Vỉa hè của chúng ta

20/06/2014 09:34 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vỉa hè, với các nhà thiết kế kiến trúc, là cốt lõi của đô thị chứ không phải các ngôi nhà cao tầng. Vỉa hè, với cư dân đô thị là tinh thần của phố xá chứ không phải là các trung tâm thương mại hào nhoáng hay các chung cư cao cấp....

Hình như tôi đã đọc đâu đó một câu đại loại như vậy, về vỉa hè. Và về vỉa hè, có thể còn nói thêm nhiều nữa. Đấy là nơi chứa đựng câu chuyện về hạ tầng xã hội, linh hồn và bộ mặt của phố xá, cũng là nơi phơi bày rõ nhất hoạt động của nền kiến trúc thượng tầng và hiệu lực của chính quyền.

Một vỉa hè thế nào là cư dân thế ấy, văn hóa, kinh tế, phong tục, trình độ phát triển, con người, lối sống...Là quản lý đô thị thế ấy, nhếch nhác, hay văn minh, coi trọng con người hay coi trọng tiền bạc, các mối quan hệ bề nổi và bề sâu của xã hội, tất cả đều hiện rõ trên vỉa hè khi ta đến một thành phố nào, ta nhận thấy ngay điều đó, từ cái nhìn đầu tiên.

Những ngõ sâu hun hút, những hẻm kín hay những góc khuất mơ hồ của thành phố chứa đựng những bí mật nào đó có thể khám phá dần dần, chứ trên vỉa hè, mọi thứ đều rõ ràng, trông thấy ngay, hiểu ngay. Vỉa hè là lời giới thiệu trực tiếp nhất về con người và cuộc sống của một thành phố, trực tiếp và ngắn gọn nhất, đầy đủ nhất...

Một ví dụ về quản lý vỉa hè, chẳng hạn ở nước Nhật, Tokyo và các thành phố khác, vỉa hè được phân định chỉ bằng một vạch sơn với lòng đường, gần như chỉ là ước lệ, nhưng không ai vi phạm vạch sơn mỏng manh ấy, dù chỉ một người qua đường, vào cái lúc không xe cộ chạy qua, nếu đèn xanh cho người đi bộ không bật ở vạch đường dành riêng, thì không ai bước qua.

Vỉa hè dành cho người đi bộ, người đi xe đạp, tuyệt đối không hàng rong lấn chiếm, không một cọng rác, không người tùy tiện đứng ngồi, quẳng phương tiện thoải mái. Sạch sẽ, trật tự, ngăn nắp đến mức… không hiểu nổi. Tuyệt nhiên không thấy bóng cảnh sát giao thông. Đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy mọi ngã tư. Không còi xe. Không phóng nhanh. Không tiếng động cơ gào rú. Vỉa hè là một nơi chốn bình yên thanh sạch không thể tả nổi.

Nói chung, ai đã quen với vỉa hè Hà Nội, vỉa hè thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác ở Việt Nam, sẽ không bao giờ hình dung ra được có một nơi cũng là vỉa hè mà lại có thể ung dung đi bộ, ngắm hoa tươi nở đầy trên phố, trước cửa mỗi ngôi nhà, không lo ai đâm sầm vào mình, không lo ai khạc nhổ hay vứt rác, không phải phòng tránh bất cứ điều gì.

Và cũng chẳng thể hiểu tại sao trên mỗi vỉa hè, hoặc ở bất cứ nơi công cộng nào, cũng đều có đường dành riêng cho người khuyết tật, mỗi bến xe, bến tàu, cầu thang máy, đều có những biển chỉ dẫn dành riêng cho người khuyết tật. Người khuyết tật ở Nhật có thể đi ra phố mà không e ngại, điều mà ngay chính chúng ta không dám chắc khi đi trên vỉa hè Hà Nội, dù hoàn toàn lành lặn.

Vỉa hè của chúng ta không dành cho ai cả, ngoài sự lấn chiếm dưới mọi hình thức của bất cứ ai. Cho dù cảnh sát, bảo vệ dân phố và các loại đường tự quản của phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi có mọi nơi, vỉa hè với người đi bộ vẫn là nơi không chút an toàn.

Thế nên, chuyện vỉa hè của chúng ta mới nhiều, mới có chỗ cho bà bán nước vỉa hè và các ông khách uống chè chén năm xu và bàn chuyện thời sự từ ta sang Nhật sang Phi. Nói chung, bất tiện ở mức cao nhất lại sinh ra tiện lợi cũng ở mức cao nhất. Không an toàn cho việc đi lại thì hay ho cho việc tào lao tán gẫu ngày qua ngày. Khi ngồi vỉa hè Hà Nội nói đến những nơi như vỉa hè Tokyo, điều không tránh khỏi sẽ là bị ai đó, cái xe nào đó va vào lưng, hoặc bất ngờ thấy mình đang ngồi cạnh vài túi rác. Thôi kệ, vỉa hè của chúng ta mà!

(Từ Facebook của N. Tuần này N. tạm xa quán chè chén vỉa hè Hà Nội do bận công cán tại Nhật Bản).

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm