Tôi 'né' trạm thu phí ở Tây và ở Ta như thế nào?

04/12/2017 06:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Năm ngoái khi biết gia đình tôi qua Pháp du lịch có ý định thuê xe ô tô tự lái, ca sĩ Lệ Quyên (hiện đang sinh sống tại Paris) lo lắng nhắn tin bảo cẩn thận đấy vì tốn kém lệ phí đường lắm. 

Với “người ở quê sang”, khoản phí này khi lái xe ở Pháp đáng e ngại thật. Ví như lái xe từ Ponthevrard đi Nantes với khoảng cách 323 km, thì phí đóng tại trạm (Toll Gates) là 34,3 Euro (khoảng 900 ngàn tiền Việt) thì cũng kinh thật. Nhưng chưa bằng đoạn từ Langon (phía nam của Bordeaux) đi Pau sát biên giới Tây Ban Nha, chỉ có độ dài 150 km mà thu phí những 20,7 Euro (khoảng 540 ngàn), tức mỗi km đường ở đây tài xế phải trả 0,138 Euro (khoảng 3.600 đồng, đắt hơn phí cao tốc tuyến đường đắt nhất Việt Nam là Hà Nội - Lào Cai 1.500 đồng). Đây cũng là đoạn đường thu phí đắt nhất ở Pháp.

Bởi vậy, đúng như ca sĩ Lệ Quyên lo lắng, nếu rong ruổi xe tự lái dọc ngang nước Pháp thì chỉ riêng tiền trả cho các trạm thu phí cũng tới vài trăm Euro là ít. Tuy nhiên túi rủng rỉnh thì chân cứ mát ga mà đạp với tốc độ 110-130 km/h.

Chú thích ảnh
Một trạm thu phí ở Singapore - Ảnh: Zing

Không chỉ có Pháp, nhiều quốc gia châu Âu thu phí đường. Duy nhất châu Âu chỉ có Đức là cả nước chẳng có trạm thu phí nào. Có những nước như Pháp, Ý, thì thu phí qua các trạm giống ở Việt Nam. Nhưng cũng có những nước, như Áo, Thuỵ Sĩ, Liechtenstein chẳng hạn, thì không có trạm thu nào cả nhưng du khách phải biết đường ghé các trạm xăng có dấu hiệu vignette, hay toll-sticker, để trả phí và dán sticker này lên kính xe. Tiền phí được tính theo ngày, như 10 ngày thì tốn chừng 8-9 Euro. Nếu không có sticker này sẽ bị charge phí rất cao.

Cách đây chưa lâu, một nhóm du khách Hà Nội qua châu Âu thuê xe tự lái, vì không mua sticker mà bị cảnh sát Áo tuýt còi, nộp phạt…300 Euro (may sau một hồi trình bày lý do lý trấu, thì được giảm xuống còn 150 Euro, quá chát chúa). 

Song chúng tôi gần như không mất một cent nào cho các trạm thu phí đường ở Tây cả, khoản phạt cũng là zero, mà ung dung và tự tin hoàn toàn sau tay lái. Chiêu né tiền phí đường ở Tây là từ chối đi vào đường cao tốc- motorway. Nếu không vội vàng lấy nhanh, thì cứ bám quốc lộ (national route) mà đi, tốc độ cho phép trung bình từ 70-90 km/h, qua thị trấn thành phố 50 km/h.

Quốc lộ tuyệt nhiên không có trạm thu phí nào. Trên hệ thống chỉ đường của Navigator và của cả Google Map cũng cho phép người lái xe lựa chọn các cung đường mình muốn: Loại có phí, Loại không phí, Loại nhanh nhất, Loại ngắn nhất, Loại linh hoạt…

Thoải mái lựa chọn, nhưng trốn phí trên đường cao tốc ở Tây, thì thôi rồi Lượm ơi. Vụ 300 Euro của cô bạn Hà Nội vẫn còn chưa tệ. Ở Ý, mức phạt này có thể lên tới 500 Euro, có thông báo đàng hoàng! Thực tế cũng hiếm khi có người trốn kiểu này, vì vừa khó thoát, vừa có lựa chọn khác (đường không thu phí, chỉ chậm hơn). Nhóm cô bạn Hà Nội bị phạt ở Áo chẳng qua vì không rành qui định bên này. 

Ở ta thì đã ra đường là đóng phí, chọn kiểu gì cũng phải… móc ví. Này nhé, lái xe từ các tỉnh vào TP.HCM né kiểu gì với các trạm thu phí được giăng mắc dày đặc, đơn cử: 1/Từ Đồng Nai theo quốc lộ 1 vào TP, quãng đường chưa đầy 80 km nhưng có tới 3 trạm; 2/Từ Vũng tàu đi TP.HCM quãng đường 120 km cũng 3 trạm; 3/Từ Bình Phước về TP.HCM 3 trạm thu phí.

Chú thích ảnh
Trạm thu phí ở Việt Nam

Đồng Nai có 10 dự án BOT, tương đương với 10 trạm thu phí. Bình Dương cạnh tranh không kém khi chỉ 3 km đường 747B đặt 2 trạm thu phí. Và vô địch hiện nay có lẽ là tuyến Kontum - TP.HCM dài hơn 500 km có tới 10 trạm thu phí. Rành đường ở ta dĩ nhiên hơn đứt đường Tây, nhưng tôi chịu chẳng thể lựa ngả nào mà né.

Và lần né phí duy nhất ở Việt Nam lại là né trạm thu phí trên cao tốc mới… ghê! Đó là thời điểm tuyến Hà Nội - Lào Cai mới khánh thành. Xe chúng tôi tới gần Yên Bái thì nghỉ ven đường, có mấy quán nước sát đường, thông với đường cao tốc bằng đoạn rào B40 bị cắt (!). Vừa dừng lại là được chào dịch vụ “dẫn xe né trạm” với giá 50 ngàn đồng (thay vì trả phí gần 200 ngàn ở lối ra). Tất nhiên dịch vụ này bị xoá sổ ít lâu sau đó, nhưng “nghĩ” được ra trò “dẫn xe né trạm” kiểu này đúng là quá… “dân gian Việt Nam”.

Trạm BOT Cai Lậy đang vào thế 'giằng co', vẫn không thu được phí

Trạm BOT Cai Lậy đang vào thế 'giằng co', vẫn không thu được phí

Tình hình ở trạm BOT Cai Lậy vẫn còn phức tạp và đang vào thế giằng co, vẫn không thu được. Lúc 17 giờ chiều nay, trạm phải xả để tránh tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 1 huyết mạch về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Phan Ka

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm