứu nào làm gia tăng suy đoán đã xảy ra một sự việc bất ngờ khiến phi hành đoàn không kịp phản ứng.

“Thậm chí không có thời gian cho phi công hay phi hành đoàn ấn nút báo động. Nó có thể xảy ra trường hợp hành động có tính toán, bởi một phi công hay một tên khủng bố, nhưng điều này chỉ là suy đoán”, Ravi nói.

Thân nhân các hành khách đang vô cùng lo lắng

Thân nhân các hành khách đang vô cùng lo lắng

Giả thuyết máy bay bị khủng bố cũng vấp phải những mâu thuẫn so với lý thuyết và thực tế về vấn đề khủng bố, khi không có yêu sách nào được đưa ra, hay không có thông điệp nào được gửi đi.

"Motive ở đây là gì? Nếu những kẻ khủng bố không mang theo vũ khí, chúng rất khó có thể lọt vào buồng lái”, nhận định của nhà phân tích hàng không Shukor Yusof với Standard & Poor's. Cũng theo chuyên gia này, việc các hộ chiếu bị đánh cắp xuất hiện trong tình huống này không đồng nghĩa với việc xảy ra khủng bố.

Một số lượng lớn lao động bất hợp pháp cũng như các tổ chức tội phạm thường xuyên hoạt động ở khu vực biên giới giữa Malaysia và các quốc gia láng giềng, trong đó có Thái Lan. Hai hộ chiếu nghi vấn kể trên được đánh cắp tại Thái Lan.

* An ninh ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA) quá lỏng lẻo?

- Theo Rohan Gunaratna, một chuyên gia nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố tại đại học kỹ thuật Nanyang của Singapore, các hộ chiếu nghi vấn nói trên đã chỉ ra “thiếu sót rõ ràng” trong việc quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã cung cấp một cơ sở dữ liệu về các hộ chiếu bị đánh cắp trên toàn thế giới, giúp hệ thống có thể đưa ra tín hiệu cảnh báo tại khu vực làm thủ tục xuất nhập cảnh trong trường hợp phát hiện những tấm hộ chiếu này được sử dụng.

“Có hai nhóm người có thể sử dụng những hộ chiếu bị đánh cắp, hoặc là tội phạm, hoặc là khủng bố”, vẫn lời ông Rohan Gunaratna.

Tuy nhiên, ông Shukor Yusof lưu ý rằng trước số lượng rất lớn hành khách đi qua các sân bay, không phải giấy tờ giả mạo nào cũng có thể bị phát hiện. “Lên án các nhà chức trách Malaysia về điều này có thể là không công bằng", ông Sukhor Yusof đánh giá.

* Sự nhiễu loạn hay thời tiết xấu có thể khiến máy bay bị rơi?

- Khả năng này dường như không được tính đến khi mọi chỉ số hay dấu hiệu thời tiết đều tốt trong khu vực mà chuyến bay MH370 bị mất liên lạc.

* Máy bay bị hết nhiên liệu?

Malaysia Airlines đã khẳng định máy bay được nạp nhiên liệu cho ít nhất là 8 tiếng bay. Thời gian bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hết 6 tiếng, nghĩa là máy bay còn nhiên liệu dự phòng cho 2 tiếng bay.

“Ngay cả trong trường hợp hết nhiên liệu, phi công vẫn có đủ thời gian để phát đi tín hiệu cấp cứu, và lượn vòng để hạ cánh ở một sân bay nào đó, hoặc trên biển”.

Đông Hà
Theo AFP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm