Tranh Đông Hồ bao giờ 'sáng bừng trên giấy điệp'?

28/06/2018 06:33 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Theo những thông tin mới nhất, hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” sẽ được xây dựng để đề nghị UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của Thế giới. Nếu mọi chuyện thuận lợi, vào cuối năm 2019, chúng ta sẽ chính thức trình UNESCO bộ hồ sơ này.

Cần nhắc lại, trong số 12 Di sản Văn hóa Phi vật thể đã được công nhận, chúng ta mới chỉ có các loại hình về lễ hội, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn. Có nghĩa, nếu thành công, nghề làm tranh Đông Hồ sẽ trở thành nghề thủ công truyền thống đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Không cần nói nhiều về giá trị của nghệ thuật làm tranh Đông Hồ. Vắn tắt, đó là hàng loạt câu chuyện từ  tạo hình, cách làm giấy, cách pha chế màu sác... cho tới mảng đề tài rộng lớn (hơn 180 đề tài) hay những ứng dụng rộng rãi của nó trong đời sống vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. Thực tế, 5 năm trước, nghệ thuật làm tranh này (được cho là có 500 năm tồn tại) cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia.

***

Thế nhưng, việc đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh Đông Hồ vào hạng mục di sản "cần được bảo vệ khẩn cấp" lại là một câu chuyện khác. Ý tưởng ấy cũng từng được nhắc đến từ nhiều năm trước, với hi vọng tạo thành cú hích để... hồi sinh dòng tranh này.

Chú thích ảnh
Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: TTXVN

Bởi, dù chưa "chết" hẳn, nhưng nghề làm tranh dân gian lại đang thoi thóp để tồn tại được ở làng Đông Hồ (Bắc Ninh), nơi nó được sinh ra.

Các tư liệu cũ cho biết: nghề làm tranh dân gian đã được hình thành ở đây vào thế kỷ XVI. Và, cho tới tận năm 1945, có tới 17 dòng họ còn theo đuổi nghề làm tranh truyền thống, với vô số xưởng làm tranh trong làng.

Vậy nhưng, ở thời điểm hiện tại, làng Đông Hồ chỉ còn 2 gia đình thật sự giữ được nghề này. Họ là các nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam (đã mất vào năm ngoái) cùng con cháu. Những gia đình còn lại đều chuyển qua sống – và sống khỏe – bằng nghề làm vàng mã.

Vài năm trước, người viết đã có dịp xuống làng Đông Hồ để trò chuyện cùng ông Chế. Rồi, nghe ông kể về những ngày tháng gom tiền, hì hụi dành dụm tìm mua hàng trăm bản khắc gỗ cổ còn lại trong làng. Một phần rất lớn những bản khắc gỗ khác, cũng như nhiều bí quyết làm tranh của làng, đã bị mất đi trong quá khứ.

Lòng yêu nghề của những nghệ nhân như ông Chế, ông Sam đã được đền đáp, khi qua nhiều biến động, cũng tới lúc những sản phẩm của họ tìm được chỗ đứng trên thị trường. Nhưng, hai hộ gia đình như vậy là quá ít, cho cả một làng nghề, với phiên chợ tranh Đông Hồ từng nổi tiếng vào dịp giáp Tết trong quá khứ.

Bên cạnh những biến động lịch sử, điều khiến nghề làm tranh ở làng Đông Hồ lao đao như vậy chính là sự thay đổi từ người dùng. Như phân tích của nhiều chuyên gia, nhu cầu thẩm mỹ thay đổi theo thời gian đã khiến hầu hết người dùng trong nước đều thờ ơ với dòng tranh này. Sản phẩm của ông Chế, ông Sam phần lớn cũng chỉ được mua để làm quà lưu niệm, hoặc phục vụ khách du lịch – thay vì treo trong nhà như nếp cũ.

Bởi thế, việc đề cử danh hiệu di sản "cần được bảo vệ khẩn cấp" là một động thái rất cần thiết, để hi vọng nghề làm tranh Đông Hồ sẽ được chú ý bảo tồn, gìn giữ và thậm chí dần mở rộng, để phần nào thực sự khôi phục lại một "làng tranh" theo đúng nghĩa đen.

Nhưng thẳng thắn, nếu vẫn chỉ trông đợi vào việc phục vụ khách nước ngoài, thì tranh Đông Hồ khó có thể tìm được vị thế xưa của mình. Và, đó lại là một bài toán khác: để người dùng trong nước có thể thật sự yêu quý và sử dụng loại tranh dân gian này trong đời sống.

Bài toán ấy cũng như bài toán "hậu vinh danh" mà chúng ta nên tính toán ngay từ khi chuẩn bị đề cử danh hiệu cho mọi di sản.

Xây dựng Hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO

Xây dựng Hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO

Theo đó, Bộ VHTTDL đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng Hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” và việc mời Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp, tư vấn thực hiện nhiệm vụ xây dựng hồ sơ.

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm