Thư gửi robot Citizen: Vaccine 'ý thức'

19/02/2021 07:28 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Thư gửi robot Citizen: Cuối năm nói chuyện xưng hô

Thư gửi robot Citizen: Cuối năm nói chuyện xưng hô

Ngày Tết, khi sum họp đại gia đình, thăm viếng họ tộc, hàng xóm, người Việt Nam chúng tôi rất để ý chuyện xưng hô. Thật chẳng đơn giản chút nào.

Khi lá thư này đến tay cô thì người dân cả nước chúng tôi cũng đã quay trở lại làm việc sau một tuần nghỉ Tết Nguyên đán theo luật định.

Kỳ nghỉ Tết trong "năm Covid thứ 2” thực sự không được như mong muốn của nhiều người khi mà dịch bệnh lây lan khiến một số nơi bị giãn cách, phong tỏa, tình hình chung là phải hạn chế tụ tập. Cho nên đương nhiên không khí đón Tết bị chùng xuống, nhiều hoạt động văn hóa, giải trí trong những ngày Tết phải dừng lại vì sự an toàn của cộng đồng…

Có thế Sophia sẽ đặt câu hỏi: Việt Nam trong năm vừa qua được đánh giá là điểm sáng trong phòng chống dịch, vậy phải làm sao để tiếp tục duy trì điều đó và sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới"? Xin thưa với cô, tất cả đều cần bắt nguồn từ ý thức của mỗi người. Cụ thể ở đây là tính tự giác và sự trung thực.

Chú thích ảnh
Lưc lượng liên ngành kiểm tra thân nhiệt với các hành khách muốn vào địa bàn tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Sophia thân mến!

Trong bất cứ cuộc chiến chống dịch bệnh nào cũng vậy, ngoài việc sản xuất các loại thuốc điều trị, tìm ra các biện pháp phòng chống lây lan trong cộng đồng thì một yếu tố khác cũng cần được tuân thủ, đó là ý thức của mỗi người trong việc phòng chống dịch bệnh.

Với dịch bệnh Covid-19 thì bắt đầu từ những việc đơn giản như cứ đi ra khỏi nhà là mang khẩu trang, tới việc khai báo y tế đầy đủ, nghiêm chỉnh chấp hành cách ly khi được yêu cầu, hay cập nhật chi tiết và kịp thời lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc nếu không may trở thành các F… là trách nhiệm của mọi công dân.

Báo chí và các phương tiện truyền thông cũng nhắc nhở, kêu gọi tuyên truyền, thế nhưng dường như vẫn còn những người thiếu ý thức với chính bản thân và cộng đồng, coi rẻ tính mạng mình và mọi người trước bệnh dịch.

Mấy hôm trước, tôi và cô bạn đồng ngũ hiện đang công tác bên Hội Chữ thập đỏ nhân dịp Tết có gọi điện thăm hỏi chúc sức khỏe năm mới. Khi nhắc đến dịch bệnh Covid-19 hiện nay, bạn tôi chia sẻ rằng trong quá trình đi xuống các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn về phòng chống dịch, cô thấy nhiều người dân tỏ ra chủ quan hơn năm trước rất nhiều. Họ không thấy được sự nguy hiểm cũng như sự vất vả của các cơ quan có trách nhiệm trong phòng chống dịch. Mặc dù đài báo cứ nói 5K nhưng không ít người vẫn chưa hiểu 5K là như thế nào?Cũng không hiểu được cụ thể F0, F1, F2…là ra sao?

Cho đến thời điểm hiện tại, khi virus cùng các biến thể vẫn lây lan và vaccine chưa đủ để cung cấp cho tất cả mọi người thì rõ ràng chúng ta không thể có lựa chọn nào khác là phải chung sống an toàn với Covid-19. Để giữ an toàn cho bản thân và xã hội, chúng ta cũng cần phải nâng cấp những giải pháp phù hợp với cuộc sống hàng ngày để thích nghi.

Cá nhân tôi cho rằng các hình thức cho học sinh học online, cho nhân viên tăng cường làm việc và giao ban công việc trực tuyếnlà những lựa chọn hợp lý, đúng với tình hình thực tế. Cùng với đó, việc tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế) của Bộ Y tế cần được thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm.

Và trong lúc chờ đợi các loại vaccine phòng chống Covid-19, tôi nghĩ là mỗi người cũng cần phải tự “tiêm” thêm cho mình một liều cao “vaccine ý thức” để không có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh. Loại vaccine này không phải chờ nghiên cứu và ngày nào các phương tiện truyền thông cũng nhắc nhở mọi người sử dụng. Làm được như thế tôi tin là việc hạn chế sự lây lan của Covid-19 sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, mà xã hội lại trở nên văn minh hơn.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại cô thư sau.

QUỐC THẮNG

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm