Tự chặt tay: Điều gì đang xảy ra?

25/08/2016 07:02 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chắc chắn, trong ngày 24/8 hôm qua, câu chuyện "chặt tay lấy tiền bảo hiểm" đang trở thành đề tài được dư luận quan tâm nhất. Và cũng dễ ám ảnh nhất, với bất cứ ai đã đọc thông tin này.

Vắn tắt, đó là chuyện làm liều của một phụ nữ 30 tuổi ở Hà Nội. Theo thông tin trên báo chí, những gói bảo hiểm nhân thọ lớn đã được chị mua trước đó – để trong trường hợp có rủi ro xảy ra với thân thể, tổng số tiền mà người phụ nữ nhận về sẽ lên tới 3,5 tỷ đồng.

Và rủi ro ở đây là rủi ro được sắp đặt, khi người phụ nữ này bỏ ra 50 triệu để thuê người khác chặt đi một phần bàn chân cùng một phần bàn tay của mình. Chặt ở cạnh đường ray, lúc tàu hỏa sắp chạy qua, để ngụy tạo câu chuyện thành một vụ tai nạn do tàu hỏa cán.

Trong cơn lốc của những ý kiến, vô vàn lời chê trách đã đổ xuống đầu người phụ nữ này. Chê trách, bởi chị muốn kiếm 3,5 tỷ đồng bằng một hành động mà bản chất là sự lừa bịp. Chê trách, bởi chị không biết nhìn vào tấm gương vượt khó của bao người trong cuộc sống hàng ngày. Và tất nhiên, chê trách nhiều nhất, bởi người phụ nữ ấy vì ham tiền mà nhẫn tâm hủy hoại thân thể được cha mẹ sinh ra.


Hiện trường nơi người phụ nữ thuê người chặt chân, tay để tạo hiện trường giả vụ TNGT đường sắt. Ảnh: Thân Hoàng

Tất cả những ý kiến ấy đều đúng. Nhưng, dường như trong những lời chê trách ấy vẫn có cả sự xót xa dành cho nhân vật chính.

Đó không phải là sự xót thương theo cách cảm thông và chia sẻ. Sự thương xót ở đây là những cám cảnh dành cho người phụ nữ đang nhận hậu quả cay đắng từ kế hoạch dại dột của mình. Mất hi vọng kiếm tiền (và mất cả tiền thuê "trợ lý"), mất tiếp một phần cơ thể, cuộc sống của chị trong những năm tới chắc chắn sẽ chuyển sang một khúc ngoặt khác, với cảnh tàn phế và cả với lời đàm tiếu còn đeo đẳng mãi, sau một vụ việc "vô tiền khoáng hậu" vừa diễn ra.

Đấy là chưa kể, những đau đớn mà chị phải gánh chịu, khi nghiến răng ngồi cạnh đường ray, để người khác chặt nghiến tay chân mình, rồi lại lết đi với những thương tích ấy để kêu cứu. Với hầu hết độc giả, có lẽ, chỉ riêng màn hành xác ấy cũng đã đủ khiến chúng ta lắc đầu quầy quậy với số tiền 3,5 tỷ đồng - chứ không nói tới cảnh tàn phế có thể tiếp nối trong tương lai.

Sự liều lĩnh - hoặc nghị lực, theo một cách nào đó, để chịu đau, thậm chí chịu mất một phần cơ thể mình - là một câu chuyện đáng buồn. Những phẩm chất ấy có thể mang lại cho nhân vật chính một kết quả tích cực nếu được đặt vào đúng chỗ - nếu chị sáng suốt, tự tin hơn để tìm một hướng kiếm tiền khác cho mình.

Nhưng, cũng rất có thể, nếu chỉ chệch đi thêm một bước nữa, trong tâm lý khao khát cần tiền, sự liều lĩnh ấy không chỉ mang lại tai họa cho chị như bây giờ, mà còn cho những người vô tội khác, nếu hoàn cảnh xô đẩy. Giống như những tích truyện cũ, rằng một người không biết thương thân thể của mình thì cũng khó có thể làm được điều ngược lại trong mối quan hệ với những người xung quanh.

Và, nếu đi xa hơn, có lẽ nhiều người cũng đồng ý với người viết: kế hoạch kiếm tiền của người phụ nữ ấy không chỉ là sự lừa dối. Đó còn là sự khờ khạo, ấu trĩ tới mức viển vông.

Bởi, với số tiền 3,5 tỷ đồng, chuyện "con bò chui lọt lỗ kim" sẽ khó lòng diễn ra trước sự xác minh của những người làm bảo hiểm. Ai cũng biết: vết thương do tàu hỏa cán sẽ vô cùng khác so với vết chặt "thủ công" trên cơ thể người, bởi những đặc thù về sự đứt gãy của cơ, gân, hoặc hệ thống xương.

Nói rằng, số tiền lớn đủ sức làm chúng ta mờ mắt, rằng khao khát kiếm tiền thật dễ, thật nhanh đủ sức làm nhiều người tin vào những chuyện hoang đường hoặc ngoài sức tưởng tượng trong cuộc sống hàng ngày, - đó cũng là một cách giải thích.

Giống như, ngoài nhân vật chính, chúng ta cũng phải toát mồ hôi khi nghĩ tới... nhân vật phụ, với việc đủ bình tĩnh để lần lượt chặt chân rồi chặt tay người phụ nữ và nhận thù lao vài chục triệu đồng.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm